Một hành lang ma túy kéo dài từ Bò Kẹo, Luông Prabăng... về thủ đô Viêng-Chăn (CHDCND Lào), theo trục đường 13 tới ngã 3 Thàng Bèng (huyện Pạc Ca Đinh, tỉnh Bô ly khăm xay), hoặc rẽ trái theo đường 8A về cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), hoặc tiếp tục xuôi theo hướng phía nam về Hạ Lào, chuyển ngã đường Campuchia vào Việt Nam.
Với vị trí đắc địa như vậy, đường 8A trong 5 năm qua (2008-2013) tiếp tục lại là hành lang ma túy cực nóng, với 100 chuyên án đã được triệt phá, bắt 115 đối tượng, thu hàng trăm bánh heroin. Tuy nhiên, tuyến biển cũng nóng không kém đường trên bộ...
Kỳ 1: Quây bắt "cá voi" trên biển Đông
8 phát pháo hiệu được bắn từ tàu tuần tra, đèn bật sáng rực cả một góc biển lúc nửa đêm về sáng, chiếc tàu buôn lậu dầu trọng tải 5.000 tấn mang số hiệu MT.A1 biết bị sa lưới, vung vẫy quậy sóng, như muốn nhấn chìm mấy chiếc tàu cá xung quanh đang chao đảo, lắc nghiêng theo hố sóng mà nó tạo ra. Những chiếc tàu tuần biên của lực lượng biên phòng cũng bỗng chốc như những chiếc lá tre trên biển.
Quây bắt "cá voi"
2h sáng ngày 19/4, con tàu mang số hiệu IMO 7821714 lừng lững như một con cá voi lạc đường tắt đèn thả máy trôi im lìm vào vùng biển Thanh Hóa, cách bờ chỉ chừng cách 4 hải lý (1 hải lý tương đương 1.652m), thuộc vùng nước nội thủy bờ biển Việt Nam. Đèn pha trên tàu chớp sáng rồi tắt theo ám hiệu báo trước với bờ. Đột nhiên, cả vùng biển rực sáng ánh đèn pha, đèn hiệu, còi tàu, và loa của lực lượng tuần tra ven biển yêu cầu thuyền trưởng dừng tàu để kiểm tra.
Như một con cá dữ mắc bẫy cạn, chiếc tàu to như con cá voi khổng lồ đột nhiên gầm máy, quẫy sóng, đảo đầu quay ra khơi. 8 phát pháo hiệu cảnh báo được bắn lên trời từ các tàu của lực lượng vây bắt, yêu cầu tàu MT.A1 dừng khẩn cấp.
Không chấp hành hiệu lệnh. Chiếc ống khói phía đuôi tàu MT.A1 rú hết tốc lực máy, phun khói đen két lẹt mù mịt che mờ cả một vùng nước rộng. Chiếc tàu biển tải trọng 5.000 tấn quay vòng liên tục tạo thành những đợt sóng dữ trên vùng biển rộng, phun khói mù mịt, cài đặt hướng chạy dích dắc tạo thành những luồng sóng dữ để cản đường lực lượng truy bắt, hướng ra phía hải phận quốc tế, vùng chạy. Chiếc ra-đa 4 tầng trên tháp ca-bin chỉ huy tàu cao tới 3 tầng quay tít, định vị hướng tháo chạy.
Không để con cá to chạy thoát, 2 chiếc tàu truy bắt của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh (số hiệu BP 34 19 01) 4.000 mã lực, tốc độ tối đa 20 hải lý/h và chiếc tàu 5.000 mã lực của Hải đoàn 48 - Bộ Tư lệnh Biên phòng lập tức rồ máy đuổi theo. Hàng chục thùng phuy đựng nhớt han gỉ từ phía sau đuôi tàu MT.A1 được đạp ào ào xuống biển để cản đường lực lượng truy bắt. Đèn pha trên các tàu cá của người dân đang đánh cá xa bờ đồng loạt rọi sáng, hỗ trợ lực lượng tuần tra soi về con cá voi dữ đang vùng vẫy hòng thoát bẫy. Một chiếc vòi rồng từ MT.A1 đang quay về phía đội tàu truy bắt, chuẩn bị phun nước.
|
Ảnh Vietnamnet |
Khi 2 tàu truy bắt vượt lên, ép sát vào mạnh tàu 5.000 tấn. "Đánh", mệnh lệnh quyết liệt từ người chỉ huy trực tiếp của cuộc truy bắt, đại tá Nguyễn Mạnh Thường (Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy- BPHT) vang lên trên bộ đàm, giữa tiếng sóng, tiếng gió, tiếng máy tàu tàu gào ầm ỹ. Hàng loạt đặc nhiệm của Hải đoàn 48 phi thân, cộng thêm lực lượng đặc nhiệm của Bộ chỉ huy BP Hà Tĩnh quăng dây móc, leo vụt lên boong tàu, bất chấp hiểm nguy.
Những ai từng đi biển khơi, giữa trời và nước, mạn tàu nhô trên đầu sóng quẫy, khi quăng dây chuyển tàu, chắc mới hiểu được sự liều mình bắt thú này. Chỉ một động tác sơ sấy, người sang tàu sẽ văng xuống biến, và không còn cơ hội quay lại mặt đất, dù trên người có mặc áo phao, khi tàu đang chạy với tốc độ gần 18km/h.
