Ngày 9/9, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu Phó giám đốc Eximbank chi nhánh Ba Đình, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, phiên tòa từng được mở hồi tháng 6 vừa qua nhưng phải tạm hoãn do vắng mặt một số bị hại và người liên quan.
Tại phần thủ tục, thư ký phiên toà cho biết vẫn có nhiều bị hại, người liên quan vắng mặt, một số ủy quyền cho bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; nhóm 3 người đại diện Eximbank được triệu tập tham gia tố tụng vắng mặt và chỉ có một nhân viên ngân hàng này đến dự tòa để nắm bắt về diễn biến phiên xét xử.
Các luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa có ý kiến cho rằng, sự vắng mặt của một số bị hại sẽ ảnh hưởng đến quá trình tranh tụng nên đề nghị HĐXX áp dụng các biện pháp dẫn giải họ đến phiên tòa, tránh tình trạng phải “hoãn đi hoãn lại” nhiều lần.
Một số luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cũng đề nghị, cần triệu tập đại diện Eximbank đến tham gia phiên tòa để làm rõ các vấn đề liên quan. Ngoài ra, cần triệu tập những người làm “trung gian”, giúp bị cáo Nhung lừa đảo. Lý do, các bị hại từng tố cáo nhóm trung gian này mới là "thủ phạm". Các luật sư đề nghị, nếu những người này vắng mặt, cần áp giải tới tòa.
Phát biểu quan điểm tại phần thủ tục phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho biết, phiên tòa đã được mở lần thứ 2, mặc dù đã được Tòa án triệu tập tham gia tố tụng nhưng một số bên vẫn vắng mặt. Song, việc vắng mặt của những người này không làm ảnh hưởng trực tiếp đến phiên xét xử. Do vậy, đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
Sau khi hội ý, HĐXX cho biết, phiên tòa kéo dài, trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết phải triệu tập những bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa để làm rõ thì sẽ cho dừng phiên tòa để triệu tập những người vắng mặt đến phiên tòa. Do vậy, HĐXX quyết định tiếp tục làm việc.
|
|
Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung tại phiên xét xử. |
Theo cáo trạng truy tố, năm 2013, Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, trú tại LK18 Tràng An Comple, số 1 đường Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Ba Đình. Nhung được giao nhiệm vụ phụ trách huy động vốn các khách hàng cá nhân tại ngân hàng.
Khoảng năm 2014, do cần tiền để trả nợ và sử dụng chi tiêu cá nhân, Nhung đã có hành vi gian dối, đưa ra thông tin không có thật với những người quen biết về việc Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Ba Đình, nơi Nhung đang làm việc có nhiều chương trình gửi tiền ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có quan hệ nội bộ trong ngân hàng, với lãi suất cao và quà tặng chăm sóc khách hảng có giá trị, mục đích để nhận tiền của nhiều người có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm, như: Chương trình “Chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên tại ngân hàng Eximbank” với lãi suất 7,5%/năm cùng quà tặng chăm sóc khách hàng hàng tháng; Chương trình "Chứng chỉ tiền gửi giữ hộ tiền mặt có kỳ hạn"; “Chứng chỉ tiền gửi trong giao dịch tài chính”; “Trái phiếu ngân hàng có kỳ hạn” dành cho khách hàng ưu tiên tại Ngân hàng Eximbank, ... với lãi suất cao từ 12 - 32%/năm,…
Nhung nói với những người gửi tiền, các chương trình tiền gửi nêu trên được quản lý riêng trên hệ thống tài khoản nội bộ của các lãnh đạo Ngân hàng Eximbank nên không phát hành rộng rãi. Đồng thời, đề nghị người có nhu cầu chuyển tiền vào tải khoản của Nhung và Nhung sẽ có trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản nội bộ của Eximbank Chi nhánh Ba Đình, gửi lại chứng từ và chuyển lại tiền gốc và lãi khách.
Để nhận tiền của khách hàng, Nhung mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng Viettinbank, VIB, Eximbank, BIDV mang tên Nhung và cung cấp cho các khách hàng. Sau khi khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản của Nhung, bị can này sử dụng máy in, làm giả các chứng từ xác nhận nhận tiền theo phom mẫu, đóng dấu xác nhận của Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Ba Đình để chuyển lại cho khách hàng.
Cũng trong thời gian này, để chiếm đoạt được số tiền lớn của khách hàng, Nhung còn đưa ra thông tin gian dối về việc Eximbank - Chi nhánh Ba Đình do Nhung làm Phó Giám đốc phụ trách, tổ chức bán đấu giá tài sản nợ xấu tại ngân hàng, mục đích để các khách hàng tin tưởng nộp tiền ký quỹ đăng ký mua tài sản đấu giá.
Để thực hiện việc chiếm đoạt, Nhung thành lập Công ty TNHH tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Việt Nam (viết tắt: Công ty QLTS Việt Nam), bản thân giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và nhờ Nguyễn Thị Diệu Linh (SN 1980, trú tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm Tổng Giám đốc công ty. Nhung là người quản lý và sử dụng tài khoản của công ty.
