Thượng tá Tém (Phó Thủ trưởng CQ CSĐT CA huyện Củ Chi, TP HCM) nay là trưởng phòng PC52,CA TP HCM nhớ lại: Vào chiều ngày 5-7-2011, CA huyện Củ Chi nhận được tin báo, tại chân Vàm Cây Đào (ấp Bốn Phú, xã Trung An, huyện Củ Chi) người dân phát hiện thi thể một người đàn ông bị trói cả chân tay nổi lên mặt nước. Ngay khi tới hiện trường quan sát, đồng chí khẳng định đây là vụ án giết người, nhưng ai giết, giết mục đích gì thì vẫn còn là một ẩn số. Vụ việc nhanh chóng được báo lên CA TP HCM, ngay sau đó CA huyện Củ Chi cùng với các phòng nghiệp vụ CA TP HCM phối hợp điều tra. Việc xác minh danh tính người bị hại được ưu tiên hàng đầu. Cùng với việc liên tục cập nhật những thông tin vụ án và đặc điểm của nạn nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trinh sát, điều tra viên cũng được điều tới những điểm “đen” thâm nhập và những khu dân cư lân cận để thu thập thông tin.

Tuy nhiên, để xác minh danh tính của một người giữa một vùng sông nước mênh mông, dân định cư thì ít, mà ghe thuyền đi lại buôn bán nay đây mai đó thì nhiều, trong khi xác định hiện trường gây án là không dễ dàng. Gần 2 ngày trinh sát được cử đi rà soát khắp tuyến sông, đi đến từng tàu xuồng, vào từng nhà dân để nhận dạng nạn nhân nhưng kết quả chỉ là những cái lắc đầu thông cảm. Tuy nhiên vào hồi 7g sáng 7-7-2001, các trinh sát nhận được thông tin từ quần chúng báo, tại bến Bà Gạo nằm trên sông Sài Gòn thuộc ấp 2, xã Phú An, Bến Cát, tỉnh Bình Dương (giáp ranh xã Phú Hòa Đông, Bến Cát và Củ Chi), phát hiện ba xác chết gồm một phụ nữ và hai trẻ nhỏ cũng bị trói chặt chân tay vào mũi ghe nổi lên mặt nước. Theo xác nhận, thi thể các nạn nhân đã bắt đầu phân hủy, đều bị trói chân tay trước khi đẩy xuống nước phi tang, địa điểm được phát hiện cũng khá gần thi thể được phát hiện ở Củ Chi , vì vậy theo suy luận thì có thể giữa các nạn nhân có sự liên hệ với nhau. Đánh giá rất có thể họ là nạn nhân của một vụ giết người, CA TP HCM đã phối hợp với CA tỉnh Bình Dương cùng xác minh tìm hiểu.

 

leftcenterrightdel
 

Một phần mũi ghe và sợi dây thừng trói nạn nhân. Ảnh tư liệu

Vụ giết người quá dã man khiến người dân phẫn nộ và quan tâm đặc biệt, nhờ vậy những thông tin về nó được truyền đi một cách chóng mặt. Chỉ 1 ngày sau, sau khi nhận được tin báo của vài người dân thông báo về một gia đình ngư dân gồm 4 người thường đỗ ghe ở bến đò ấp 1, xã Bình Mỹ biến mất không rõ lý do đã vài ngày nay. Một tổ trinh sát liền tức tốc đến bến đò xác minh sự việc. Đúng 21g ngày 8-7-2001 danh tính những nạn nhân đã được xác định, nút thắt đầu tiên đã được mở ra.

Các nạn nhân là người trong một gia đình gồm vợ chồng và hai con nhỏ, ông Nguyễn Văn Anh (tự Cò, SN 1966), vợ là bà Nguyễn Kiều Dâng (SN 1968), cùng 2 con là Nguyễn Quốc Hậu (SN 1993), và Nguyễn Quốc Học (SN 2000) cùng trú phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM, hành nghề đánh bắt cá trên sông Sài Gòn. Ông Anh mồ côi cha mẹ, nhà nghèo nên từ nhỏ đã phải theo ông nội lênh đênh trên sông mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá hơn 20 năm nay. Sau khi ông nội mất, ông tiếp quản công việc này một mình. Gia đình bên vợ, bà Nguyễn Kiều Dâng cũng không khá hơn. Do gia cảnh khó khăn, cha mẹ bà phải đưa các con rời quê Bà Rịa – Vũng Tàu lên Sài Gòn làm nghề chài lưới kiếm sống. Năm 1992, ông Anh và bà Dâng đã nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của anh em, bạn bè. Sau ngày cưới,  bà Dâng theo chồng lênh đênh sông nước hành nghề chài lưới. Gần 10 năm chung sống, hai bé trai Hậu và Học kháu kỉnh lần lượt ra đời. Năm bé Hậu lên lớp 1, họ gửi con về nhà ngoại ở ấp Phước Sơn, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho ông bà chăm sóc để tiện việc đến trường. Mấy hôm trước, tranh thủ dịp nghỉ hè, hai vợ chồng về quê đón con lên Sài Gòn sống cùng. Bé thứ hai mới 1 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn theo cha mẹ rong ruổi trên sông trong chiếc ghe nhỏ. Cách ngày xảy ra án mạng vài hôm, em đã kịp đón mừng lễ thôi nôi bên cả gia đình.