Khi lực lượng đặc nhiệm tiếp cận được ca-bin chỉ huy tàu MT.A1, chiếc tàu giảm dần tốc độ. Toàn bộ 14 thuyền viên, thuyến trưởng trên tàu chấp nhận tra tay vào còng. Chiếc tàu chở dầu buôn lậu xâm nhập vùng biển Việt Nam giảm tốc rồi ngừng lại, ngoan ngoãn chịu thua.
"Toàn bộ quãng đường truy đuổi dài hơn 28 hải lý, thời gian đánh bắt kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, giữa vùng biển mà nói thật là anh em biên phòng Hà Tĩnh lần đầu đánh án khi đôi chân rời mặt đất, nên thực sự rất nguy hiểm. Nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng chiến sỹ và vũ khí. Nói thật, chỉ cần chạy nó thêm chừng 30' nữa, chắc tàu của lực lượng biên phòng cũng... hết dầu", thượng tá Võ Trọng Hải (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh, người chỉ huy chuyên án) tâm sự thành thật sau trận đánh.
Một hình ảnh kỳ lạ mà người dân vùng ven biển Hà Tĩnh sáng sớm ngày 19/4/2013 chứng kiến: Một chiếc tàu to như con cá voi lừng lững, phía sau kéo theo 2 con tàu của lực lượng truy bắt nó, chỉ nhỏ như 2 con cá heo con kiệt sức, cập vào vùng neo đậu. Đó là con tàu chở dầu buôn lậu trên vùng biển Việt Nam suốt nhiều năm nay, quốc tịch Mông Cổ, đóng tại Nhật Bản, treo cờ Myanma, xuất phát từ cảng Cao Hùng (Đài Loan), xâm nhập vùng biển nội thủy Việt Nam, bán dầu lậu cho các tàu biển và các chủ đầu nậu ở tỉnh Thanh Hóa vừa bị bắt, dẫn giải về.
Cùng lúc đó, lệnh được ký từ cấp chỉ huy cao nhất của Bộ Tư lệnh Biên phòng tại Hà Nội. Những chiếc tàu con vừa tiếp dầu chuyển lậu từ tàu MT.A1 về cập bờ biển Thanh Hóa bị niêm phong, điều tra đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển lâu năm này.
Liều mình bắt "cá" dữ
Gian lận thương mại và buôn lậu xăng dầu trên biển vốn đã được "truyền tụng" lâu nay. Ở vùng biên giới phía Tây Nam Bộ, tàu cao tốc kiểm soát đường sông của lực lượng biên phòng nhiều lúc cũng không đủ tốc độ để đuổi theo xuồng cao tốc của bọn buôn lậu. Đó là chưa kể nhiều lý do khác có thể chưa được liệt kê.
|
Ảnh Vietnamnet |
Đặc biệt trên tuyến biển, dường như lực lượng biên phòng chỉ đủ sức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát khi tàu cập bờ cảng, bởi trang thiết bị, phương tiện quá thiếu và yếu.
Thượng tá Võ Trọng Hải rất tự hào khi kể rằng bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh vừa được Bộ Tư lệnh Biên phòng cấp cho một tàu cao tốc tuần tra, kiểm soát vùng nước nội thủy ven bờ tới 4.000 mã lực, tốc độ tối đa 20 hải lý/h, chịu được sóng cấp 7-8. Và con tàu này có giá trị tới... 70 tỷ đồng khi đóng mới.
Năm 2008, khi chúng tôi xuống con tàu vận tải chuyển người và hàng ra Trường Sa vào mùa biển động: mùa cuối tháng 11, để cung cấp thực phẩm Tết cho quân và dân trên tuyến đảo phía Bắc quần đảo này, chiếc tàu nặng nhất của vùng 4 Hải quân xuất phát lúc đó là chiếc HQ 936, một con tàu chở nước, thì cũng chỉ nặng tới 2.500 tấn, đóng từ năm 1953.
Khi áp thấp nhiệt đới về, sóng biển động cấp 7, tàu HQ.936 có những lúc nghiêng tới 23 độ theo luồng sóng, người nằm trên tàu chỉ còn biết cuộn chăn kín đầu lăn long lóc như... củ khoai, mới hiểu được tại sao lính hải quân gọi đó chỉ là "chiếc lá" trên biển Đông, đi với tốc độ của rùa: tối đa 13 hải lý/h, nhưng được âu yếm gọi là "con rùa vàng".
Ngày 2/5/2013, khi được bước chân lên chiếc tàu buôn lậu dầu mang tên MT.A1, đóng mới từ năm 1978, nặng 5.000 tấn, khi ngó mắt nhìn xuống chiếc tàu tuần tra 4.000 mã lực số hiệu BP 34 19 01, giữa sóng biển động chừng cấp 2, thấy chiếc tàu tuần tra của biên phòng Hà Tĩnh mà thượng tá Hải kể trên, nhồi lên hụp xuống theo luồng sóng vẫn còn cách mặt boong chiếc tàu chở dầu lậu chừng 3m, còn chiếc MT.A1 mà bộ đội biên phòng Hà Tĩnh vừa bắt được vẫn đậu lừng lững, mới hình dung được cái sự liều mạng có tính toán của lính đặc nhiệm biên phòng khi tổ chức bắt con tàu này.
Đó là sự tính toán rất kỹ lưỡng.
Còn nữa
Theo Vietnamnet