Kể từ sau cuộc chạm trán đầy bất ngờ với V., Dũng “thẹo” cùng vợ con đã biến mất, không để lại bất kỳ dấu vết gì. Đặc biệt, từ khi có lệnh truy nã đỏ của Interpol, Dũng “thẹo” biết mình và gia đình đã bị dồn đến bước đường cùng, không thể di chuyển bằng đường hàng không, thanh toán bằng thẻ tín dụng, nộp đơn lấy bằng lái, đăng ký đi học... ICE-HSI đã lần theo tên tuổi và địa chỉ của vợ con Dũng “thẹo” nhưng không mang lại kết quả.
 


15 phút sau, chiếc Ford dừng lại đổ xăng rồi tăng tốc, chuyển hướng đi ngược lên phía bắc. Chiếc Ford đã vào đường cao tốc, để tránh bị nghi ngờ, một chiếc Ford Expedition màu đen do 2 đặc vụ khác âm thầm bám theo. Các nhóm hỗ trợ đã sẵn sàng hành động. Một chiếc xe tuần tra giao thông bất ngờ xuất hiện phía sau ra tín hiệu dừng xe đối với chiếc Ford màu trắng chạy phía truớc. Chiếc Ford màu trắng buộc phải dừng lại ở làn xe trong cùng, phía trước là một chiếc xe đang đỗ, đèn tín hiệu cho biết chiếc xe đang gặp trục trặc cần sửa chữa.

Cùng lúc 2 chiếc xe phía sau cũng giảm tốc độ và dừng lại khóa đuôi ngay sau chiếc Ford màu trắng. Viên cảnh sát tuần tra bước ra khỏi xe tiến về phía xe Ford màu trắng. Viên sĩ quan yêu cầu tài xế xuất trình bằng lái và giấy tờ tùy thân. Tài xế đưa bằng lái cho cảnh sát, chẳng biết hai bên trao đổi gì, chỉ biết sau đó tài xế xe Ford màu trắng rất căng thẳng rời khỏi xe, khua tay như đang cố gắng giải thích điều gì. Viên cảnh sát còng tay đẩy tài xế xe Ford màu trắng vào trong xe cảnh sát phóng về trụ sở.

Tại cơ quan cảnh sát, thông qua một người phiên dịch tiếng Việt qua điện thoại bàn, tài xế chiếc xe Ford được cảnh sát thông báo bắt giữ vì không có bằng lái xe và sử dụng giấy tờ của người khác. Theo luật pháp Hoa Kỳ, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, buộc phải tạm giữ. Sau khi ghi hồ sơ và chụp hình, viên sĩ quan tiến hành thẩm vấn, tài xế xe Ford vẫn quanh co không cho biết tên thật.

Sau 2 giờ thẩm vấn, kẻ vi phạm Luật giao thông được bàn giao cho đặc vụ ICE-HSI tại tiểu bang Virginia. Tại đây, 4 đặc vụ làm việc với người tài xế, trong đó có một người gốc Việt đang phục vụ cho văn phòng điều tra nội địa trực tiếp lấy dấu vân tay, thẩm tra lý lịch cá nhân và tiến hành thẩm vấn.

Sau hơn 1 giờ thẩm vấn, người này vẫn ngoan cố và lỳ lợm, kiên quyết không khai tên thật cho đến khi đặc vụ rút trong tập hồ sơ lệnh truy nã đỏ Interpol và dấu vân tay vừa mới được lấy. Trái ngược hoàn toàn với bộ mặt lỳ lợm và ngổ ngáo lúc đầu, da mặt tái nhợt, môi run run, mắt không rời tờ lệnh truy nã, người đàn ông khai tên là Nguyễn Đức Dũng.

Các đặc vụ giải thích cho Dũng "thẹo" các quyền mà anh ta có thể được hưởng theo luật pháp Hoa Kỳ, có quyền im lặng yêu cầu trợ giúp của luật sư, hoặc cung cấp sự thật qua thẩm vấn của cơ quan luật pháp. Dũng "thẹo" xin phép gọi điện thoại cho "người nhà". Yêu cầu đã bị từ chối.

Đặc vụ HSI thông báo cho Dũng "thẹo" biết lý do bị tạm giam và nếu thành khẩn khai báo, anh ta có thể được phép gọi điện thoại ra ngoài, sau khi hoàn tất phần thẩm vấn. Dũng "thẹo" đồng ý và giải thích lý do phải dùng tên và giấy tờ của người khác là vì muốn được ở lại Mỹ. Dũng "thẹo" còn "thành khẩn" nói rằng nếu bị trục xuất về Việt Nam, các chủ nợ có thể sẽ "xử" mình. Nhờ khai báo thành khẩn, 2 ngày sau Dũng "thẹo" được phép gọi điện cho người thân.

Câu đầu tiên anh ta nói với người nhà là gấp rút thuê luật sư, đóng tiền bảo lãnh, tìm mọi cách được tại ngoại. Dũng "thẹo" không biết rằng theo luật pháp Hoa Kỳ, chỉ có công dân và những người định cư hợp pháp, và tùy từng lỗi vi phạm, mới được tòa án xem xét có đủ điều kiện để được đóng tiền xin tại ngoại. Một tên tội phạm bị truy nã quốc tế cư trú bất hợp pháp trên đất Mỹ làm gì có quyền được xem xét tại ngoại?

