Liên quan đến vụ án này, tháng 4/2023, Báo Bảo vệ pháp luật đăng tải loạt bài “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn”, phản ánh vụ việc gần 3ha rừng tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn bị chặt phá trái phép, khối lượng gỗ được phát hiện lên tới hơn 170m3. Đây là vụ phá rừng lớn nhất tại tỉnh Bắc Kạn trong hơn 20 năm qua.

Lời khai của bị cáo Sĩ... là phù hợp?

Theo cáo trạng truy tố, ngày 5/4/2023, Công an huyện Chợ Đồn nhận được tin báo về việc tại khu vực rừng Ba Bồ, tiếp giáp với Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, thuộc địa phận giáp ranh giữa thôn Nà Tùm và thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn bị khai thác trái pháp luật.

leftcenterrightdel
 Kết quả khám nghiệm hiện trường, 324 cây gỗ tự nhiên bị khai thác trái phép, tổng khối lượng gỗ hơn 181m3, diện tích rừng bị xâm hại 2,8 héc-ta. Ảnh: H.Nguyên.

Công an huyện Chợ Đồn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện tại các lô rừng 148, 152, 153, 160, 173, khoảnh 11, tiểu khu 289, có các cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ, cắt khúc nằm rải rác trên rừng và một phần được lao xuống chân các lô rừng; phát hiện bắt giữ 3 xe máy, 1 xe tắc tơ…

Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, có 324 cây gỗ tự nhiên từ nhóm IV-VIII bị khai thác trái phép, với tổng khối lượng gỗ hơn 181m3, diện tích rừng bị xâm hại 2,8 héc-ta…

Quá trình điều tra, Đinh Văn Sĩ (SN 1971, trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; tạm trú tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) khai nhận, các lô rừng bị khai thác trái phép là của bà Vũ Thị Hằng (SN 1958, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, tạm trú tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn). Do tình hình dịch bệnh COVID-19, ngày 10/8/2021, bà Hằng đã làm giấy ủy quyền cho Sĩ đứng ra trông coi, quản lý (bị cáo Sĩ là em trai ông Đinh Văn Thức - chồng bà Hằng).

Trong quá trình trông coi, quản lý, tháng 7/2022, Sĩ đã lắp đặt máy xẻ, dựng xưởng xẻ tại bãi đất trống gần với khu vực rừng của bà Hằng; kéo điện từ trạm biến áp nhà máy luyện chì trong Công ty đấu nối vào máy xẻ.

Đầu tháng 3/2023, Sĩ bảo Lường Văn Đặng (SN 1982, trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) tìm giúp máy xúc để sửa đường lên rừng. Mấy ngày sau, Đặng dẫn Trần Hồng Việt (cùng trú tại thị trấn Bằng Lũng) lái máy xúc vào làm đường. Sĩ đứng ở dưới chân đồi chỉ đạo, còn Đặng trực tiếp đưa Việt lên rừng và chỉ khu vực cần sửa chữa và làm đường mới. Sau khi làm đường xong, Sĩ thanh toán cho Đặng số tiền 18,4 triệu đồng.

Sau đó, Sĩ bảo Đặng tìm người để khai thác gỗ, mục đích xẻ lấy gỗ làm ván bưng nhà xưởng, làm khay đựng mẫu quặng, cây nhỏ thì làm củi đốt lò cho Công ty. Nhận việc của Sĩ, Đặng đã rủ thêm một số người dân cùng trú tại địa phương thay nhau đem dao, cưa máy vào Công ty, lên rừng khai thác gỗ.

Tiếp đó, Sĩ bảo Đặng tìm người vận chuyển gỗ khai thác được từ trên rừng xuống bãi tập kết. Đặng đã bảo Nông Tú Huyên và Liêu Xuân Hiến dùng xe tắc tơ (máy kéo nông nghiệp có thùng) vào công ty, vận chuyển gỗ từ trên rừng về bãi tập kết cho Sĩ.

leftcenterrightdel
 Theo lời khai của anh Đặng thì ông Thức bảo anh này đi tìm giúp người đến xẻ gỗ chứ không phải là Sĩ bảo. Ảnh: H.Nguyên.

Cuối cùng, Sĩ  bảo Đặng đi tìm người đến xẻ gỗ. Đặng đã đi bảo các anh: Phùng Văn Mạnh, Hoàng Văn Trước, Hứa Văn Hiệu và Triệu Xuân Đại (cùng trú tại thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) vào công ty xẻ gỗ cho Sĩ.

Cũng theo cáo trạng, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh, lấy lời khai, đối chất, căn cứ vào các tài liệu thu thập được xác định, lời khai nhận của Đinh Văn Sĩ là hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án(?).

Lời khai của anh Đặng... là không phù hợp?

