Không dám đối diện pháp luật về những tội lỗi mình gây ra, nhiều người trở thành tội phạm truy nã. Chuỗi ngày chui nhủi, vật vờ trốn tránh pháp luật của họ và quyết tâm lần theo tội phạm của các chiến sĩ cảnh sát truy nã thực sự là một cuộc “đấu trí, đấu lực” dai dẳng. Ở đó có hiểm nguy, có khó khăn nhưng cũng không ít những giọt nước mắt, có những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn...

 

Vốn là người có học và nhanh nhẹn nên Phương đã ẩn mình rất tốt, mọi dấu vết về nơi ăn chốn ở hoặc những thông tin nhỏ nhất của Phương luôn được xóa sạch. Suốt một thời gian dài, cơ quan chức năng đã không có được một manh mối nào về Phương và chưa một lần các trinh sát “đến gần” được vị trí của bà chứ đừng nói đến chuyện có thể tâm sự, vận động đầu thú.

 
Những điều tra viên tham gia vào cuộc truy tìm Phương nói với chúng tôi rằng, họ đã thực sự gặp khó trong việc vận động gia đình gọi Phương ra đầu thú vì không có kết quả, trong khi đó Phương lại chuyển chỗ ở liên tục. Do đó, nhiều lúc vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt...
 
Đầu năm 2012, nằm trong đợt cao điểm tấn công tội phạm, một nguồn tin thân cận cho cơ quan chức năng biết Phương đang giúp việc cho một gia đình ở TP.HCM. Lập tức, một nhóm điều tra viên lên đường vào Nam. Được sự trợ giúp của Công an TP.HCM, các chiến sĩ cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Trị đã xác định đúng là Phương...
 
Trưa 3.5.2012, Phương đang ở nhà chủ thì có hai thanh niên đến gọi cửa và hỏi: “Chị Phương, chị bựa ni mần chi ở đây ri?”. Nghe chất giọng Quảng Trị đặc sệt, Phương hoảng hồn, nhưng chưa kịp định thần thì tay của Phương đã bị tra vào còng số 8.
 
Theo đại úy Lê Thành Dũng, người trực tiếp dẫn giải Hoài Phương từ TP.HCM về Quảng Trị, thì dù bị bắt giữ nhưng tâm trạng của Phương vui vẻ đến lạ thường; khi đến địa phận Quảng Trị, miệng Phương luôn xuýt xoa: “Quê miềng bữa ni khác hè, đẹp hè”. “Phương đã nói lời cảm ơn chúng tôi vì đã bắt, ra quyết định dứt khoát cho số phận. Phương thú nhận, nhiều khi bản thân cũng muốn ra đầu thú nhưng không đủ tự tin. Trong 18 năm trốn chạy pháp luật, Phương cho biết chưa một ngày có giấc ngủ ngon giấc”, đại úy Dũng kể.
 
Còn thượng tá Trần Đức Triệu, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Trị, cho rằng: “Đầu thú hay bắt giữ cũng thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Chúng tôi bắt họ tức là đã giúp họ chấm dứt cơn ác mộng trong quá trình chạy trốn, được về với gia đình, còn cái giá phải trả cho pháp luật bao nhiêu thì họ phải thực hiện đầy đủ...”.  
 
Nguyễn Phúc
Thanh niên Online