Những tranh luận gay cấn và sâu sắc tại phiên điều trần của các luật sư lỗi lạc.
 

2 tháng sau khi cơ quan tòa án cao nhất quốc gia đồng ý mở phiên điều trần về vụ Ernest Miranda hiếp dâm, 2 luật sư John Flynn và John Frank nhanh chóng phác thảo những ý kiến pháp lý của mình. Họ tiếp tục giữ lập trường rằng trong vụ của Ernest Miranda, quyền được có luật sư trong suốt quá trình thẩm vấn và điều tra (Tu chính án số 6) đã bị cảnh sát Phoenix vi phạm.

 
Họ viết: “Chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay để nhận ra ý nghĩa của Tu chính án số 6 một cách toàn vẹn nhất. Chúng tôi tóm gọn những nguyên tắc cơ bản này là nghi can có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của luật sư bào chữa trong mọi bước của thủ tục tố tụng. Khi Ernest Miranda bước vào phòng thẩm vấn số 2, đi cùng anh ấy hoàn toàn chỉ có 2 cảnh sát thẩm vấn Cooley và Young”.
 
Hai tuần sau khi gửi những tranh luận của mình, Flynn và Frank nhận được phúc đáp của tiểu bang Arizona. Luật sư văn phòng bang Arizona là Gary Nelson viết: “Trường hợp của Ernest Miranda và Danny Escobedo không được coi là giống nhau và không thể viện vào Hiến pháp để đánh đồng 2 vụ án”.
 
Nelson tiếp tục lập luận rằng không nên quá nghi ngờ tờ nhận tội vì chẳng có cảnh sát nào thiếu đạo đức để cố tình không cho Ernest tiếp cận với những quyền của anh ta. Dĩ nhiên nếu có đầy đủ thì tốt nhưng nếu sơ suất một chút thì cũng không nên nghiêm trọng hóa.
 
Để tiếp tục đồng hành cùng vụ án, Hiệp hội Dân quyền Hoa Kỳ, Hiệp hội các luật sư quốc gia và Hiệp hội Tư pháp quốc gia nộp đơn xin làm thành viên của “Những người bạn của tòa án” (Là hội những người không liên quan gì đến một vụ tranh tụng, nhưng được tòa án cho phép góp ý về vấn đề pháp lý liên quan tới vụ tranh tụng ấy).
 
Bản tổng hợp những tranh luận của cả hai bên về vụ của Ernest Miranda dài hơn 700 trang.
 
Ngày cuối cùng của tháng 2/1966, 9 vị thẩm phán mặc áo đen bắt đầu phiên tranh luận về vụ án Ernest Miranda hiếp dâm.
 
Người đầu tiên được phép đứng lên nói chính ra là nhân vật chính trong phiên điều trần này. Đó là Ernest Miranda. Tuy nhiên, anh này dĩ nhiên không thể có mặt vì số phận của anh ta đã được định đoạt. Ernest vẫn phải ngồi đợi kết quả phiên tranh luận trong nhà tù của bang Arizone. Luật sư Flynn sẽ trình bày và tranh luận thay anh ta.
 
John Flynn, với giọng nam trầm rắn rỏi và mạnh mẽ, dành những giây phút đầu tiên tóm tắt lại vụ án Ernest Miranda. Theo đó, Ernest đã bị tấn công, bắt giữ, thẩm vấn không có mặt của luật sư bào chữa, bị xét xử và bị tòa án tối cao Arizone tuyên án phạt tù.
 
Luật sư nhấn mạnh rằng Ernest Miranda đã không được nghe công bố anh ta có quyền im lặng khi bị bắt hay khi bị hỏi cung (trái với Tu chính án số 5).
 
Thẩm phán Potter Stewart cắt lời viên luật sư và muốn biết Flynn dựa vào điều gì để muốn rằng nghi can có quyền có luật sư bào chữa bên cạnh.
 
Sau khi nghe một số câu trả lời của Flynn, vị thẩm phán không cảm thấy hài lòng. Ông tiếp tục hỏi nếu toàn bộ quá trình xét xử nên có luật sư bào chữa thì có nên đưa cả một thành viên bồi thẩm đoàn vào phòng thẩm vấn?
 
Flynn trả lời rằng điều đó là không cần thiết, nhưng vào thời điểm bị thẩm vấn nếu Ernest có tiền và có hiểu biết thì dĩ nhiên anh ấy sẽ yêu cầu luật sư bào chữa. Flynn tiếp tục lập luận rằng một người như Ernest Miranda rất nghèo, sau những tháng ngày lang thang không nhà cửa và làm việc vất vả trong nhà máy, anh ấy không có nhiều tiền và không được học hành tử tế. Vì thế việc anh ta không biết tới quyền được có luật sư khi bị thẩm vấn là điều dễ hiểu.
 
Flynn nói trước tòa tầm nửa giờ, dành hầu hết thời gian vào bản tranh luận đã chuẩn bị trước để trả lời những câu hỏi từ phía 9 vị thẩm phán “bắn” vào mình từ tòa ghế trên cao. Cuối cùng, luật sư Flynn kêu gọi tòa xem xét lại quá trình thẩm vấn khi xét xử trong thời gian nhanh nhất có thể bởi cơ quan lập pháp sẽ chậm trễ trong việc bảo vệ quyền chính đáng của những người như Ernest Miranda.
 
Luật sư của bang Arizona sẽ phản biện như thế nào? Kết quả phiên điều trần ra sao? Mời các bạn đón đọc Vụ án oan làm đổi luật nước Mỹ (Kỳ cuối) vào SÁNG SỚM ngày 11/2/2014.
 
Theo Khampha