Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Procimex Việt Nam (trụ sở tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) được thành lập từ tháng 1/2008 với cơ cấu vốn trên 55% vốn Nhà nước. Ông Nguyễn Điểm (trú 118 Trần Phú, TP. Đà Nẵng) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, bà Bùi Thị Hòa (SN 1959, quận Thanh Khê)  kế toán trưởng và Đoàn Thị Anh Thư (SN 1974, quận Ngũ Hành Sơn) được phân công làm thủ quỹ.

Để có tiền sử dụng cho nhu cầu cá nhân, ông Điểm đã chỉ đạo cho bà Hòa làm thủ tục rút tiền từ ngân hàng và giao cho Đoàn Thị Anh Thư đi rút tiền ở ngân hàng để về nhập quỹ ở công ty. Sau khi lấy được tiền, có lúc Thư đưa tiền cho bà Hòa rồi đưa lại cho ông Điểm, có lúc ông Điểm nhận trực tiếp từ Thư, có lúc đưa cho vợ ông Điểm với tổng số tiền hơn 25 tỷ.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Bắt đầu từ tháng 1/2011, lợi dụng chức vụ của mình, ông Điểm đã chỉ đạo cho Hòa âm thầm “rút ruột” tiền từ quỹ công ty 4 lần số tiền 1,3 tỷ đồng. Để tránh bị phát hiện, Hòa đã nhờ đến sự hỗ trợ từ Thư, hoạch toán khống 02 chứng từ chi số 40, ngày 31/01/2011, số tiền 500 triệu đồng với nội dung nộp tiền vào tài khoản ngân hàng và chứng từ số 41, ngày 31/01/2011, số tiền 800 triệu đồng với nội dung nộp tiền vào tài khoản ngân hàng.

Bằng thủ đoạn tương tự trong vòng gần hai năm, ông Điểm cùng hai bị cáo đã tham ô tài sản của công ty hàng chục tỷ đồng. Lúc đầu, các bị cáo chỉ “ăn” của công ty mỗi tháng 4 hoặc 5 lần số tiền hơn 1 tỷ... sau đó số lần rút tiền trong tháng tăng dần lên 8 rồi 9 lần với số tiền lên đến 3 tỷ.

Theo quy định, vào cuối năm công ty bắt buộc phải báo cáo số liệu kế toán và có sự kiểm tra, xác nhận của đơn vị kiểm toán. Phía Công ty Procimex VN đã thuê Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán PKF Đà Nẵng (hiện đã giải thể). Để qua mặt được bên kiểm tra, ông Điểm đã chỉ đạo cho Hòa chỉnh sửa số liệu xác nhận số dư trong tài khoản của công ty tại hai ngân hàng Eximbank và VP Bank. Bà Hòa đã thực hiện bằng cách ghi số liệu khống cho phù hợp với số liệu đã rút trong năm 2011 trên tờ giấy A4 và cắt dán chồng lên số liệu trong giấy xác nhận gốc của ngân hàng rồi phôtô ra cung cấp cho Công ty Kiểm toán PKF. Do đó, Công ty Kiểm toán KPF không phát hiện ra.

Bên cạnh đó, trên thực tế công ty cũng có chi tiền vào các khoản tiếp khách, mua nước khoáng, mua cây dương liễu về trồng,... các bị cáo đã lập mới trang ghi sổ quỹ mới, thay đổi nội dung trên các chứng từ, “đội” số tiền lên để chiếm đoạt.

Đến ngày 5/11/2012, ông Điểm đột ngột qua đời. Sau khi tổng giám đốc mới được điều động về thay ông Điểm tiến hành kiểm tra tài chính thì phát hiện số tiền quỹ thực tồn bị thâm hụt so với số tiền quỹ trên sổ sách kế toán là hơn 25 tỉ đồng.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hòa và Thư đã thừa nhận hành vi tội danh như cáo trạng phía đại diện Viện kiểm sát đã tuyên bố. Tuy nhiên, hai bị cáo lại cho rằng do tin lời ông Điểm hứa “sẽ chịu trách nhiệm, không cần lo lắng sau một thời gian ông sẽ bán đất để bù vào” và một mực khẳng định do sợ bị đuổi việc đành làm theo chỉ đạo của tổng giám đốc Cty, tức ông Nguyễn Điểm nên mong HĐXX giảm mức án, vì bị cáo không chiếm đoạt số tiền, không được hưởng lợi gì.

"Thưa HĐXX, tôi không thể tự mình lấy tiền được nếu như không có sự chỉ đạo cũng như chữ ký của ông Điểm, HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án bởi bị cáo cho rằng mình không hề chiếm đoạt. Toàn bộ số tiền rút ra bị cáo đều đưa cho ông Điểm”, bị cáo Hòa nói.

Sau đó, phía đại diện VKS như HĐXX đã giải thích cho hai bị cáo hiểu rõ, với người có trình độ chuyên môn như bị cáo, biết rõ nguyên tắc tài chính nếu thực hiện như việc chỉ đạo của ông Điểm là hoàn toàn sai nhưng Hòa và Thư đã không lên tiếng báo cáo lại với hội đồng quản trị, im lặng làm theo. Hơn nữa, trong trường hợp này, nếu các bị cáo không ký xác nhận liệu ông Điểm có rút được tiền. Việc rút tiền được thực hiện 87 lần chứ không phải một hai lần điều này chứng tỏ Thư đã thông đồng với bà Hoa và ông Điềm để thực hiện. Bị cáo Hòa có nói toàn bộ số tiền rút séc đều đưa hết cho ông Điểm cũng không có giấy tờ gì để chứng minh.

Ngoài ra, hành vi của ông Điểm đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên, do ông Điểm đã qua đời nên Cơ quan điều tra không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nhưng về trách nhiệm dân sự thì người thừa kế tài sản của ông Điểm phải có nghĩa vụ bồi thường số tiền chiếm đoạt cho Công ty Procimex. Đối với Bùi Thị Hòa và Đoàn Thị Anh Thư đã có hành vi “Tham ô tài sản”. Như vậy cáo trạng mà phía đại diện VKS truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội.

Trên cơ sở xem xét tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu của người bị hại cũng như đề xuất của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Bùi Thị Hòa mức án chung thân và  Đoàn Thị Anh Thư 7 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Mộc Lan