Doanh nghiệp cấu kết "ăn chia" tài nguyên khoáng sản quốc gia

Mới đây, TAND tỉnh Bắc Giang vừa mở lại (lần thứ 3) phiên tòa xét xử vụ án Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại mỏ than Bố Hạ, thuộc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang (Công ty Khoáng sản Bắc Giang), nhưng một lần nữa phải trì hoãn, lý do một bị cáo vắng mặt tại phiên tòa và HĐXX chưa nhận được đầy đủ các hồ sơ bàn giao tài liệu, vật chứng của vụ án.

Liên quan vụ án này có 10 bị cáo, trong đó, 6 bị cáo là lãnh đạo Công ty Khoáng sản Bắc Giang và Công ty TNHH MTV Xuân An bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, còn lại 4 bị cáo nguyên là cán bộ một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Lại Hồng Thanh khi chưa bị khởi tố.

Nhóm 4 bị cáo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Lại Hồng Thanh (SN 1969, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam); Phạm Ngọc Chi (SN 1963, Phó Cục trưởng điều hành Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc); Phạm Phú Ninh (SN 1986, Phó Chánh văn phòng Cục khoáng sản Việt Nam và Lưu Ngọc Thành (SN 1980, Chuyên viên Cục khoáng sản Việt Nam).

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2016, Công ty Khoáng sản Bắc Giang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác than tại mỏ than Bố Hạ, với tổng trữ lượng được cấp phép khai thác lộ thiên trong 10 năm là 426.384 tấn; khai thác hầm lò trong 26 năm là 1.232.822 tấn; công suất khai thác từ 13.445 tấn đến 100.000 tấn/năm.

Sau khi được cấp phép, 3 bị cáo là lãnh đạo Công ty Khoáng sản Bắc Giang, gồm: Hà Văn Hoè (SN 1955, Tổng giám đốc), Dương Văn Dũng (SN 1957, Chủ tịch HĐQT), Phạm Thanh Thạch (SN 1976, Phó tổng giám đốc) đã thông đồng, cấu kết với Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 1988, Giám đốc Công ty Xuân An) và Nguyễn Văn Thảo (SN 1963, Phó Giám đốc Công ty Xuân An) để công ty này được vào khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cùng phân chia lợi nhuận.

Từ năm 2017 đến 2023, theo định kỳ hằng năm, Công ty Khoáng sản Bắc Giang đều có báo cáo gửi Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam về hoạt động khai thác khoáng sản.

Căn cứ vào các báo cáo này, đến thời điểm 31/12/2019, Công ty Khoáng sản Bắc Giang đã khai thác bằng phương pháp lộ thiên hơn 498 nghìn tấn than, vượt công suất theo giấy phép hơn 71 nghìn tấn; tính đến thời điểm tháng 12/2022, đã khai thác vượt công suất được cấp phép hơn 1,6 triệu tấn.

Dân sự hóa vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự

Cáo trạng cho thấy, từ khi Công ty Khoáng sản Bắc Giang được cấp phép khai thác đến hết năm 2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã 2 lần tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, môi trường đối với Công ty này tại mỏ than Bố Hạ. Lần 1, vào tháng 10/2018, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm về môi trường, đất đai nên đã yêu cầu công ty khắc phục.

Ngày 9/12/2021, Lại Hồng Thanh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ký Quyết định số 864/QĐ-ĐCKS, về việc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại mỏ than Bố Hạ đối với Công ty Khoáng sản Bắc Giang (lần 2).

Thành phần Đoàn kiểm tra, gồm: Phạm Phú Ninh - Phó Trưởng phòng Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm Trưởng đoàn; Lưu Ngọc Thành - Chuyên viên Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; cán bộ chuyên quản, phụ trách địa bàn tỉnh Bắc Giang) thành viên.

Ngoài ra, còn có các ông Lê Hồng Lưu - Chuyên viên vụ Khoáng sản, Lưu Thanh Bình - Chuyên viên Vụ Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Vũ Văn Hữu - Phó Trưởng phòng Khoáng sản và Nguyễn Văn Tâm - Chuyên viên phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, cùng là thành viên.

Theo cáo trạng, quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã phát hiện, chỉ ra việc Công ty khai thác khoáng sản không đúng nội dung Giấy phép tại Mỏ than Bố Hạ, gồm: khai thác vượt công suất trong gần 3 năm (từ tháng 1/2019 đến 11/2021) và khai thác không đúng phương pháp; tổng sản lượng than nguyên khai Công ty khai thác từ năm 2019 đến hết 11/2021 bằng phương pháp lộ thiên là 1.897.869 tấn, vượt trữ lượng khai thác theo Giấy phép là 1.471.485 tấn và khai thác hết, vượt tổng trữ lượng khai thác (bằng phương pháp lộ thiên, hầm lò) là 238.663 tấn.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn xác định, đến tháng  11/2021, Công ty Khoáng sản Bắc Giang đã khai thác 1.897.869 tấn than bằng phương pháp lộ thiên, lớn hơn nhiều trữ lượng được cấp phép; vi phạm này thuộc trường phải lập đề án đóng cửa mỏ, theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khoáng sản hoặc phải thực hiện điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản, theo quy định tại Điều 55 Nghị định 158/2016/NĐ- CP của Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Một góc mỏ than Bố Hạ.

