Đưa vào tầm ngắm
Cái chết của bà trùm Dung Hà làm rung động thế giới ngầm Bắc-Nam, nó cũng chẳng khác “tiếng súng” khai màn quyết tâm truy quét các băng nhóm du đãng trên cả nước vốn đang ở thời kỳ phát triển cực thịnh. Điển hình là băng nhóm của Năm Cam ở phương Nam, Thắng “tài dậu”, Sơn “bạch tạng” phương Bắc... Vụ án giết Dung Hà xảy ra lúc nửa đêm, các nhân chứng kể sát thủ hành động quá nhanh nên chỉ nhận dạng hắn khoảng 26 tuổi, dáng người gầy, tóc cắt ngắn, mặc quần màu nâu đen. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc, Dung Hà là nhân vật có “số má” nhất nhì thế giới ngầm, kẻ nào dám giết Dung Hà ắt là có thế lực không kém. Điều tra được kẻ nào chủ mưu, kẻ nào nổ phát súng hạ thủ bà trùm giang hồ cộm cán này thì chắc chắn sẽ tìm ra được cả mạng lưới tội phạm. Ban chuyên án MB 2000 được Công an TP.Hồ Chí Minh thành khẩn cấp để điều tra cái chết của Dung Hà. Đại tá Võ Văn Măng (Phó Giám đốc Công an thành phố - Trưởng Ban chuyên án) báo cáo bước đầu điều tra không lọai trừ nhóm giang hồ nào.
Băng nhóm Thắng “tài dậu”, Sơn “bạch tạng”, Năm Cam được cơ quan công an xác định là đối trọng có thể gây ra cái chết của Dung Hà. Trong đó, mắt xích quan trọng chính là băng nhóm của Năm Cam. Nhưng lần ra các mối quan hệ mờ ám của Năm Cam cực kỳ khó khăn bởi tên y từ trước vẫn luôn tạo vỏ bọc, thường sai khiến đàn em thực hiện chứ không trực tiếp ra tay, thêm vào đó là được sự “đỡ đầu” của một số “ô dù”. Bên cạnh đó, Năm Cam có mạng lưới rộng, quan hệ nhiều, các băng nhóm do y chỉ huy họat động tách biệt, không có sự móc nối, ràng buộc với nhau. Vì vậy, phá được nhóm nào thì chỉ như mới chặt được cái cành, còn gốc vẫn y nguyên. Toàn bộ việc “làm ăn” của Nam Cam được xác minh họat động trước và sau khi Dung Hà bị bắn, từng mảng sòng bạc, cá độ bóng đá, đá gà, đâm thuê chém mướn, tổ chức thanh toán cho vay nặng lãi lần lượt lộ ra...
Những đối tượng trực tiếp tình nghi liên quan đến vụ án Dung Hà, đó là Nguyễn Hoàng Hải (tức Hải “chùa”), Lưu Bạch Đằng (tức Long “tây”), đặc biệt là Hải “bánh” được đưa vào tầm ngắm.
Công an TP.Hồ Chí Minh đề xuất ủy ban thành phố lập đoàn kiểm tra vũ trường Phi Thuyền, phát hiện Tống Viết Hòa kinh doanh sai giấy phép, lừa bịp, quỵt tiền cổ đông, có dấu hiệu đầu tư chui của những phần tử xã hội đen đến từ Đài Loan, Hồng Kông, tự tiện khắc con dấu giả... Phần tử này có liên quan đến băng đảng 14K khét tiếng Đài Loan.
Chắp nối thông tin trước khi bị sát hại, Dung Hà đã từng đến quậy phá vũ trường Phi Thuyền, đòi tiền bảo kê của Tống nên cơ quan công an đặt nghi vấn có phải lợi dụng việc bị lừa bịp nên một vài “cổ đông” đã thuê Dung Hà quậy phá vũ trường Phi Thuyền. Theo giả định này của Ban chuyên án MB 2000, Hải “bánh” có liên quan gì đến Tống Viết Hòa ngoài công việc bảo kê vũ trường, khiến Dung Hà quậy phá tiệm hớt tóc thanh nữ của Hải. Nếu Hải là thủ phạm giết Dung Hà thì tên giang hồ có “tiền án nhiều hơn tiền mặt” sao không lẩn trốn ngay. Còn Thắng “tài dậu”, Sơn “bạch tạng” thì sao? Một nguồn tin khác trong quá trình điều tra, cảnh sát hình sự Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh phát hiện thông tin quan trọng, trước khi bị sát hại Dung Hà đã cho đàn em phục bắn Sơn “bạch tạng” tại khách sạn LasVegas ở số 7 Lê Văn Hưu nhưng không thành.
