Dự kiến phiên xét xử diễn ra từ ngày 18 đến 29-4 và sẽ tuyên án sau ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Nhiều bị cáo bất ngờ rút kháng cáo

Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm do Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử hồi tháng 9 năm ngoái, các cựu cán bộ ngân hàng OceanBank và các bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội cố ý làm trái, cho vay sai quy định, tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Các mức án dành cho 50 bị cáo từ án treo cho đến tử hình. 

leftcenterrightdel
Hội đồng xét xử phúc thẩm 

Trong số đó có 31 bị cáo kháng cáo và ra tòa phúc thẩm lần này, gồm Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch OceanBank – bị tuyên chung thân), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch PVN, nguyên tổng giám đốc OceanBank bị tuyên tử hình), Nguyễn Minh Thu (nguyên chủ tịch OceanBank – bị tuyên 22 năm), Nguyễn Văn Hoàn (nguyên phó tổng giám đốc – bị tuyên 22 năm), Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Hứa Thị Phấn (nguyên chủ tịch công ty CP Đầu tư Phú Mỹ), Lê Thị Thu Thủy (phó tổng giám đốc OceanBank).

Các bị cáo nguyên là giám đốc các khối ở Hội sở OceanBank cũng kháng cáo gồm Vũ Thị Thùy Dương (nguyên giám đốc khối kế toán và giao dịch trong nước OceanBank), Nguyễn Thị Nga (nguyên kế toán trưởng OceanBank, sau là giám đốc khối tài chính kế toán OceanBank), Nguyễn Hoài Nam (nguyên giám đốc khối nguồn vốn), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên giám đốc khối bán lẻ), Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên giám đốc khối khách hàng cá nhân). 

Có 19 bị cáo thuộc nhóm 34 giám đốc chi nhánh của Oceanbank đã được tuyên án treo trong phiên tòa sơ thẩm cũng kháng cáo đề nghị tuyên không có tội (2 bị cáo) hoặc giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra một số nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm 

Trong kháng cáo, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho rằng việc phải bồi thường thêm 800 tỉ đồng là "quá bất công" với mình...  Bị cáo Hà Văn Thắm cũng đề nghị TAND Cấp cao xem xét lại việc quy kết mình là đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bởi theo bị cáo Thắm, hồ sơ vụ án cũng thể hiện rõ bị cáo chỉ biết số tiền đưa cho PVN thông qua bị cáo Sơn là chi chăm sóc khách hàng cho PVN, không chi cho bất cứ cá nhân nào. Bởi vậy bị cáo Thắm cho rằng mình không thể đồng phạm với bị cáo Sơn... Do đó, bị cáo Thắm mong Tòa án cấp cao không truy xét mình thêm tội tham ô và lạm dụng chức vụ.

Các bị cáo khác đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh hoặc xin giảm nhẹ hình phạt… Trước ngày diễn ra phiên tòa, có 5 bị cáo bất ngờ rút kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự đã gửi trước đó. 

5 bị cáo này gồm: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên giám đốc OceanBank phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi; nay là phòng giao dịch Lý Thường Kiệt). Phan Thị Lan (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Hà Tĩnh); Bùi Đức Quỳnh (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Đồng Nai); Đỗ Quốc Trình (nguyên giám đốc OceanBank phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng) và Nguyễn Quốc Trưởng (nguyên giám đốc OceanBank chi nhánh Cần Thơ). Những bị cáo này bị cấp sơ thẩm tuyên cải tạo không giam giữ hoặc cho hưởng án treo.

Ngoài ra, 20 cổ đông của Oceanbank cũng gửi đơn tới TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét quyền lợi. Họ cho rằng tòa sơ thẩm yêu cầu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc Oceanbank) bồi thường thiệt hại cho cổ đông nhà nước thì các cổ đông khác cũng phải được bồi thường tương ứng với tỉ lệ vốn góp.

Trong số 31 bị cáo ra tòa lần này, có 4 bị cáo xin xử vắng mặt, 120 người được triệu tập. Đại diện tổ thư ký phiên tòa cho biết, theo danh sách triệu tập 120 người tham gia phiên tòa là các bị cáo khác và những người có liên quan.

Nguyên đơn dân sự là OeanBank có mặt. Người bảo vệ quyền lợi cho OceanBank có 2 luật sư. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 4 người đại diện có mặt, luật sư Nguyễn Văn Thái là người bảo vệ quyền lợi cho PVN. 

Bị cáo Hà Văn Thắm có 4 luật sư, bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn có 5 luật sư, bào chữa cho Nguyễn Minh Thu có 1 luật sư, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh có 3 luật sư, bào chữa cho Hứa Thị Phấn có 2 luật sư… Ngoài ra tòa cũng chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo không tự mời luật sư. 

Trong số các bị cáo có Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Viết Hiền vắng mặt và có đơn xin xử vắng mặt. 

Theo đại diện VKS, trường hợp Phạm Công Danh có đơn xin vắng mặt, có xác nhận của cơ quan đang tạm giam bị cáo Danh, VKS thấy đủ điều kiện xét xử vắng mặt. Bị cáo Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Viết Hiền cũng đủ điều kiện để cho xử vắng mặt.

Bị cáo Hứa Thị Phấn có đơn xin vắng mặt tại phiên sơ thẩm và thời điểm đó vẫn minh mẫn, nhưng nay không đủ điều kiện để dự tòa, luật sư của bị cáo cũng kiến nghị xử vắng mặt và đề nghị HĐXX chấp thuận cho đề nghị này. 