Ngày 12-3-2014, "ông hoàng Phéc-nan-đô" - Dũng "thẹo" ra hầu tòa tại quận Fairfax, bang Virginia. Sau khi nghe trình bày của các bên liên quan và luật sư của hắn, Thẩm phán Tòa Di trú - Rodger C. Harris - ra phán quyết trục xuất Dũng "thẹo" về Việt Nam. Phán quyết cũng nêu rõ, nếu một trong hai bên không đồng ý với quyết định của Thẩm phán Tòa, đương đơn hoặc bị đơn có quyền nộp đơn kháng cáo xin phúc thẩm ở cấp tòa cao hơn, trong vòng 30 ngày.

Tin Dũng "thẹo" bị bắt lan truyền nhanh trong giới kinh doanh xe hơi tại Việt Nam. Nhưng tất cả vẫn chỉ là tin đồn, bán tín bán nghi: Dũng "thẹo" bị bắt ở đâu? Ai bắt, vì tội gì?... Một loạt câu hỏi chưa có lời đáp.

Tại Mỹ, ngày 28-3-2014, Dũng "thẹo" thông qua luật sư, nộp đơn kháng án. Ngày 24-9-2014, Hội đồng phúc thẩm của Tòa Di trú bác đơn kháng án của Dũng "thẹo" và luật sư. Ngay lập tức, Dũng "thẹo" được chuyển qua trung tâm tạm giữ người nuớc ngoài vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Có tên trong danh sách truy nã của Cảnh sát Việt Nam và Interpol quốc tế nên Dũng "thẹo" được "chăm sóc" tại khu riêng biệt.

Ngay sau đó, HSI chính thức thông báo cho Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an Việt Nam về việc Nguyễn Đức Dũng (Dũng "thẹo") bị bắt và sẽ bị dẫn độ và trao trả cho Cảnh sát Việt Nam. HSI cũng đề nghị Bộ Công an Việt Nam cấp giấy thông hành, do Dũng "thẹo" khai "mất" hộ chiếu sau khi đến Mỹ.

Ngày trở về của "Phéc-nan-đô" Dũng "thẹo"

Theo lịch bàn giao Dũng "thẹo" cho Tổng cục Cảnh sát Việt Nam, sáng 9-3-2015, 2 sĩ quan của HSI áp tải Dũng "thẹo" ra sân bay Ronald Reagan ở Washington D.C. Dự kiến Dũng "thẹo" sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay JL.759 lúc 22 giờ 30 phút ngày 10-3-2015. Khi được thông báo sẽ bị trả về Việt Nam, Dũng "thẹo" gần như sụp đổ, mặt cúi gằm. Dũng "thẹo" biết việc xin kháng án của các luật sư đã thất bại.

Đúng 9 giờ 30 phút ngày 9-3-2015, 2 sĩ quan áp tải Dũng "thẹo" tới sân bay làm thủ tục cho chuyến bay của Hãng All Nippon Airway NH.01 cất cánh lúc 12 giờ 20 phút. Đột nhiên như một con thú bị dồn đến chân tường, Dũng "thẹo" la hét, đe dọa hành hung hành khách đang xếp hàng, rồi giở chiêu "Chí Phèo" ăn vạ, khóc lóc vật vã.

Theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ, vì bị trục xuất nên cơ quan thi hành pháp luật không thể còng tay hắn như tội phạm dẫn độ trên các chuyến bay thương mại. Trước thái độ hung hãn gây rối của Dũng "thẹo", Cơ trưởng chuyến NH1 quyết định từ chối cho lên máy bay vì lý do an toàn hàng không. Dũng "thẹo" bị áp tải trở lại trại tạm giam. Hy vọng được ở lại Hoa Kỳ lại nhen nhóm trong đầu Dũng "thẹo".

Khi được hỏi tại sao Dũng "thẹo" kiên quyết không muốn về Việt Nam, với vẻ mặt rất thành khẩn anh ta khai rằng sợ bị các chủ nợ "xử". Tạm thời thoát nạn, trở về trại tạm giữ, thế nhưng Dũng "thẹo" nghĩ trước hay sau rồi cũng bị trả về Việt Nam. Sợ đến mất ăn mất ngủ, từ trại tạm giam Dũng "thẹo" bắn tin về Việt Nam, tỏ ý sẽ trả lại tiền cho các nạn nhân, để cầu xin họ viết giấy bãi nại. Nhưng sau cú lừa kinh thiên động địa năm 2011, không một ai còn tin lời anh ta nữa.

Sau một thời gian cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã tiến một bước dài trong việc trao trả và bàn giao Dũng "thẹo" cho Cơ quan Công an Việt Nam. Một chuyến bay thuê bao đã được thu xếp để "tiễn" ông hoàng Phéc-nan-đô - Dũng "thẹo" về cố hương.

Đúng 14 giờ 20 phút  ngày 6-1-2016, chuyến bay đặc biệt hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất… Đại diện Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ cùng 7 sĩ quan áp tải chuyến bay của HSI đã bàn giao Nguyễn Đức Dũng cho phía Việt Nam. Kết thúc "chuyến phiêu lưu" kéo dài 4 năm của trùm lừa đảo Dũng "thẹo".

 

Theo Công an nhân dân

.