Trong thời điểm này, Ban Giám đốc giao anh Thân Thành Huyện (Phó Giám đốc phụ trách cảnh sát) chỉ đạo tiếp tục theo dõi và quản lý Năm Cam theo công điện mật của Cục V26 - Bộ Công an nhưng cho đến lúc này PC14 (nay là PC45) vẫn chưa có kết luận chính thức về Năm Cam và hoạt động của băng nhóm tội phạm do y cầm đầu để Ban Giám đốc chỉ đạo xử lý.
Không phải đợi đến sau khi Trung sĩ hình sự Phạn Lê Sơn bị sát hại và án mạng Dung Hà xảy ra thì cơ quan công an mới tung lực lượng vào hành động xóa sổ các điểm nóng làm mất trật tự trị an, tấn công vào sào huyệt các băng nhóm tội phạm họat động có tổ chức. Trước đó, cuối năm 1999, trong khuôn khổ chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và Công an Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng, Đồng Nai... đã vào cuộc săn lùng các ổ nhóm tội phạm có tổ chức. Kế hoạch 201 của Công an TP.Hồ Chí Minh, ngoài cảnh sát hình sự, một số đơn vị nghiệp vụ của an ninh được huy động cùng cảnh sát “điểm mặt” các băng nhóm tội phạm có quy mô lớn.
Ban Giám đốc giao nhiệm vụ các đơn vị cảnh sát và an ninh đặt trọng điểm vào điều tra vụ án Dung Hà. Nhưng đây là vụ án phức tạp, có đặc thù riêng, liên quan đến địa bàn toàn quốc, các thông tin từ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lận cận thành phố chưa tập trung về một đầu mối, có nhiều thông tin trái ngược gây khó khăn cho việc đánh giá và chỉ đạo điều tra, vì vậy cần phải có một sự chỉ huy thống nhất từ Bộ Công an, cụ thể là Tổng cục Cảnh sát. Công an thành phố không thể tự chủ động đưa ra biện pháp tấn công triệt phá bọn tội phạm gần như đã vượt tầm kiểm soát của mình.
Kết thúc cuộc họp, Thiếu tướng Năm Huy (Thứ trưởng Bộ Công an) yêu cầu Trưởng Ban chuyên án MB 2000 làm báo cáo gửi Thiếu tướng Trương Hữu Quốc (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an về việc thành lập Ban chuyên án do lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban; Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra, Công an các địa phương như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là các thành viên. Sau cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành được chỉ định là Trưởng Ban chuyên án mang mật danh Z501 điều tra vụ án Năm Cam và đồng bọn.
Khi Năm Cam "không còn muốn nhìn thấy mặt", tử thần gọi tên Dung Hà
Khắc tinh của ông trùm
Hay tin Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành là Trưởng Ban chuyên án điều tra vụ án Dung Hà, nhân chuyến đi du lịch Đài Loan, Năm Cam đã đến tìm bà thầy bói nổi tiếng ở Đài Bắc xem vận số của mình. Bà thầy nầy bảo y đang gặp “khắc tinh”, Năm Cam nghĩ ngay đến không ai khác là tướng Tư Bốn. Trở về Việt Nam, Năm Cam giao Hiệp “phò mã” và Thọ “đại úy” tìm hiểu hoàn cảnh, thân thế, sở thích, thói quen của vị tướng này với mục đích bằng mọi giá phải mua chuộc cho được tướng Tư Bốn.
Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, trải qua 15 năm trong kháng chiến có nhiều chiến công trong cả lực lượng công an nhân dân và quân đội. Tiến về giải phóng Sài Gòn, Tư Bốn lúc đó trong vai trò Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 - Công an vũ trang của Trung ương Cục miền Nam. Tư Bốn cùng đồng đội ổn định tình hình an ninh trật tự ở Sài Gòn trong những năm đầu tiên sau ngày giải phóng, sau đó trở về quê hương Tiền Giang tiếp tục công tác trong ngành công an tỉnh nhà từ năm 1976.
Làm lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, Tư Bốn không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ như những năm chiến tranh. Bọn tội phạm có thể qua mắt được một vài cán bộ, chiến sĩ, nhưng chúng không thể nào qua mắt được dân, vì “mắt dân như mắt khóm”, nếu cán bộ, chiến sĩ công an được người dân tin tưởng, giúp đỡ thì bọn tội phạm khó mà thoát được lưới luật pháp. Quan điểm dựa vào dân của Tư Bốn giúp Công an tỉnh Tiền Giang giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn phụ trách. Năm 1980, Tư Bốn được Nhà nước phong danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” vì những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tỉnh ủy tỉnh Mỹ Tho trong kháng chiến chống Mỹ.