Theo thông báo triệu tập phiên tòa là triệu tập nhiều nhưng nay lại vắng mặt rất nhiều, không có lý do nào, do vậy VKS đề nghị trong quá trình xét xử nếu cần thiết thì áp dụng các quy định của luật tố tụng hình sự để các nhân chứng này có mặt tại tòa.

Với các bị cáo không kháng cáo, nếu thấy cần thiết cũng mời đến tòa. Còn các bị cáo kháng cáo, trừ các bị cáo vắng mặt, thì buộc phải đến, nếu không sẽ áp dụng áp giải. 

Luật sư đề nghị triệu tập thêm nhiều đơn vị liên quan

Luật sư Minh Tâm bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn đề nghị triệu tập Ngân hàng Nhà nước đến để xác định tư cách người quản lý vốn của PVN tại OceanBank. Bị cáo Sơn đề nghị xác định số tiền không chiếm đoạt, có liên quan ông Ninh Văn Quỳnh, nhưng phiên tòa này lại không có ông Quỳnh nên đề nghị triệu tập ông Ninh Văn Quỳnh. Luật sư cũng đề nghị triệu tập đại diện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương để xác định tính chất tài sản.

Luật sư Trần Vũ Hải bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn đề nghị triệu tập bà Võ Thị Thanh Xuân là vợ bị cáo Sơn đến tòa. Luật sư đồng thời đề nghị triệu tập đại diện Bộ Tài chính đến để hỏi về các công văn liên quan. Luật sư đề nghị triệu tập đại diện Kiểm toán Nhà nước để xác định nội dung công văn xem có đúng như công văn đã được xem tại phiên tòa PVN góp vốn OceanBank. 

Luật sư Nguyễn Xuân Nam bào chữa cho Nguyễn Văn Hoàn đề nghị triệu tập nhóm người liên quan thiết lập hồ sơ 500 tỷ (OceanBank cho vay đối với công ty Trung Dung), đề nghị cả chủ tịch và tổng giám đốc của Ngân hàng Đại Tín là ông Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam vì có liên quan đến việc quản lý và sử dụng 500 tỷ. 

Luật sư Đỗ Ngọc Quang bào chữa cho Hà Văn Thắm nói có luật sư đề nghị triệu tập ông Ninh Văn Quỳnh, và theo luật sư thì điều này là không cần thiết. Luật sư Quang nói ông bảo vệ cho Ninh Văn Quỳnh ở phiên tòa PVN đầu tư 800 tỷ và tại phiên tòa đó Ninh Văn Quỳnh không kháng cáo. Vụ án liên quan đến số tiền 20 tỷ mà ông Quỳnh đã nhận từ ông Sơn từ tiền chi lãi ngoài của OceanBank đã được đưa ra xét xử, đã bị tuyên phạt 16 năm tù. Vì thế luật sư Quang đề nghị không cần triệu tập ông Quỳnh đến vì hành vi này đã được xét xử trong vụ án khác. 

Luật sư Xuân Anh bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm đề nghị xác định thêm tư cách tố tụng của Hà Văn Thắm là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

Hội đồng xét xử: Không hạn chế xét hỏi, tranh luận 

Chủ tọa phiên tòa cho biết phiên tòa dự kiến kéo dài 10-12 ngày. HĐXX không hạn chế xét hỏi, tranh luận nếu chưa "tranh luận đến cùng", tuy nhiên, thời gian xét xử dài hay ngắn còn tùy thuộc lớn vào các nội dung các luật sư sẽ đưa ra tranh tụng. HĐXX đã họp với các cơ quan chức năng về việc triệu tập với các cơ quan, các trường hợp luật sư đưa ra, HĐXX sẽ bàn bạc, nếu trong quá trình xét hỏi, tranh luận mà cần họ có mặt thì sẽ triệu tập để làm rõ. Còn nếu không cần thiết thì sẽ không triệu tập. 

Có 02 luật sư chỉ định là Nguyễn Văn Huấn và luật sư Hoàng Kim Thoa để bào chữa cho các bị cáo trong trường hợp cần thiết. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Ngô Hồng Phúc cho biết, trong số các bị cáo có hình phạt cao, theo quy định thì tòa án vẫn phải chỉ định luật sư bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Nhưng quyền chấp nhận hay không là thuộc về bị cáo. Trong đó luật sư Hoàng Kim Thoa là luật sư chỉ định bào chữa cho Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn…

Tuy nhiên, bị cáo Hà Văn Thắm, Lê Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Vũ Thị Thùy Dương nói đã có đủ luật sư bào chữa nên không nhờ luật sư Hoàng Kim Thoa do Tòa chỉ định. Bị cáo Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn vắng mặt, các luật sư của các bị cáo nói không cần thiết nhờ luật sư chỉ định vì đã có đủ luật sư và đề nghị HĐXX xem xét.  

Luật sư Nguyễn Xuân Anh thuộc nhóm luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn xin ý kiến, nếu chỉ định luật sư cho các bị cáo, chẳng may nếu có xảy ra xung đột về quyền lợi của bị cáo thì sẽ không đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, vì thế mong HĐXX xem xét.

Trả lời luật sư Xuân Anh, chủ tọa phiên tòa nói trong quá trình xét xử nếu cần thiết bảo vệ quyền lợi cho bị cáo thì phải lên tiếng bảo vệ và điều đó đúng với quy định của pháp luật.  

Trần Tâm