Trốn 39 tỉ đồng tiền thuế
Ngày 31/3, Tòa án quân sự Quân khu 7 (TAQSQK7) đã tuyên án vụ án “Trốn thuế” xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép. Theo cáo trạng, Đinh Ngọc Hệ, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Thái Sơn Bộ Q.P và là người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng đã nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập một số công ty, như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đức Bình (công ty Đức Bình), Công ty cổ phần Đầu tư Cái Mép (công ty Cái Mép) ... Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa là độc lập nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ và sự điều hành của Phạm Văn Diệt.
Năm 2008, Phạm Văn Diệt được tuyển vào làm nhân viên Công ty Đức Bình. Năm 2010, Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo bổ nhiệm Diệt làm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình, điều hành hoạt động Công ty Đức Bình và các công ty nêu trên của Hệ. Hệ chỉ đạo, quyết định, điều hành thông qua Phạm Văn Diệt và các Giám đốc điều hành, người đứng tên đại diện theo pháp luật các công ty.
Công ty Cái Mép được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần với vốn điều lệ 2,7 tỉ đồng; cổ đông sáng lập gồm: Đinh Thị Hiên góp 1,080 tỉ đồng (40%), Vũ Thị Hoa góp 1,080 tỉ đồng (40%), Vũ Thị Hoan góp 540 triệu đồng (20%); Người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Hoa.
Thực tế, Công ty Cái Mép là của Đinh Ngọc Hệ; Đinh Thị Hiên, Vũ Thị Hoa và Vũ Thị Hoan (đều là cháu của Hệ) chỉ là những người đứng tên trên giấy tờ, không có tiền góp vốn. Ngày 28/9/2017, công ty Cái Mép đăng ký thay đổi lần thứ 11, tăng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2016, Công ty Cái Mép ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên 8 khu đất quốc phòng (bản chất là thuê đất), sau đó, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng (bản chất là cho đối tác khác thuê lại).
Đinh Ngọc Hệ là người trực tiếp chỉ đạo Phạm Văn Diệt, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình (Diệt được Hệ giao nhiệm vụ điều hành tất cả các công ty của Hệ, trong đó có công ty Cái Mép) thống nhất với Trần Lê Toàn, kế toán trưởng công ty Cái Mép không kê khai thuế, kê khai không đầy đủ, để ngoài sổ sách, không xuất hóa đơn các khoản thu của công ty Cái Mép cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại các khu đất quốc phòng để công ty Cái Mép trốn đóng thuế nhà nước trên 39,7 tỉ đồng.
Viện Kiểm sát quân sự QK7 đã đề nghị Tòa tuyên Đinh Ngọc Hệ từ 5-6 năm tù; Phạm Văn Diệt từ 3-4 năm tù; Trần Lê Toàn từ 2 năm – 2 năm 6 tháng tù.
Đinh Ngọc Hệ lĩnh thêm mức án 5 năm tù
Theo HĐXX, tại phiên toà, bị cáo Hệ và bị cáo Diệt đều không thừa nhận đã chỉ đạo kế toán của công ty Cái Mép trốn thuế nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án có đủ cơ sở để xác định: từ tháng 3/2008 đến tháng 4/2016, Công ty Cái Mép ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên 8 khu đất quốc phòng.
Sau đó, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng.
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử. |
Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2018, các bị cáo đã thực hiện trốn hơn 39 tỉ đồng tiền thuế. Trong đó, có 12,9 tỉ tiền thuế giá trị gia tăng, còn lại là thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với bị cáo Toàn (kế toán Công ty Cái Mép) biết được những khoản thu của các công ty thuộc diện phải kê khai và đóng thuế nhưng bị cáo đã nghe theo chỉ đạo của bị cáo Hệ và Diệt không thực hiện kê khai thuế nên trong vụ án này thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người thực hành.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm đến chính sách quản lý thuế của cơ quan Nhà nước nên cần có mức án nghiêm khắc để răn đe.
Trong vụ án này, Đinh Ngọc Hệ là chủ của các doanh nghiệp, người được hưởng lợi lớn nhất trong vụ việc này chính là các doanh nghiệp của bị cáo Hệ. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo việc trốn thuế nên không có cơ sở để chấp nhận lời bào chữa của các luật sư cho rằng, bị cáo Hệ không biết về kế toán việc kê khai thuế là do bộ phận kế toán làm.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tự Út “trọc”) 5 năm tù, tổng hợp các bản án trước, buộc Hệ phải chấp hành hình phạt chung là chung thân; Phạm Văn Diệt 4 năm tù, tổng hợp bản án trước, Diệt phải chấp hành 28 năm tù; Trần Lê Toàn 2 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Về trách nhiệm dân sự, buộc công ty Cái Mép nộp lại hơn 39,7 tỉ đồng tiền trốn thuế.