Trong vụ án này, có 10 bị cáo bị truy tố về các tội: "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ” và “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, gồm: Lăng Đức Hân (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm - Công ty Ngọc Tâm), Nguyễn Văn Hậu (SN 1982, Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy), Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1965) và Bùi Mạnh Hùng (SN 1952, cùng Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy), Đinh Tiến Hùng (SN 1984, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái);

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm. Ảnh:  Hồng Nguyên.

Tiếp đến là các bị cáo: Bùi Minh Đức (SN 1969, công nhân Công ty Ngọc Tâm), Trần Đắc Việt (SN 1970, thủ kho vật liệu nổ Công ty Ngọc Tâm), Nguyễn Văn Báu (SN 1969, bảo vệ Công ty Ngọc Tâm), Lưu Bằng Đoàn (SN 1972, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cùng là lao động tự do). Trong đó, cựu Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, Đinh Tiến Hùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Trước đó, ngày 7/11/2023, TAND tỉnh Yên Bái đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và quyết định tuyên bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội. 9 bị cáo khác lần lượt bị áp dụng các mức án như sau: Lăng Đức Hân 19 năm tù; Nguyễn Văn Hậu 18 năm tù; Bùi Minh Đức 17 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trọng Tuấn 14 năm tù; Bùi Mạnh Hùng 17 năm tù; Nguyễn Văn Báu 15 năm tù; Trần Đắc Việt 10 năm tù; 2 bị cáo Lưu Bằng Đoàn và Nguyễn Mạnh Hùng 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, một số bị cáo còn bị áp dụng hình phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, VKSND tỉnh Yên Bái đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Yên Bái; đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án hình sự nêu trên theo hướng bị cáo Đinh Tiến Hùng đã phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; các bị cáo Trần Đắc Việt và Nguyễn Văn Báu đã thực hiện hành vi tội phạm “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ”; không cho bị cáo Trần Đắc Việt hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm s, t khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, phát biểu quan điểm tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hồng Nguyên.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 18/10/2020, Đinh Tiến Hùng cùng Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn gặp nhau tại quán cà phê Đồng Tâm bàn bạc về việc tổ chức khai thác khoáng sản trái phép. Hai trong ba người tham gia cuộc gặp gỡ có lời khai về nội dung cuộc gặp. Trong đó, bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn có 7 lời khai và 3 bản tự khai; Nguyễn Văn Hậu có 10 lời khai, 2 bản tự khai.

Tại các biên bản đối chất giữa bị cáo Tuấn và Hậu với Đinh Tiến Hùng thể hiện, bị cáo Đinh Tiến Hùng chủ động đặt vấn đề với nội dung: “Các ông có mỏ, tôi thì có "quan hệ". Bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi sẽ đứng ra lo "quan hệ, cơ chế" còn "Hùng lùn" đi tìm người về để khai thác quặng. Sau khi khai thác và bán được quặng thì tính toán trừ chi phí quan hệ, chi phí sản xuất thì tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận, 2/3 còn lại là của Công ty Tuyên Huy và Hùng lùn”.

Các tài liệu này đều được thu thập theo đúng trình tự pháp luật và có sự tham gia của luật sư bào chữa cho các bị cáo, Kiểm sát viên và ghi âm, ghi hình theo quy định, các lời khai nhất quán trong suốt quá trình điều tra vụ án.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ điện thoại của Nguyễn Trọng Tuấn để trưng cầu giám định và trích xuất dữ liệu theo quy định của pháp luật, trong đó có tin nhắn giữa Tuấn và Đinh Tiến Hùng về việc hẹn gặp tại quán cà phê Đồng Tâm hồi 8h 48’ ngày 18/10/2020, để nói chuyện cho Hậu yên tâm khai thác trên mỏ.

Tuấn đã giải trình rõ về nội dung tin nhắn là để hẹn gặp Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm để cho Hậu yên tâm cho khai thác mỏ Núi Ngàng.

Việc gặp gỡ ngày 18/10/2020 cũng phù hợp với nhiều tài liệu, chứng cứ khác như: lời khai của Tuấn về việc, ngày 15/10/2020, Tuấn gặp Đinh Tiến Hùng và Lăng Đức Hân (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm) tại văn phòng công ty của Tuấn ở Hà Nội. Tại cuộc gặp này, Đinh Tiến Hùng đặt vấn đề khai thác quặng ở mỏ của Công ty Tuyên Huy, Tuấn trả lời Đinh Tiến Hùng “mỏ đấy chưa được cấp phép, cái này em phải bàn với Hậu”; Phù hợp lời khai của Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1978, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) về việc được nghe Tuấn và Đinh Tiến Hùng kể lại nội dung cuộc gặp ngày 18/10/2020, file ghi âm Nguyễn Mạnh Hùng giao nộp thể hiện cuộc nói chuyện giữa Tuấn với Nguyễn Mạnh Hùng nói về cuộc gặp gỡ này.

