Sáng nay, Tòa án quân sự Quân khu 3 mở phiên tòa công khai xét xử các bị cáo vụ “xẻ thịt” đất quốc phòng tại khu Đồng Xá, phường Thành Tô, Quận Hải An, Hải Phòng đem bán.
Sau phần thẩm tra lý lịch các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã công bố bản cáo trạng, truy tố các bị cáo nêu trên về tội: Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Sư đoàn Phòng không 363 được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao quản lý khu đất tại phường Tràng Cát và phường Thành Tô, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Sư đoàn 363 đã giao cho phòng hậu cần của sư đoàn với mục đích chuyển đổi khu đất quốc phòng thành đất nhà ở.
Năm 2004, nguyên Sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Khuây đã ký văn bản báo cáo Tư lệnh phòng không không quân xin khảo sát, nhưng chưa được đồng ý. Đến năm 2009, lấy lý do người dân đổ phế thải lấn chiếm, Nguyễn Văn Khuây đã giao cho Vũ Duy An (SN 1957, trú tại Trực Ninh, Nam Định - nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363) thực hiện việc cắm mốc giới, trong đó có mốc giới số 8 chồng lấn vào đất của cả sư đoàn, tổng diện tích hơn 5,7 ha. An đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện cắm mốc giới, vẽ bản đồ quy hoạch khu dân cư trái phép, sau đó đưa cho sư trưởng Nguyễn Văn Khuây và Chủ tịch UBND phường Thành Tô, ông Đỗ Công Mên ký.
Sau khi có bản đồ với đường đi, khu dân cư do Sư trưởng sư đoàn 363 và Chủ tịch phường Thành Tô ký, nhiều người dân đã mua bán, chuyển đổi, xây dựng nhà trái phép trên khu đất này...
Tháng 2/2008, Vũ Duy An còn ký cho Nguyễn Thị Xuân (vợ của Phạm Văn Bình) thuê 3,3 ha đất ở khu vực 5,7 ha với giá 100 triệu đồng/năm, thời hạn 30 năm, có bản đồ chi tiết 1/500. Sau đó, Phạm Văn Bình (SN 1958, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng - giám đốc một doanh nghiệp thuê khu đất) đã thuê người vẽ bản đồ và Nguyễn Văn Khuây đóng dấu. Tuy nhiên, lấy lý do đất bị chồng lấn, Xuân và Bình không trả tiền thuê lô đất 3.000 m2 nữa, mà lại tiếp tục làm hợp đồng thuê của sư đoàn 363 diện tích 1,6ha với giá 23 triệu đồng/năm, thời hạn 20 năm.
Sau đó, Phạm Văn Bình cho Nguyễn Phú Doanh (SN 1977, trú tại quận Kiến An, Hải Phòng - nguyên phó trưởng phòng thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên môi trường Hải Phòng) làm đường, sân bóng. Từ bản đồ quy hoạch khu dân cư trái phép, Bình và Doanh đã bán cho nhiều người dân, giá từ 500 - 700 triệu đồng/lô đất 100m2. Theo tính toán của cơ quan chức năng, khu đất 5,7 ha đã bị các đối tượng Bình - Doanh bán giá rẻ nhất cũng lên đến trên 32 tỉ đồng.
Đỗ Công Mên (trú tại Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng - nguyên chủ tịch UBND phường Thành Tô, quận Hải An) còn ký các văn bản đề nghị Điện lực Hải Phòng và Công ty Cấp nước cung cấp điện nước cho người dân khu vực này. Phạm Văn Bình sau đó đã yêu cầu mỗi hộ dân muốn được cấp điện nước phải đóng 14 triệu đồng mới được cung cấp điện nước. Cả khu vực 5,7 ha có đường dọc và 4 đường ngang với khoảng gần 130 ngôi nhà từ 1 - 5 tầng, một sân bóng 800m. Do người dân đã mua bán, xây dựng trái phép, diễn biến phức tạp khó có khả năng thu hồi.
Lợi dụng tình trạng các đối tượng trên “xẻ thịt” đất quốc phòng bán, các đối tượng giang hồ đã “nhảy dù” vào chiếm đất khu vực gần 9ha liền kề đó, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép càng diễn biến phức tạp.
|
|
Bị cáo Nguyễn Văn Khuây – là Sư trưởng Sư đoàn 363 bị tuyên phạt 42 tháng tù. |
Đại diện Viện kiểm sát Quân khu 3 thực hiện quyền công tố tại tòa đã xác định: Bị cáo Nguyễn Văn Khuây – là Sư trưởng Sư đoàn 363 đã lợi dùng chức vụ quyền hạn, cho thuê đất, giao đất trái phép. Sai phạm của Khuây là rất nghiêm trọng khi làm mất hơn 5ha đất, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín của Sư đoàn 363, hình ảnh quân đội, dẫn đến sự việc phức tạp, khó giải quyết. Vai trò của Khuây là chủ mưu và thực hiện các hành vi trái luật trong vụ án.
Hành vi của Mên đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ, liều lĩnh, gây hậu quả to lớn, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, là đối tượng thực hiện tích cực, nên phải chịu trách nhiệm sau bị cáo Khuây.
Bị cáo Bùi Đức An, Chủ nhiệm hậu cần Sư đoàn 363, lẽ ra phải quản lý khu đất, nhưng lại cho thuê đất trái luật. Biết việc làm sai trái, nhưng vẫn làm và chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi sai trái, bị cáo đã kí đóng dấu bản đồ để chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, là người thực hiện.
Bị cáo Nguyễn Phú Doanh công tác tại sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng, lẽ ra phải biết rõ về các quy định đất đai, nhưng đã cố tình mua bán trái phép đất quốc phòng, giúp sức cho Đỗ Công Mên thực hiện các hành vi sai trái.
Bị cáo Phạm Văn Bình, vì lợi ích cá nhân, câu kết với Bùi Đức An, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức xây dựng công trình điện nước, cùng Đỗ Công Mên kí xác nhận bản đồ, trích đo... khiến hơn 5,7 ha đất bị mua bán sử dụng trái phép.
Sau phần cáo trạng, tranh tụng tại tòa, HĐXX nhận định: Thời gian để xảy ra vi phạm đất đai này rất dài, diện tích 5,7 ha bị chiếm dụng là rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Mặc dù các bị cáo đều khai báo thành khẩn, khắc phục một phần hậu quả (mỗi bị cáo nộp 50 triệu đồng), nhưng tòa vẫn xác định, trách nhiệm của Nguyễn Văn Khuây là chính.
Do đó, bị cáo Nguyễn Văn Khuây bị tuyên phạt 42 tháng tù; bị cáo Bùi Đức An bị tuyên 36 tháng tù; Đỗ Công Mên, Nguyễn Phú Doanh và Phạm Văn Bình cùng bị tuyên 30 tháng tù. Riêng bị cáo Doanh trong vòng 30 tháng sau khi chấp hành hình phạt sẽ không được đảm nhận các chức vụ trong cơ quan nhà nước.
Hoàng Hưng