Trong những ngày diễn ra phiên tòa, đại diện VKS đã lập luận thuyết phục, sắc sảo, đối đáp đến cùng quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo, phân hóa rõ vai trò của các bị cáo, đề nghị mức án đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Đề nghị của VKS còn thể hiện sự nghiêm minh, tính nhân văn của pháp luật. Đối với bị cáo tại Bộ Y tế, VKSND đã cân nhắc đề nghị mức án phù hợp, trong đó có nhiều bị cáo được hưởng án treo.

leftcenterrightdel
 Chủ tọa phiên tòa tuyên án đối với 8 bị cáo. Ảnh: Hà Tuân. 

Theo đề nghị của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 8 bị cáo.

Cụ thể, các bị cáo thuộc Bộ Y tế lần lượt bị tuyên phạt như sau:

Bị cáo Cao Minh Quang (SN 1956, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 60 tháng.

leftcenterrightdel
 Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang tại phiên tòa vào ngày 21/11. Ảnh: TTXVN.

Bị cáo Dương Huy Liệu (SN 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 48 tháng.

Bị cáo Phạm Thị Minh Nga (SN 1972, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 30 tháng.

Bị cáo Nguyễn Nam Liên (SN 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, Phó Trưởng ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế) 24 tháng tù.

Nguyễn Việt Hùng (SN 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) 30  tháng tù. Tổng hợp hình phạt của bán án này với bản án số 730, buộc bị cáo Nguyễn Việt Hùng phải chấp hành hình phạt tù của 2 bản án là 5 năm 6 tháng tù.

Cả 5 bị cáo trên đều bị VKSND tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo liên quan đến Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long lĩnh các mức án sau:

Bị cáo Lương Văn Hóa (SN 1957, cựu Tổng Giám đốc Dược Cửu Long) 9 năm tù. Hình phạt bổ sung 30 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (SN 1967, cựu Kế toán trưởng Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) 6 năm tù. Hình phạt bổ sung 30 triệu đồng.

Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (SN 1952, cựu Giám đốc chi nhánh TP.HCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) 5 năm tù. Hình phạt bổ sung 30 triệu đồng.

Ba bị cáo trên bị tuyên phạt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hội đồng xét xử cũng buộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho Bộ Y tế số tiền 58.431.883.500 đồng. Trả lại cho Bộ Y tế số tiền 3.260.355.000 đồng.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa diễn ra trong 3 ngày, các luật sư, bị cáo xác định Cáo trạng truy tố của VKSND tối cao là không oan, đúng người, đúng tội. 

Cáo trạng của VKSND  tối cao khẳng định, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long được thành lập năm 2004, ban đầu có vốn nhà nước chiếm 51,07%. Đến năm 2019, sau khi nhà nước thoái toàn bộ vốn, Công ty Dược Cửu Long trở thành công ty cổ phần 100% vốn tư nhân. Năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch tại Việt Nam. Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai, chỉ đạo, giám sát việc sản xuất thuốc, dự trữ thuốc theo kế hoạch.

Bộ Y tế sau đó giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng giá thuốc Oseltamivir sản xuất trong nước. Trong số các doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir, Công ty Dược Cửu Long là một lựa chọn.

Từ tháng 2 đến tháng 4/2006, Công ty Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Công ty Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm 6 tháng, kể từ ngày nhận hàng.

Sau này, giá nguyên liệu giảm, bị can Lương Văn Hóa, cựu Tổng Giám đốc Dược Cửu Long đã chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,848 triệu USD; đồng thời, hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền này.

Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, bị can Lương Văn Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện và yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, bị can tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục lòng vòng để hợp thức hồ sơ thanh toán.

Cáo trạng xác định, số tiền mà Công ty Dược Cửu Long giữ lại không thanh toán cho Công ty Mambo là khoản tiền có nguồn gốc thuộc ngân sách nhà nước. Các bị can tại Công ty Dược Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ, trái nguyên tắc tài chính, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính để hạch toán giảm nợ và ghi giảm giá vốn.

Hành vi này dẫn tới ngân sách bị thiệt hại 3,848 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng).

 

Vũ Phương