Các bị cáo thừa nhận thả người không đúng quy định

Trong phiên xét xử ngày 12/8, trước khi xét hỏi, HĐXX đã quyết định cách ly bị cáo Phùng Anh Lê tại một phòng riêng để xét hỏi 3 bị cáo từng là thuộc cấp của bị cáo này.

Tại phần xét hỏi, ba bị cáo: Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) và Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) và một số nhân chứng, người liên quan có mặt tại phiên tòa đều khai, ngày 22/9/2016, Công an quận Tây Hồ có tạm giữ đối với Nguyễn Hữu Tài, nhưng sau đó bị cáo Phùng Anh Lê đã chỉ đạo thả người.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS tại phiên xét xử.

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn trước HĐXX, bị cáo Lê Đình Trung khai, khuya 22/9/2016, bị cáo được phân công trực chỉ huy khu vực nhà tạm giữ. Khoảng 1h ngày 23/9, bị cáo Vũ Công Ngọc gọi Trung ra ngoài sân. Ngọc nói rằng Phùng Anh Lê chỉ đạo thả Nguyễn Hữu Tài. Khi Ngọc hỏi quyết định đâu thì Ngọc nói sếp chỉ đạo, rồi gọi cho Lê và mở loa ngoài điện thoại. Qua điện thoại, Trung nghe Phùng Anh Lê nói: “Anh Lê đây, em lấy thằng Tài để cho Ngọc đưa về đội”.

Sau khi nghe chỉ đạo bằng miệng từ bị cáo Lê, Trung đã báo cáo với ông Lê Sinh Hùng, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ, là người phụ trách các công việc tại nhà tạm giữ. Rạng sáng ngày 23/9, Trung và đồng nghiệp dẫn Nguyễn Hữu Tài ra khỏi nhà tạm giữ để bàn giao cho Vũ Công Ngọc.

"Khi giao Tài lại cho bị cáo Ngọc thì có quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ không?", Chủ tọa hỏi. Bị cáo Trung nói không có và khẳng định việc thả Nguyễn Hữu Tài ra về là thực hiện theo mệnh lệnh của ông Phùng Anh Lê. Mặc dù vậy, bị cáo Phùng Anh Lê ngoan cố không thừa nhận chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thực hiện việc thả người trái pháp luật.

Trả lời HĐXX và đối chất với Lê Đình Trung, bị cáo Vũ Công Ngọc khai, khi Công an tạm giữ Tài, bị cáo Ngọc đã mang hồ sơ vụ việc đến phòng bị cáo Lê. Xem xong biên bản ghi lời khai, đơn đầu thú và bản tự kiểm điểm của Tài, bị cáo Lê nói rằng, việc tạm giữ Tài không có căn cứ.

Đề cập đến bộ hồ sơ vụ trình báo cướp liên quan Nguyễn Hữu Tài mà đến nay Công an quận Tây Hồ chưa cung cấp được cho Công an Hà Nội, bị cáo Ngọc khai, ngày 1/1/2021, ông Mai Trọng Thắng (Trưởng Công an quận Tây Hồ) đã yêu cầu Ngọc, Châu, Điều tra viên Phan Tất Hùng và một số người khác đến phòng làm việc để thông báo rằng Công an TP Hà Nội đang giải quyết vụ việc.

Sau khi Điều tra viên Phan Tất Hùng mang hồ sơ đưa cho những người trong phòng xem, ông Mai Trọng Thắng đã giữ lại bộ hồ sơ này. “Bị cáo có chắc chắn không?”, chủ tọa đặt câu hỏi. Ngọc quả quyết:  "anh Thắng nói giữ hồ sơ lại".

Được gọi đối chất, Phan Tất Hùng đồng tình với những lời khai của Vũ Công Ngọc và cho biết, sau khi mang hồ sơ đến phòng ông Thắng, nhóm cán bộ Công an quận ngồi lại đó khoảng một giờ rồi mới ra về.

 
leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử.

Hội đồng xét xử đã thẩm vấn hỏi thêm về cuộc điện thoại mà bị cáo Lê gọi cho bị cáo Vũ Công Ngọc để yêu cầu Lê Đình Trung thả Nguyễn Hữu Tài ra khỏi nhà tạm giữ.

Bị cáo Lê khẳng định không có chuyện này. Ngay sau đó, chủ tọa cho hai bị cáo Ngọc và Trung đứng lên đối chất. Cả hai đều khẳng định có cuộc điện thoại mà bị cáo Lê gọi cho Ngọc để chỉ đạo Trung thả Nguyễn Hữu Tài. Thấy vậy, bị cáo Lê chối tội, đẩy lỗi cho cấp dưới, cho rằng, cả Ngọc và Trung đều là bị cáo, nếu đổ tội thì trách nhiệm của hai người sẽ thấp hơn.

