Vụ án mạng làm rúng động Hồng Kông - Kỳ cuối: Ý nghĩa xã hội
Cập nhật lúc 17:34, Thứ hai, 29/06/2015 (GMT+7)
Vụ án mạng đồi Braemer làm rung chuyển Hồng Kông chỉ có được manh mối quan trọng khi một đặc tình nghe lén một thanh niên có tên Pang Shun-yee huênh hoang với băng của anh ta rằng đã giết một cặp đôi người phương Tây.
Một điều đáng nói khác là cuốn sách của Whitehead không hề đề cập đến xuất thân của các bị cáo, liệu rằng chúng đã phạm tội ác nào trước đó hay chưa, hay điều gì đã khiến chúng hành động cực kì tàn bạo đến vậy. Người ta cũng chẳng bao giờ được biết đến lời khai của các thành viên phủ nhận sự dính líu của mình đến vụ án (và sau đó là kháng cáo bản án của mình) hay của chính Pang, người mà hai đồng bọn đã khai chính là thủ lĩnh của cả nhóm. Một số nguồn tin khẳng định có bị cáo đã phủ nhận việc mình có cưỡng bức Nicola tại tòa, thậm chí ngay cả khi bằng chứng pháp ý chứng minh rõ ràng điều ngược lại.
Với người nước ngoài, vụ án này đánh dấu một tội ác bạo lực hiếm hoi nhằm vào họ. Còn với người Trung Quốc, phản ứng thái quá của cảnh sát đã đốt cháy sự giận dữ âm ỉ lâu nay về việc người nước ngoài được biệt đãi tại Hồng Kông. Xứ Cảng Thơm có thể vẫn là nơi có tỉ lệ tội phạm giết người thấp nhất thế giới, song vụ án mạng với hai học sinh người Anh là sự thức tỉnh nghiệt ngã với rất nhiều người.
Sau khi Anh thông báo trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, vụ án mạng kinh hoàng này đã nêu bật sự khác biệt giữa hai tầng lớp “có” và “không có” trong xã hội Hồng Kông. Nó cho thấy khoảng cách thực sự giữa lối sống đặc quyền đặc lợi của cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hồng Kông tương phản mạnh mẽ với lối sống du thủ du thực của những tên sát nhân trẻ tuổi, cũng như sự căng thẳng ngày càng gia tăng tại một TP vốn đã bị chia rẽ giữa sắc tộc và thu nhập.
Theo PL&XH
.