Sáng 15/1, tại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái và 7 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ. Nhận hối lộ. Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị liên quan, cùng với việc công bố bản luận tội đối với các bị cáo, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã trình bày quan điểm xử lý, giải quyết vụ án.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa trình bày quan điểm xử lý, giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên.

Theo đại diện Viện kiểm sát, trên cơ sở kết quả điều tra và xét hỏi công khai tại phiên tòa đã chứng minh, từ năm 2017 đến năm 2021, Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Giám đốc Công ty Giấy CP) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) đã liên hệ, đến gặp và đề nghị Nguyễn Đức Thái tạo điều kiện, giúp đỡ để được tham gia và trúng thầu các gói thầu cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sau đó, Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện theo đề nghị của Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh, tạo điều kiện, giúp đỡ để Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Giấy CP trúng 13 gói thầu, gói mua sắm, Công ty Minh Cường Phát trúng 5 gói thầu. Sau khi trúng các gói thầu, Ngọc và Minh đều đến đưa tiền cho Thái tại phòng làm việc của Thái, đồng thời đặt vấn đề cho các gói thầu tiếp theo; việc đưa nhận tiền giữa các bị cáo mang tính quy luật, diễn ra trong nhiều năm.

leftcenterrightdel
  Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo. Ảnh: Hồng Nguyên.

Kết quả điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên tòa đã chứng minh, Nguyễn Đức Thái đã nhận của Tô Mỹ Ngọc tổng cộng 20,05 tỉ đồng; nhận của Nguyễn Trí Minh tổng cộng 4,9 tỉ đồng. Trong đó, năm 2017, Nguyễn Đức Thái đã đưa ra chủ trương, thống nhất triển khai thực hiện việc áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định của Luật Đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát trúng các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà xuất bản Giáo dục số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của VKSND tối cao truy tố đối với các bị cáo. Kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa phù hợp với tài liệu, dữ liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra. Vì vậy, nội dung truy tố của VKSND tối cao đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng quy định pháp luật.

Cũng theo Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Đức Thái là Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Trưởng Ban chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư. Bị cáo giữ vai trò chỉnh, thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân. Vì vậy, hình phạt đối với bị cáo cần cao hơn so với các bị cáo khác để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Đức Thái tại phiên xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.

Bị cáo Tô Mỹ Ngọc và bị cáo Nguyễn Trí Minh, vì động cơ, mục đích để doanh nghiệp do mình quản lý, điều hành ký kết được các hợp đồng kinh tế, đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho bị cáo Nguyễn Đức Thái nhiều lần.

Các bị cáo Hoàng Lê Bách, Lê Hoàng Hải, Phạm Gia Thạch, Nguyễn Thị Thanh Thủy thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý nhưng do tiếp nhận chủ trương từ bị cáo Nguyễn Đức Thái; bị cáo Đinh Quốc Khánh, không phải thành viên Ban Chỉ đạo, đã thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Đấu thầu. Quá trình điều tra, các bị cáo đều đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả từ hành vi phạm tội.

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Viện kiểm sát đánh giá, bị cáo Nguyễn Đức Thái đã tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện nộp lại số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả; quá trình công tác, bị cáo có nhiều sáng kiến, đóng góp, thành tích xuất sắc được các cấp có thẩm quyền tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo;

leftcenterrightdel
 Các bị cáo đứng nghe đại diện Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án đối với bản thân. Ảnh: Hồng Nguyên.

Viện kiểm sát cũng đánh giá với các bị cáo khác, trong quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo đã tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Các bị cáo đều có nhân thân tốt, có nhiều thành tích và đóng góp cho xã hội trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tự nguyện khắc phục hậu quả; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Từ những nhận định nêu trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Đức Thái từ 12 đến 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Tô Mỹ Ngọc từ 5 đến 6 năm tù; Nguyễn Trí Minh từ 30 đến 36 tháng tù, cùng về tội “Đưa hối lộ”;

Đồng thời, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt đối với các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự, gồm: bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy từ 20 đến 24 tháng tù; tổng hợp với hình phạt 30 tháng tù của bị cáo tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29 ngày 12/1/2024 của TAND TP Hà Nội; bị cáo Đinh Quốc Khánh bị đề nghị tuyên phạt 23 tháng 4 ngày tù; 3 bị cáo Lê Hoàng Hải, Hoàng Lê Bách, Phạm Gia Thạch cùng bị đề nghị từ 30 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

Hồng Nguyên - Vũ Phương