Tuy nhiên, cũng theo cáo trạng, lời khai của Lường Văn Đặng lại trái ngược hoàn toàn với lời khai của bị cáo Sĩ. Theo lời khai của Đặng, tất cả những việc anh này làm đều là do ông Đinh Văn Thức trực tiếp chỉ đạo, chứ không phải là Sĩ, từ việc mở đường lên rừng, khai thác gỗ, vận chuyển gỗ, chỉ các vị trí tập kết gỗ, cho đến việc xẻ gỗ; và bà Vũ Thị Hằng là người thanh toán 18,4 triệu đồng tiền làm đường cho Đặng chứ không phải là Sĩ.

Theo Đặng khai, trước thời điểm 2/2/2023, Đặng đã nhiều lần đến làm thuê cho vợ chồng ông Đinh Văn Thức, bà Vũ Thị Hằng các công việc, như: phát cỏ, trồng đào, bốc mẫu quặng… Kết thúc công việc, ông Thức, bà Hằng đều thanh toán tiền công đầy đủ nên Đặng rất tôn trọng vợ chồng ông, bà này, không có mâu thuẫn hay thù oán gì cả.

Ngày 2/2/2023, ông Thức gọi điện cho Đặng vào Công ty bàn việc. Khi đến Công ty, ông Thức giao cho Đặng một số công việc, như: phát cỏ, dọn cỏ tại khu vực đồi mỡ và gần bãi thải của xưởng tuyển; tìm mua cây giống và tìm người trồng cây. Tiếp đó, ông Thức bảo Đặng tìm giúp máy xúc để sửa đường lên rừng; rồi bảo Đặng tìm người vào chặt tỉa cây tại khu rừng đằng sau khu tập thể Công ty, cắt dài khoảng 2 đến 4 mét, phần nào ngắn thì dùng làm củi để đốt lò; việc cắt gỗ như thế nào, Sĩ sẽ chỉ cho. Ông Thức còn nói thêm với Đặng: “Chú đã lo thủ tục hết rồi, cháu cứ làm đi…”.

leftcenterrightdel
 Để vào khu rừng bị chặt phá trái phép phải đi qua Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn. Ảnh: H.Nguyên.

Ngày 9/2/2023, Đặng rủ thêm 3 người cùng đi vào Công ty phát cỏ, tỉa cây cho ông Thức như đã thỏa thuận. Việc phát cỏ và chặt tỉa cây làm trong 4 ngày thì xong. Sau đó, bà Hằng gặp Đặng bảo đi mua giúp cây mỡ giống và tìm người trồng cây. Đặng đã đi mua cây giống và tìm người trồng như lời bà Hằng bảo.

Ngày 28/2/2023, sau khi xong việc, tại khu vực nhà gỗ gần bàn cân của Công ty, bà Hằng thanh toán trả cho Đặng 23 triệu đồng, gồm tiền công phát cỏ, tiền mua cây giống và công trồng cây. Cũng trong ngày 28/2, Đặng dẫn Trần Hồng Việt vào xem vị trí mở đường lên rừng.

Quá trình làm đường, Trần Hồng Việt có nhắn tin qua zalo thông báo với Đặng về thời gian làm. Việc chấm công làm đường của Việt là do bảo vệ Công ty chấm. Ngày 13/3/2023, tại nhà ăn của Công ty, bà Hằng thanh toán 18,4 triệu đồng tiền công làm đường cho Đặng. Sau đó, Đặng đã đưa số tiền này cho Việt.

Về quá trình khai thác gỗ, ngày 11/3/2023, Đặng rủ thêm 3 người nữa, gồm các anh Cương, Thiêm, Toán cùng mình đi vào công ty cắt gỗ tại khu vực rừng bị khai thác trái phép. Những ngày sau đó, nhóm của Đặng thay nhau đi vào chặt hạ các cây gỗ tại khu rừng này.

Chiều 13/3/2023, sau khi thanh toán tiền làm đường với bà Hằng, Đặng lên gặp ông Thức và nói: “Nếu cắt hết chỗ đấy thì nhiều lắm chú ạ…”. Ông Thức nói: “Chú sẽ sắp xếp tìm chỗ đổ cho…”. Rồi ông Thức bảo Đặng đi tìm xe tắc tơ để chở gỗ, vì xe của Công ty không đi lên được địa điểm khai thác gỗ. Trong chiều cùng ngày, Đặng đi bảo Huyên, Hiến đến chở gỗ cho ông Thức.

Sáng 14/3/2023, Đặng dẫn Huyên và Hiến điều khiển xe tắc tơ vào Công ty để lên rừng chở gỗ. Gặp ông thức tại Công ty, Đặng được ông này chỉ cho các vị trí đổ gỗ. Sau đó, Đặng truyền đạt lại cho Huyên và Hiến.