Theo người dân, phần lớn thời gian gia đình ông Anh lênh đênh đánh bắt cá dọc tuyến sông thuộc huyện Bến Cát, Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Củ Chi (TP HCM), tối đến cả gia đình ngủ chung trên ghe neo đậu tại bến đò ấp 1, xã Bình Mỹ. Cá đánh bắt được, bà Dâng hay mang đi bán tại chợ các xã Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ (huyện Củ Chi); chợ xã Phú An (huyện Bến Cát), chợ xã Tân An (thị xã Thủ Dầu Một)...Trong mắt  bà con ở bến đò Bình Mỹ và các bạn chài, gia đình ông Anh là gia đình kiểu mẫu hoàn mỹ với vợ đẹp, con ngoan, chồng  hiền lành, chất phác, chí thú làm ăn và rất được lòng mọi người. Ngoài nghề chài lưới, người chồng còn là một thợ lặn giỏi, ông không chỉ hành nghề  để có thêm thu thập mà còn giúp rất nhiều người lâm nạn trên sông không công. Nhờ chịu khó chịu khổ, từ một gia đình nghèo khó sau 10 năm, vợ chồng ông Anh đã trở nên khá giả đối với bà con vùng sông nước.

Thượng tá Tém giải thích, với người dân vạn chài thì kiếm đủ cái ăn cái mặc cũng đã khó. Hầu hết, họ phải sống đời này qua đời khác trên sông, thậm chí một chiếc ghe nhỏ nhưng 2-3 thế hệ cùng sinh sống. Việc mua đất làm nhà dường như là ước mơ quá xa vời không thể thực hiện được. Tuy nhiên, qua điều tra, xác minh từ phía gia đình và những đồng nghiệp cùng đánh bắt cá trên sông Sài Gòn được biết thêm, ngoài chiếc ghe cũ, vợ chồng ông Anh, bà Dâng mới sắm thêm một chiếc ghe máy trọng tải khoảng 800kg, trên ghe trang bị một máy lặn. Cách đây độ 1 năm họ còn mua miếng đất giá 2,5 cây vàng tại ấp 1, xã Bình Mỹ. Bà Dâng còn tâm sự với mọi người cuối năm nay sẽ cất nhà nhưng vẫn theo nghề đánh bán cá. Điều này có nghĩa, vào thời điểm bị giết, vợ chồng ông Anh đã tích cóp được một số tiền tương đối lớn. Tài sản của gia đình nạn nhân tuy không lớn lắm, nhưng so với người dân nơi đây ít nhà bì được. Vào thời điểm vụ án xảy ra, chiếc ghe máy cùng tài sản của gia đình nạn nhân cũng biến mất bí ẩn nên có thể gia đình ông Anh từ lâu đã rơi vào tầm ngắm của bọn tội phạm.

Sáng 11-7-2001, Phó GĐ (hiện là GĐ) CA tỉnh Bình Dương Võ Thành Đức chủ trì cuộc họp, có ssự tham gia của các phòng nghiệp vụ CA tỉnh Bình Dương và TP HCM cùng CA thị xã Thủ Dầu Một, CA huyện Củ Chi để bàn kế hoạch phối hợp điều tra vụ án. Sau khi tổng hợp các kết quả khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi và tài liệu thu thập ban đầu, ban đánh án thống nhất nhận định: Đây là một vụ giết người, cướp tài sản. Những dấu vết liên quan đến cái chết lần lượt được đưa ra phân tích cụ thể.

Kết luận của pháp y cho thấy, các nạn nhân bị giết vào ngày 3-7, phần thức ăn vẫn chưa tiêu hóa nhiều. Từ đó, CQĐT kết luận, thời gian bị giết vào khoảng 12g -16g cùng ngày. Để sát hại cả gia đình bốn người, đặc biệt ông Anh là người lao động tay chân cao lớn, khỏe mạnh, bơi lặn giỏi thì việc khống chế, trói chân tay là vô cùng khó khăn. Muốn làm được việc đó hung thủ phải có ít nhất hai tên, tấn công bất ngờ và phải là người quen mới tiếp cận tàu thuyền nhau được. Khi gây án chắc chắn cả bọn sẽ cùng hành động, hỗ trợ nhau, nhưng điều lạ là, cách trói, thắt nút buộc của cả bốn nạn nhân dù khá vội vàng, nhưng lại rất giống nhau, chứng tỏ giữa các đối tượng phải có quan hệ thân thích.

Dựa vào những điều trên, hiện trường ban đầu xảy ra án mạng cũng được  ban chuyên án thống nhất khoanh vùng là một đoạn của sông Sài Gòn dài hơn 10km; phía TP HCM được tính từ bến đò Bình Mỹ đến xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), tương ứng với phía tỉnh Bình Dương từ phường Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một) đến xã Phú An (huyện Bến Cát). Tuy nhiên, sông rộng mênh mông lại dài, với ghe xuồng đánh bắt cá của ngư dân các tỉnh miền Tây, miền Đông, Việt kiều Campuchia, dân địa phương… đậu rải rác khắp nơi và số tàu thuyền qua lại hàng ngày cũng nhiều vô số kể không thể kiểm soát hết, việc tìm ra chiếc ghe nào khả nghi khó tựa như mò kim đáy bể.

 

Theo PL&XH