Ngoài ra, quá trình điều tra, còn thu giữ, trích xuất được hàng loạt tin nhắn chiều ngày 18/10/2020 hỏi nhau về đường đi và hẹn gặp, khi Tuấn và Hậu đang trên đường di chuyển về thành phố Yên Bái để gặp Đinh Tiến Hùng.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hồng Nguyên.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hậu giữ nguyên lời khai về cuộc gặp ngày 18/10/2020. Tuấn khai: Tại cuộc gặp ở quán cà phê Đồng Tâm có lúc Tuấn nghe điện thoại nên chỉ “bập bõm” nghe và à cũng không có ý kiến gì, sau khi ra về mới được Hậu nói lại về nội dung mà Đinh Tiến Hùng nói.

Theo VKSND tỉnh Yên Bái, bản án sơ thẩm đã sai lầm khi nhận định: Đinh Tiến Hùng không phải là người thúc đẩy hoạt động khai thác quặng trái phép ở mỏ núi Ngàng, việc khai thác chưa được triển khai trong thực tế, Đinh Tiến Hùng chưa được hưởng lợi gì nên không phạm tội.

Kết quả điều tra đã xác định rõ, mỏ núi Ngàng của Công ty Tuyên Huy đã hết hạn cấp phép khai thác từ năm 2009. Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2020 (khoảng 11 năm), tại mỏ núi Ngàng không có bất cứ hoạt động khai thác khoáng sản nào. Mặc dù trong thời gian tháng 10/2020, Lăng Đức Hân đã đề xuất việc khai thác nhưng Hậu và Tuấn đều không đồng ý với lý do mỏ chưa được cấp phép khai thác khoáng sản. Chỉ đến ngày 18/10/2020, khi Đinh Tiến Hùng hứa hẹn đứng ra lo cơ chế, quan hệ thì Hậu và Tuấn mới đồng ý hợp tác triển khai. Các bị cáo đều khai do biết rõ Đinh Tiến Hùng có “quan hệ lớn”, có thể lo “cơ chế, quan hệ”, nên mới “tin tưởng và hoàn toàn yên tâm” khai thác.

Quá trình điều tra đã trích xuất được tin nhắn thể hiện sự hứa hẹn và tin tưởng vào mối quan hệ của Đinh Tiến Hùng, kể cả đến khi vụ án được phát hiện vẫn nghĩ Đinh Tiến Hùng “che chắn” được.

Xuất phát từ đề nghị của Đinh Tiến Hùng, do tin tưởng Đinh Tiến Hùng có “quan hệ lớn”, có thể lo “cơ chế, quan hệ”, Hậu và Tuấn đã đồng ý hợp tác, tổ chức khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ núi Ngàng. Thực tế, Đinh Tiến Hùng đã nhờ Nguyễn Mạnh Hùng tìm người đưa lên mỏ khai thác từ ngày 9/11/2020 đến ngày 30/12/2020, với số đá chứa quặng chì kẽm thu được là hơn 1.073 tấn, có giá trị 2 tỉ đồng. Do cùng bàn bạc, thống nhất với các bị cáo khác, dẫn đến việc khai thác trái phép khoáng sản tại mỏ núi Ngàng, nên Đinh Tiến Hùng phải đồng phạm chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Bản án sơ thẩm đã sai lầm khi cho rằng bị cáo không phạm tội này.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Đinh Tiến Hùng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hồng Nguyên.

Ngoài ra, VKSND tỉnh Yên Bái còn chỉ ra hàng loạt tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như kết quả xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm thể hiện sự chỉ đạo của Đinh Tiến Hùng đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ núi Ngàng, cũng như đối phó với Cơ quan điều tra khi hành vi phạm tội bị phát hiện.

Mặc dù, có nhiều tài liệu, chứng cứ được thu thập hợp pháp, liên quan chặt chẽ với nhau, chứng minh sự thật khách quan về việc tham gia chỉ đạo của Đinh Tiến Hùng đối với hoạt động khai thác trái phép, nhưng HĐXX cấp sơ thẩm đã đánh giá không đúng, khi chỉ căn cứ vào lời khai chối tội của bị cáo để xác định Đinh Tiến Hùng không tham gia và không có vai trò gì trong hoạt động khai thác mỏ trái phép.

VKSND tỉnh Yên Bái xác định, trong vụ án này, bị cáo Đinh Tiến Hùng là người khởi xướng việc phạm tội, rủ rê lôi kéo, thúc đẩy các bị cáo trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội, tham gia chỉ đạo hoạt động phạm tội. Việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” là bỏ lọt người phạm tội giữ vai trò tổ chức.

Cũng theo VKSND tỉnh Yên Bái, Bản án sơ thẩm còn bỏ lọt hành vi phạm tội khi xác định bị cáo Trần Đắc Việt, Nguyễn Văn Báu không thực hiện hành vi “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ” vào ngày 19/12/2020 và quyết định hình phạt không phù hợp đối với bị cáo Trần Đắc Việt.

Hết giờ làm việc của buổi sáng, HĐXX cấp phúc thẩm đã kết thúc phần tóm tắt nội dung vụ án và thông báo sẽ tiến hành xét hỏi các bị cáo vào buổi chiều cùng ngày.

Hồng Nguyên