Sau khi kiểm tra, ngày 16/2/2022, Lại Hồng Thanh ký quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Khoáng sản Bắc Giang, phạt tiền hơn 2,1 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với toàn bộ mỏ than Bố Hạ là 76,5ha.

Ngày 28/2/2022, Dương Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Khoáng sản Bắc Giang ký văn bản gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, về việc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời có nêu nội dung “nếu phải dừng sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản”.

Căn cứ nội dung văn bản nêu trên, ngày 7/3/2022, Lại Hồng Thanh ký quyết định điều chỉnh diện tích khu vực đình chỉ khai thác xuống còn 30,1ha với lý do: Công ty đã vi phạm trong quá trình khai thác lộ thiên nên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đình chỉ việc khai thác đối với phương pháp khai thác lộ thiên trong thời gian 6 tháng.

Cơ quan tố tụng xác định, chỉ tính riêng hành vi khai thác bằng phương pháp lộ thiên 1.897.869 tấn, vượt trữ lượng khai thác theo Giấy phép là 1.471.485 tấn, vượt tổng trữ lượng khai thác (bằng phương pháp lộ thiên, hầm lò) là 238.663 tấn là đã có dấu hiệu tội phạm hình sự, quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, thành viên Đoàn kiểm tra đã không tham mưu, báo cáo người có thẩm quyền để chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra; không yêu cầu Công ty Khoáng sản Bắc Giang thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ hoặc điều chỉnh giấy phép khai thác, không có biện pháp ngăn chặn việc tiếp tục thực hiện khai thác khoáng sản trong khi đã khai thác hết trữ lượng; dẫn đến trong năm 2022, sau thời điểm đoàn kiểm tra phát hiện ra vi phạm, Công ty Khoáng sản Bắc Giang tiếp tục thực hiện khai thác bằng phương pháp lộ thiên tại Mỏ than Bố Hạ hơn 1.412.625 tấn than nguyên khai, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước.

Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Giang xác định, trị giá khoáng sản thiệt hại hơn 102,4 tỉ đồng.

Trách nhiệm của nhóm cựu cán bộ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cáo trạng xác định, đối với bị cáo Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, là lãnh đạo Tổng cục, được phân công phụ trách công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, công tác thanh tra, kiểm tra; được Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra và trực tiếp ký các Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi có dấu hiệu hình sự, Quyết định thay đổi diện tích mỏ bị tạm đình chỉ từ 76,5ha xuống còn 30,1ha;

Với bị cáo Phạm Phú Ninh - Trưởng đoàn kiểm tra, phát hiện vi phạm đến mức phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền và thuộc trường hợp phải lập đề án đóng cửa mỏ hoặc phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản nhưng đã không đề xuất thực hiện. Không những thế, bị cáo Ninh còn là người trực tiếp tham mưu, đề xuất thay đổi diện tích mỏ bị tạm đình chỉ khai thác từ 76,5ha xuống còn 30,1ha để Công ty Khoáng sản Bắc Giang tiếp tục thực hiện việc khai thác khoáng sản trái phép;

Đối với bị cáo Phạm Ngọc Chi - Phó Cục trưởng điều hành Cục kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc được giao nhiệm vụ theo dõi, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xử lý các kiến nghị của Đoàn kiểm tra; được Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra nhưng không có biện pháp chỉ đạo, tham mưu chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra; được Phạm Phú Ninh báo cáo và đồng ý thay đổi diện tích mỏ bị tạm đình chỉ khai thác từ 76,5ha xuống còn 30,1ha.

Bị cáo Lưu Ngọc Thành được phân công phụ trách lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phát hiện Công ty Khoáng sản Bắc Giang thực hiện khai thác không đúng Giấy phép nên báo cáo đề xuất kiểm tra. Khi là thành viên đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với hành vi khai thác vượt trữ lượng, vượt công suất, khai thác không đúng phương pháp của Công ty nhưng không đề xuất biện pháp xử lý.

"Các bị cáo Lại Hồng Thanh, Phạm Phú Ninh, Lưu Ngọc Thành, Phạm Ngọc Chi đã thiếu trách nhiệm, không tham mưu, đề xuất, báo cáo người có thẩm quyền để chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra; không yêu cầu Công ty Khoáng sản Bắc Giang thực hiện lập đề án đóng cửa mỏ hoặc điều chỉnh giấy phép khai thác, không có biện pháp ngăn chặn vi phạm, dẫn đến Công ty Khoáng sản Bắc Giang tiếp tục thực hiện khai thác trái phép và tiêu thụ hơn 1.412.625 tấn than, có trị giá hơn 102.4 tỉ đồng", cáo trạng nêu.

Hồng Nguyên