Nhung giới thiệu với khách hàng đây là “công ty sân sau" của nội bộ lãnh đạo của Eximbank, là đơn vị kết hợp cũng với Eximbank - Chi nhánh Ba Đình đứng ra tổ chức các cuộc đấu giá thanh lý tài sản nợ xấu tại ngân hàng, nếu khách hàng có tiền gửi ký quỹ để tham gia đấu giá vào tài khoản của Công ty mở tại các Ngân hàng Vietinbank, PVCombank thì sẽ được chia lợi nhuận cao, thời gian ký quỹ ngắn, 5 ngày, 10 ngày, 20 ngày… tùy vào từng loại tài sản và tùy vào từng khách hàng. Hết thời gian ký quỹ, khách hàng sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gốc và được chia tiền lợi nhuận cao, với giá trị từ 10 - 14%/số tiền nộp ký quỹ.
Thông qua mạng Internet, Nhung tìm kiếm các hình ảnh về thửa đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các cá nhân có quan hệ tín dụng với Ngân hàng, lưu hình ảnh trên máy điện thoại với mục đích để giới thiệu với khách hàng đó là tài sản nợ xấu cần thanh lý của Eximbank. Để tránh bị phát hiện, Nhung dặn khách hàng phải giữ bí mật thông tin vì chương trình ưu đãi chỉ dành riêng cho một số khách hàng, chương trình có số lượng hạn chế...
Tin tưởng những thông tin Nhung giới thiệu là thật, các khách hàng đã gửi tiền tiết kiệm và tiền ký quỹ đầu tư mua bán tài sản đấu giá nợ xấu thanh lý tại Ngân hàng Eximbank cho Nhung.
Sau khi nhận tiền, Nhung không thực hiện như đã ký cam kết, mà sử dụng phần lớn số tiền để trả tiền gốc, tiền lãi, tiền quà tặng chăm sóc khách hàng hoặc tiền lợi nhuận cho những người nộp tiền. Thực tế, Nhung sử dụng tiền của người nộp sau trả tiền cho người nộp trước, số tiền còn lại Nhung chiếm đoạt để sử dụng cho mục đích cá nhân và chỉ tiêu hết. Đến nay, Nhung không có khả năng khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho các bị hại.
Ngoài ra, Vũ Thị Thu Nhung còn có hành vì làm giả với số lượng lớn nhiều tài liệu của Eximbank - Chi nhánh Ba Đình, như: Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút gốc linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên, Giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn dành cho khách hàng là lãnh đạo nội bộ tại Ngân hàng Eximbank, Giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, Chứng chỉ tiền gửi giữ hộ TM có kỳ hạn, Trái phiếu ngân hàng có kỳ hạn tại Ngân hàng Eximbank, ...; cùng các chứng từ liên quan như: Giấy chứng nhận tiền gửi trong giao dịch tài chính ngân hàng, Giấy xác nhận nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, Giấy chứng nhận tiền ký quỹ mua tài sản thanh lý, Hợp đồng tiền gửi ký quỹ trong mua bán thanh lý đấu giá các tài sản nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank, Thư bảo lãnh cam kết của Ngân hàng Eximabank,... và đưa cho các bị hại, mục đích để họ tin tưởng và tiếp tục nộp tiền cho Nhung để nhờ gửi tiền tiết kiệm, nộp tiền ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá thanh lý tài sản nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank do Nhung nại ra và bị Nhung chiếm đoạt.
Bằng thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 5/2022, thông qua các trung gian hoặc trực tiếp nhận tiền của các bị hại để nhờ gửi tiền tiết kiệm, hoặc nhờ gửi tiền ký quỹ đầu tư mua bán đấu giá thanh lý tài sản nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank, Vũ Thị Thu Nhung đã chiếm đoạt tiền của khoảng 100 người bị hại, với tổng số tiền hơn 2.705 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định có 46 bị hại trong trong vụ án với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ cụ thể, đã chuyển tiền cho Vũ Thị Thu Nhung với tổng số hơn 788 tỉ đồng. Nhung đã sử dụng phần lớn số tiền để trả tiền lãi hoặc tiền lợi nhuận cho các bị hại do Nhung nại ra, với tổng số tiền hơn 477 tỉ đồng. Hiện, số tiền Nhung còn chiếm đoạt của các bị hại hơn 311 tỉ đồng.
Tại phiên toà sáng 9/9, nhiều bị hại lên tiếng về việc họ vì tin tưởng vào uy tín của Ngân hàng Eximbank nên mới gửi tiền cho Nhung; thời điểm các bị hại gửi tiền, Nhung vẫn đang làm Phó Giám đốc ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình.
Ngoài ra, luật sư của các bị hại còn đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nguyễn Thị Diệu L. và một số người là cấp dưới của Nhung trong việc dẫn dụ các bị hại nộp tiền, gửi tiền theo các chương trình "ưu đãi"...
Trước những ý kiến, đề nghị nêu trên, sau thời gian hội ý, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung về việc có dấu hiệu người khác thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án này.