Ngày mai (23/9), TAND huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Văn Sỹ (SN 1971, trú tại xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; tạm trú tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232, Bộ luật Hình sự.
Trước đó, phiên tòa từng được mở vào ngày 4/9, tuy nhiên, đã phải trì hoãn với lý do, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt.
|
|
Theo cáo trạng, Đinh Văn Sỹ đã có hành vi chỉ đạo, thuê người mở đường, dùng dao, cưa xăng lên khai thác trái phép các lô rừng được ủy quyền trông coi, nhằm mục đích lấy gỗ làm khay đựng mẫu quặng, bưng nhà xưởng xẻ và làm củi. Ảnh: H.Nguyên. |
Liên quan đến vụ án này, tháng 4/2023, Báo Bảo vệ pháp luật đăng tải loạt bài “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn”, phản ánh vụ việc gần 3ha rừng tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn bị chặt phá trái phép, khối lượng gỗ được phát hiện lên tới hơn 170m3. Đây là vụ phá rừng lớn nhất tỉnh Bắc Kạn trong hơn 20 năm qua.
Theo cáo trạng của VKSND huyện Chợ Đồn, ngày 5/4/2023 Công an huyện Chợ Đồn nhận được tin báo về việc tại khu vực rừng Ba Bồ, tiếp giáp với Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, thuộc địa phận giáp ranh giữa thôn Nà Tùm và thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn có việc khai thác rừng trái pháp luật.
Công an huyện Chợ Đồn phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện và UBND xã Ngọc Phái tiến hành kiểm tra, phát hiện tại các lô 148, 152, 153, 160, 173, khoảnh 11, tiểu khu 289 có các cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ, cắt khúc nằm rải rác trên rừng và một phần được lao xuống chân các lô rừng; phát hiện bắt giữ 3 xe máy, 1 xe tắc tơ…
Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Đồn phối hợp với VKSND cùng cấp, Hạt kiểm lâm, UBND xã Ngọc Phái tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ khai thác rừng trái pháp luật.
Kết quả kiểm đếm, khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép là 324 gốc cây gỗ tự nhiên từ nhóm IV-VIII bị chặt hạ, tổng khối lượng gỗ hơn 170m3, diện tích rừng bị xâm hại là 2,8 héc-ta; đoạn đường đất đi lên khu vực khai thác gỗ dài 884 mét, trong đó có 136 mới được mở; tại nhà xưởng mái tôn nền đổ bê tông có 1 máy xẻ CD gắn mô tơ…
|
|
Theo cáo trạng, Sỹ đã lắp đặt máy xẻ, dựng xưởng xẻ tại bãi đất trống gần với khu vực rừng của bà Hằng; kéo điện từ trạm biến áp của nhà máy luyện chì trong Công ty đấu nối vào máy xẻ. Ảnh: H.Nguyên. |
Quá trình điều tra, Đinh Văn Sỹ khai nhận, các lô rừng bị khai thác trái phép là của bà Vũ Thị Hằng (SN 1958, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn). Do tình hình dịch bệnh COVID-19, ngày 10/8/2021, bà Hằng đã làm giấy ủy quyền cho Sỹ đứng ra trông coi, quản lý. (Đinh Văn Sỹ là em trai ông Đinh Văn Thức - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam - chồng bà Vũ Thị Hằng)
Trong quá trình trông coi, quản lý, tháng 7/2022, Sỹ đã lắp đặt máy xẻ, xây dựng xưởng xẻ tại bãi đất trống gần với khu vực rừng của bà Hằng, bị can tận dụng những đoạn dây điện cũ của Công ty để kéo điện từ trạm biến áp của nhà máy luyện chì trong Công ty đấu nối vào máy xẻ. Mục đích của Sỹ dựng xưởng xẻ là muốn có thu nhập thêm và khi nào Công ty có việc cần đến máy xẻ thì Sỹ sẽ làm.
Cáo trạng xác định, từ ngày 12/3/2023 đến ngày 5/4/2023, Đinh Văn Sỹ đã có hành vi chỉ đạo, thuê người mở đường, dùng dao, cưa xăng lên khai thác trái phép tại các lô 148, 152, 153, 173, 160 mà Sỹ được giao quản lý, nhằm mục đích lấy gỗ để làm khay đựng mẫu quặng, để bưng nhà xưởng xẻ và làm củi.
Cơ quan tố tụng xác định, có 324 cây gỗ bị khai thác trái phép, tổng khối lượng là 181,474m3. Trong đó: số khối lượng gỗ tròn là hơn 163,8m3; khối lượng gỗ đã được xẻ thành hộp là hơn 6,,3m3; và 324 gốc cây có khối lượng hơn 11,3m3; tổng giá trị hơn 148,3 triệu đồng; diện tích rừng bị xâm hại là 2,8 hec-ta.
“Hành vi phạm tội của bị can Đinh Văn Sỹ là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến chế độ quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương”, cáo trạng nêu rõ.
|
|
Theo cáo trạng, có 324 cây gỗ bị khai thác trái phép, tổng khối lượng là 181,474m3. Ảnh: H.Nguyên. |
Cũng theo cáo trạng, đối với hành vi Lường Văn Đặng và 11 người khác được Đặng gọi đến làm thuê cho Đinh Văn Sỹ, với các công việc: làm đường lên rừng, khai thác gỗ, vận chuyển gỗ, xẻ gỗ đều là người dân lao động, đi làm thuê, ai thuê việc gì làm việc đó, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, khi thực hiện công việc, những người này không tự ý thực hiện, mà làm theo hướng dẫn trực tiếp của Sỹ, không biết việc khai thác, vận chuyển lâm sản là vi phạm pháp luật, do đó, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý;
Đối với Đinh Văn Thức (SN 1956, trú tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là Giám đốc Công ty TNHH TMDV Hoàng Nam). Ông Thức không giữ chức vụ trong Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn. Khu vực rừng bị khai thác thuộc quản lý của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, do bà Vũ Thị Hằng quản lý. Lường Văn Đặng gặp ông Thức chỉ đề cập đến phát cỏ, tỉa cây, mua cây giống, trồng dặm cây con, phát tỉa đồi mỡ trong khuôn viên, không nói đến việc phát phá rừng. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm. Do đó, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để điều tra, xử lý ông Thức(?!);
Đối với bà Vũ Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn, là chủ sở hữu toàn bộ khu rừng bị khai thác trái pháp luật. Vì bận nhiều công việc nên bà Hằng đã ủy quyền cho Đinh Văn Sỹ trông coi, quản lý toàn bộ các lô rừng trên. Với tài liệu, chứng cứ thu thập được, thấy việc ủy quyền cho Sỹ là đúng theo quy định pháp luật, thời điểm xảy ra sự việc, bà Hằng không biết, không chỉ đạo Sỹ thực hiện. Do đó, Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm(?);
Đối với lời khai của Lường Văn Đặng, về việc được sự chỉ đạo của ông Đinh Văn Thức để tìm người sửa đường, khai thác gỗ, tìm xe tắc tơ chở gỗ, chỉ vị trí đổ gỗ và xẻ gỗ. Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai, đối chất, căn cứ vào các tài liệu khác đã thu thập được trong vụ án này, chỉ có lời khai của Lường Văn Đặng, ngoài ra không có chứng cứ vật chất khác để chứng minh hành vi chỉ đạo của ông Thức đối với Đặng. Do vậy, Cơ quan điều tra không đủ căn cứ để điều tra, xử lý?!