Những ngày khai thác gỗ, công việc của nhóm Đặng là thay nhau cắt gỗ, rồi lao xuống chân lô rừng và bốc lên xe tắc tơ. Tổng số người tham gia khai thác gỗ, gồm cả Đặng là 12 người.

leftcenterrightdel
 Theo lời khai của anh Đặng, ông Thức là người chỉ cho anh các vị trí để tập kết gỗ. Ảnh: H.Nguyên.

Ngày 1/4/2023, ông Thức gọi điện cho Đặng bảo tìm giúp người vào xẻ gỗ. Ông Thức nói với Đặng, xẻ như thế nào Sỹ sẽ hướng dẫn. Sau đó, Đặng gọi cho anh Phùng Văn Mạnh và bảo vào xẻ gỗ cho Công ty. Trưa cùng ngày, Đặng dẫn anh Mạnh vào khu vực xưởng xẻ nhưng Sĩ không có mặt ở đó. Đặng cho anh Mạnh số điện thoại của Sĩ để chủ động liên hệ và hỏi cách thức xẻ gỗ. Tiền công xẻ gỗ, anh Mạnh tự thỏa thuận với Sĩ.

Cũng theo cáo trạng, đối với lời khai của Lường Văn Đặng, Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai, đối chất, căn cứ vào các tài liệu đã thu thập được, chỉ có lời khai của Đặng, ngoài ra không có chứng cứ vật chất khác để chứng minh hành vi chỉ đạo của ông Thức đối với Đặng. Do vậy, Cơ quan điều tra không đủ căn cứ để điều tra, xử lý đối với ông Thức(?!).

Chưa đủ căn cứ xử lý vợ, chồng chủ rừng?

Cũng theo cáo trạng, với ông Đinh Văn Thức (Giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam). Khu vực rừng bị khai thác trái phép thuộc quản lý của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, do vợ ông Thức - bà Vũ Thị Hằng quản lý. Đặng gặp ông Thức chỉ đề cập đến việc phát cỏ, tỉa cây, mua cây giống về trồng… không nói đến việc phát phá rừng. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm. Do đó, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để điều tra, xử lý ông Thức(?).

Đối với bà Vũ Thị Hằng (Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn) là chủ sở hữu toàn bộ khu rừng bị khai thác trái pháp luật. Vì bận nhiều công việc nên bà Hằng đã ủy quyền cho Đinh Văn Sĩ  trông coi, quản lý toàn bộ các lô rừng trên. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được, thấy việc ủy quyền cho Sĩ là đúng quy định, thời điểm xảy ra sự việc bà Hằng không biết, không chỉ đạo Sĩ thực hiện. Do đó, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm của bà Hằng(?).

leftcenterrightdel
 Khai thác trái phép hơn 180m3 gỗ rừng tự nhiên, bị cáo Đinh Văn Sĩ bị tuyên phạt 3 năm tù. Ảnh: H.Nguyên.

Đối với hành vi của Lường Văn Đặng và những người được Đặng bảo đến làm thuê cho Đinh Văn Sĩ, đều là người dân lao động, đi làm thuê, ai thuê việc gì làm việc đó, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, khi thực hiện việc mở đường, khai thác, vận chuyển, xẻ gỗ, Đặng và những người này không tự ý thực hiện, mà làm theo hướng dẫn trực tiếp của Sĩ, không biết việc khai thác, vận chuyển lâm sản là vi phạm pháp luật, do đó Cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Văn Sĩ đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân như nội dung bản cáo trạng nêu.

Theo HĐXX, lời khai nhận tội của bị cáo Sĩ phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận định giá tài sản, vật chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án: Từ ngày 12/3/2023 đến ngày 5/4/2023, bị cáo Đinh Văn Sĩ đã có hành vi chỉ đạo, thuê người mở đường, dùng dao, cưa xăng lên khai thác gỗ trái phép tại các lô rừng mà Sĩ được giao quản lý, để lấy gỗ nhằm mục đích làm khay để mẫu quặng, để bưng nhà xưởng xẻ và làm củi; Số cây gỗ tự nhiên bị khai thác trái phép là 324 cây, tổng khối lượng hơn 181,4m3… tổng giá trị hơn 148,3 triệu đồng, diện tích rừng bị xâm hại là 2,8ha.

HĐXX đánh giá, hành vi phạm tội của bị cáo Đinh Văn Sĩ là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến chế độ quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên tại địa phương; gây mất trật tự an toàn xã hội.

Sau một ngày xét xử, TAND huyện Chợ Đồn đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Sĩ 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, theo đúng tội danh cáo trạng truy tố. Ngoài ra, bị cáo Sĩ còn bị tuyên phạt bổ sung 15 triệu đồng và chịu án phí theo quy định.

Hồng Nguyên