Sau khi các bị cáo rời bục khai báo, HĐXX thẩm vấn các nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chị Hiền (vợ Nguyễn Hữu Tài) thừa nhận đưa tiền cho ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê) nhờ “giúp đỡ”. Còn ông Bảy thừa nhận cầm tiền của người thân Nguyễn Hữu Tài đưa cho bị cáo Lê tại phòng làm việc của bị cáo Lê.

Ông Phùng Văn Bảy khai về việc đã nhờ bị cáo Lê xem xét cho thả trường hợp của Nguyễn Hữu Tài. Ông Bảy đã mang 110 triệu đồng đưa Lê.

Tuy nhiên, bị cáo Phùng Anh Lê đã phủ nhận lời khai này, bị cáo Lê tiếp tục khai không biết sự việc của Nguyễn Hữu Tài, không thỏa thuận, không nhận tiền từ ông Bảy. Bị cáo Lê còn khai, ông Bảy từng viết thư gửi mình, xin lỗi vì không đưa tiền nhưng vẫn khiến bị cáo Lê bị ảnh hưởng.

Đối chất tại Tòa, ông Bảy thừa nhận có viết thư gửi Lê, nhưng thực tâm chỉ muốn xin lỗi vì việc nhờ vả của mình khiến bị cáo Lê bị ảnh hưởng.

Nếu không có căn cứ làm sao có việc 3 bị cáo Trung, Châu, Ngọc nhận trách nhiệm về mình

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Anh Lê và phần tự bào chữa của bị cáo, VKS nhận thấy có 2 vấn đề mà các luật sư rất quan tâm, cho rằng VKS chỉ dựa theo lời khai của Phùng Văn Bảy (chú họ ông Lê) để kết luận ông Lê có nhận tiền và quyết định 247 tạm giữ với Nguyễn Hữu Tài (nghi phạm đang bị điều tra trong vụ bắt giữ người) là không có trong thực tế.

Về phần mình, đại diện VKS cho rằng, sau 5 năm vụ án tha trái pháp luật người bị tạm giữ là Nguyễn Hữu Tài mới được làm rõ, nên việc nhân chứng, người liên quan có những lời khai khác nhau là điều khó tránh khỏi. Điều đó để cho thấy, Cơ quan điều tra VKSND tối cao không nắn chỉnh, thể hiện sự khách quan trong công tác tố tụng.

"Chúng tôi không làm vụ án cho nó đẹp, cho nó tròn mà là làm đúng. Nếu không có căn cứ làm sao có việc 3 bị cáo Trung, Châu, Ngọc nhận trách nhiệm về mình", đại diện VKS đối đáp.

Đại diện VKS tiếp tục khẳng định, cơ quan chức năng không chỉ dựa vào lời khai duy nhất của ông Phùng Văn Bảy, điều đó là phi logic và không đúng pháp luật. Cơ quan điều tra đã sử dụng hệ thống chứng cứ pháp luật.

"Nếu chị Hiền (vợ của Tài), anh Tài không chuẩn bị cưới thì chắc chắn họ sẽ không quan tâm đến việc phải đi nhờ vả", đại diện VKS phát biểu và cho rằng chính vì sự quan tâm đó nên bố con chị Hiền mới đi tìm người giúp được mình. Ở đây họ đã hỏi được anh Thắng và anh này nhận lời nên đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Lê). Rõ ràng câu chuyện có "đầu, đuôi". Qua móc nối, trao đổi, ông Bảy mới biết được ông Lê cần 110 triệu đồng để xử lý việc này. Ông Bảy đã cầm 110 triệu đồng để đưa cho Phùng Anh Lê.

Việc đưa tiền chỉ có ông Lê, ông Bảy biết. Sự việc sau đó mới thể hiện việc bị cáo Lê nhận tiền. Bị cáo Trung, Ngọc là nhân chứng sống thể hiện hành vi của ông Lê. Qua việc bị cáo Ngọc xuống nhà tạm giữ đề nghị ông Trung thả người. Bị cáo Ngọc còn gọi điện thoại cho ông Lê, rồi mở loa ngoài để bị cáo Lê nghe.

Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Đức Châu - cựu Đội trưởng cảnh sát hình sự; Vũ Công Ngọc - cựu Đội phó cảnh sát hình sự và Lê Đình Trung - cựu Đội phó cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đều thừa nhận hành vi, nói làm theo sự chỉ đạo của cấp trên (Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê), đồng thời mong tòa xem xét toàn diện các chứng cứ, hành vi và lời khai tại tòa để có bản án thấu tình đạt lý.

Ngày 14/8, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tuyên án.

 

Hà Nhân- Hà Tuân