Sau khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 9/1945, lực lượng quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tìm kiếm những nhà lãnh đạo quân đội Nhật bản cũng với những người có tội khác. Báo chí cũng tham gia công cuộc này.
2 phóng viên là Henry Brundidge và Clark Lee cố gắng tìm một phát thanh viên có biệt danh “Bông hồng Tokyo”. “Bông hồng Tokyo” là biệt danh mà những người lính quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương đặt cho một nữ phát thanh viên Nhật Bản, người có giọng đọc quyến rũ, đầy ma lực trong chương trình Không Giờ.
Thông qua mạng lưới tình báo, hai phóng viên tìm được một người phụ nữ trẻ người Mỹ, Iva Ikuko Toguri d’Aquino, một người đang là phát thanh viên. Brundidge và Lee tặng cô một số tiền đáng kể và còn hứa sẽ tặng một khoản tiền lớn nữa để đổi lại có thể phỏng vấn cô. Aquino đồng ý, ký tên vào bản hợp đồng là “Tokyo Rose” (Hoa hồng Tokyo).
Nhưng có một khó khăn với Aquino là mặc dù “Hoa hồng Tokyo” không phải là một con người thực nhưng cái tên đó lại quá nổi tiếng, được hàng nghìn người lính truyền tai nhau về một người phụ nữ có biệt danh như thế, người đã thực hiện biết bao buổi phát thanh vang dội lòng người. Kết quả cuộc phỏng vấn của 2 phóng viên là Aquino bị lộ diện con người thực trước công chúng. Và đó là một rắc rối cực kỳ nguy hiểm với Aquino thời hậu chiến.
Tuổi trẻ
Iva Ikuko Toguri sinh 4/7/1916 ở Los Angeles, Hoa Kỳ. Cha cô là một người Nhật nhập cư. Ngay từ nhỏ cô đã được theo đạo Công giáo, tham gia các hoạt động hướng đạo sinh, chơi thể thao và piano rất giỏi.
Tuổi thơ với những ngày dài chăm sóc người mẹ bị tiểu đường, Iva Ikuko mơ ước thành bác sỹ. Sau này cô theo học đại học California ngành động vật học và tốt nghiệp năm 1941.
Tới Nhật Bản
Tháng 5/1941, Iva từ San Pedro, California lên đường đi Nhật Bản để chữa bệnh và nghiên cứu y học. Tháng 9 năm đó, Iva tới lãnh sự quán Mỹ tại Nhật Bản xin một hộ chiếu để có thể trở về định cư tại Mỹ bởi khi cô rời Hoa Kỳ, cô không có hộ chiếu. Đơn của cô được chuyển tới Bộ Ngoại giao để xem xét đặc biệt. Tuy nhiên, trước khi việc này hoàn thành, Nhật Bản đã tấn công Hoa Kỳ và cuộc chiến nổ ra.
Iva sau đó đã rút lại đơn xin hộ chiếu và muốn ở lại Nhật Bản làm tình nguyện viên trong suốt cuộc chiến.
Mặc dù đang ở trên đất Nhật bản nhưng Iva luôn công khai sự ủng hộ của mình với Mỹ khiến người Nhật cảm thấy khó chịu. Để có thể duy trì cuộc sống, Iva làm gia sư piano. Cô cũng tích góp tiền hằng tháng để học tiếng Nhật. Sau này cô còn làm cộng tác viên cho hãng thông tấn Domei.
Cuộc sống lưu vong khiến Iva gần gũi hơn với những người cùng cảnh ngộ. Cô gặp Felipe d'Aquino, người cùng quan điểm ủng hộ Mỹ và là chỗ dựa rất lớn cho cô gái. Một đêm trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, Iva thấy tất cả đồ đạc của cô bị quăng ra phố và gian phòng trọ thì bị lực lượng cảnh sát mật Kempeitai của Nhật lục soát.
Trong quãng thời gian lưu vong này, Iva liên tục phải nhập viện vì suy dinh dưỡng. Cô phải vay tiền bạn bè và cả chủ nhà trọ mới có thể chữa bệnh. Tiền lương từ công việc gia sư âm nhạc không đủ khiến Iva lao đao. May mắn cô được giới thiệu làm nhân viên đánh máy cho đài phát thanh Tokyo và dịch các bài báo sang tiếng Anh. Mục tiêu mà đài phát thanh này hướng đến là làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đồng minh ở mặt trận Thái Bình Dương. Ở đây cô gặp viên Thiếu tá người Australia là Charles Cousens, một phóng viên nổi tiếng của Đài phát thanh Sydney bị Nhật bắt, và các đồng nghiệp của anh là đại úy người Mỹ Wallace Ince và trung úy người Philippines là Normando Reyes.
Tại đây, họ trở thành bạn thân, đồng cam cộng khổ với nhau vì có chung tư tưởng và cùng cảnh ngộ. Iva luôn là người phụ nữ biết chăm sóc những tù binh này. Khi Đài phát thanh Tokyo tìm một nữ MC dẫn chương trình Zero Hour (Không Giờ), Cousens đã giới thiệu Iva.
Đây chính là thời điểm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Iva, giúp cô khám phá ra khả năng thiên tài trong con người mình.
Cuộc đời của Iva Toguri tiếp tục thế nào? Mời các bạn đón đọc "Bông hồng Tokyo" và phiên tòa thế kỷ (Kỳ 2) vào SÁNG SỚM ngày 15/2/2014.
Theo Khám phá