Tháng 4/1998, Tư Bốn được phong hàm Thiếu tướng Công an Nhân dân Việt Nam, trở thành Giám đốc công an tỉnh đầu tiên ở miền Tây được phong hàm Thiếu tướng và là Giám đốc công an tỉnh đầu tiên trên cả nước vừa được phong danh hiệu anh hùng vừa được phong hàm tướng.
Sau khi được phong tướng, hàng ngày Tư Bốn vẫn đi về bằng xe máy giữa xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) và trụ sở Công an tỉnh ở TP.Mỹ Tho, không cần bất cứ sự bảo vệ nào của cấp dưới. Ở Tư Bốn có một điều khá đặc biệt, dù anh là cán bộ cao cấp ngành công an, nhưng người dân khi tiếp xúc với ông cảm thấy rất dễ chịu, thú vị, chứ không ngán ngại như nhiều trường hợp khác. Tư Bốn không bao giờ ngại tiếp xúc những người nông dân đi khiếu kiện oan sai hay những kẻ bị kích động, xúi giục làm chuyện phạm pháp. Tư Bốn gần như không cần giữ khoảng cách với bất kỳ ai. Ông quan niệm, mình đã từng sống, chiến đấu dựa vào dân trong chiến tranh gian khổ, sau này cũng nhờ dân mà tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhân dân luôn bảo vệ, ủng hộ và giúp đỡ những cán bộ một lòng một dạ tin tưởng, hết lòng vì dân.
Ông Thiếu tướng Tư Bốn miệt mài với công việc, còn “bà thiếu tướng” vẫn lam lũ làm ruộng, làm vườn, nuôi heo để lo cho ba người con ăn học và lo cả cho chồng sống cuộc sống liêm khiết, thanh bạch với đồng lương cán bộ nhà nước.
Một năm sau khi được phong tướng, Tư Bốn được rút về Tổng cục Cảnh sát, làm Phó Tổng cục trưởng phụ trách phía Nam ở tuổi 53. Nhiều người nghĩ ông sẽ được an nhàn, chuẩn bị cho ngày về hưu. Nhưng chính sự điều động này, cùng với những tố chất sẵn có của tướng Tư Bốn khiến ông đã trở thành khắc tinh của Năm Cam.
Lúc còn làm Giám đốc Công an Tiền Giang, tướng Tư Bốn nghe nói nhiều về băng nhóm xã hội đen do Năm Cam cầm đầu. Là người đứng đầu cơ quan Công an tỉnh Tiền Giang, ông thường đọc các báo cáo nội bộ, trong đó nhiều lần đề cập đến hoạt động phạm pháp của Năm Cam và đồng bọn. Thuộc cấp của ông đi phối hợp phá án ở TP.Hồ Chí Minh trở về đều báo cáo cho anh biết về tên tội phạm này. Lúc đó, tướng Tư Bốn nghĩ trong đầu, băng Năm Cam cũng giống như bao băng nhóm xã hội đen khác, cũng dao búa, vũ lực ức hiếp người lương thiện, cũng cát cứ lãnh địa kiếm ăn bằng cách đòi nợ thuê, bảo kê, đâm thuê, chém mướn. Dạng tội phạm như vậy không lạ gì, bởi thành phố Mỹ Tho cũng từng xuất hiện bọn bảo kê nhà hàng, khách sạn, rồi cảng cá Vàm Láng, Chợ Giữa ở Thị xã Gò Công chúng cũng đã nhen nhóm họat động nhưng Tiền Giang không có đất cho bọn chúng tồn tại. Ý chí cứng như sắt đá của ông và các chiến sĩ đã xóa sổ các băng nhóm đó, chúng xem ông là “khắc tinh”, không dám đội trời chung.
Tháng 05/1998, một tháng sau khi được phong hàm thiếu tướng, ông mời một số cán bộ trong đơn vị, bạn bè thân hữu và bà con họ hàng về xã Thanh Bình ở Chợ Gạo ăn giỗ cha mình là liệt sĩ hy sinh thời đánh Mỹ. Trước bàn thờ cha, ông thắp nhang, cung kính: “Thưa cha, cha và hai anh đã vì nước hy sinh, đứa con Tư Bốn đã tiếp nối xứng đáng truyền thống của cha anh, làm rạng danh gia đình, quê hương, dòng họ”.
Hiệp “phò mã” báo cáo cha vợ tất cả những thông tin đầy đủ về thói quen sinh hoạt của tướng Tư Bốn gói gọn: “Ông tướng đó ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, ưa nằm võng, chỉ thích uống rượu đế ngâm chuối hột và cháo cá lóc rau đắng”.
Còn nữa...
Theo baophapluat.vn