(BVPL) - Cách đây gần năm năm, một vụ án làm chấn động dư luận đã xảy ra tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

 
 
Điều khiến tất cả mọi người trong gia đình chị Hà - anh Hưng thấy thắc mắc, khó hiểu là trước cái chết đau đớn của cả gia đình anh chồng nhưng Thuận vẫn tỏ thái độ bình thản, lạnh lùng. Vụ cháy xảy ra vào lúc nửa đêm 24 rạng ngày 25/1/2008 nhưng cho tới 7 giờ sáng hôm sau Thuận mới từ nhà mình tới hiện trường, mặc dù nhận được tin báo từ sớm. Trong suốt một tuần liền, khi mẹ con chị Hà được cấp cứu tại Viện bỏng Quốc gia, Thuận chỉ ghé thăm một lần, rất nhanh rồi đi, thậm chí không lướt qua giường bệnh của cháu Thảo Hiền. Trong đám tang anh Hưng, mặc cho những người thân kêu khóc thảm thiết, Thuận vẫn bình thản nghe điện thoại gọi về từ Yên Bái và cười nói hô hố. “Tiếp xúc với gia đình nạn nhân, chúng tôi đã nắm được những bất thường ấy, nhưng đi sâu tìm hiểu thì thấy Thuận với vợ chồng anh Hưng không xích mích gì, có chăng chị ta chỉ mâu thuẫn với chồng về chuyện tình cảm và hai người đã ly thân mà thôi. Các đồng nghiệp nơi Thuận dạy cũng nói cô ta rất tâm huyết với nghề, nhiều năm đạt thành tích trong giảng dạy, không ai thấy cô ta có biểu hiện gì hoang mang sau vụ cháy cả” - thiếu tá Đào Trung Hiếu nhớ lại.
 
Tuy chưa có bằng chứng về sự liên quan của Thuận với vụ cháy nhưng trong suy nghĩ của các điều tra viên đã cảm thấy hơi băn khoăn về con người này. Lại những ngày tháng bí mật tìm hiểu, xác minh, họ vẫn thấy quy luật sinh hoạt của Thuận không có gì thay đổi, chẳng có gì bất thường. Nhưng những tình tiết nghi ngờ diễn ra khi xâu chuỗi lại càng khẳng định thêm mối nghi ngờ, đó là việc ngay sau khi nhà cháy, Thuận nhận được điện thoại báo tin do một người đang trông coi công trình xây dựng nhà mình tên Bùi Tiến Hà gọi tới. Không biết nội dung ra sao nhưng kéo dài tới 5 phút. Vì sao biết tin sớm thế nhưng tới tận 7 giờ sáng hôm sau, cho con ăn uống đàng hoàng xong Thuận mới đủng đỉnh tới hiện trường, trong khi tất cả những người hàng xóm sống ở đó thấy cháy đã nỗ lực hết mình để cứu giúp các nạn nhân?
 
Người ở trọ bí ẩn
 
Ban chuyên án quyết định đi đường vòng, tìm hiểu về những người xung quanh Thuận. Tất cả các mối quan hệ của gia đình anh Hưng, anh Tuấn trước đã rà soát, nay được kiểm tra kỹ hơn. Không chỉ có bạn bè thân quen mà kể cả những người đã từng trông coi hộ nhà hai anh lúc xây cũng được tìm lại. Và ban chuyên án đã tìm ra người trông coi nhà anh Tuấn khi xây dựng là Bùi Tiến Hà (SN 1959, quê Yên Bái) cùng một người nữa thỉnh thoảng đến ở với Hà là Hoàng Hải Tiệp. Trước thời điểm xảy ra vụ cháy, Tiệp đang ở nhờ nhà Thuận, nhưng sau đó anh ta biến mất một cách khó hiểu.
 
Ban chuyên án chỉ nắm được thông tin duy nhất là trong thời gian ở nhà Thuận, Tiệp có đi học nghề nấu ăn. Vậy thì nhiều khả năng chỉ có Trường Trung cấp du lịch Hà Nội, mỗi khóa học là 2 năm. Dùng phép loại trừ, các anh suy đoán Tiệp chỉ có thể nhập học vào khoảng năm 2007 hoặc 2008 mà thôi. Sau nhiều ngày tìm kiếm, trong số gần chục sinh viên tên Tiệp, các điều tra viên đặc biệt chú ý đến hồ sơ của người có tên Hoàng Hải Tiệp (SN 1980, người dân tộc Tày, quê Yên Bái), đồng hương với Thuận. Khi tấm ảnh của Tiệp được đem tới cho những người hàng xóm nhà Thuận thì họ đều khẳng định người trong ảnh đã từng ở nhà Thuận vào thời điểm trước khi vụ cháy xảy ra.
 
Tìm đến nhà Tiệp ở Yên Bái, các điều tra viên nắm được anh ta có hoàn cảnh thật éo le. Bố Tiệp bỏ hai mẹ con từ lúc Tiệp còn là đứa trẻ đỏ hỏn để đi theo người đàn bà khác. Bà N., mẹ Tiệp, làm thuê kiếm tiền nuôi con bằng nghề quét vôi. Trong mắt bà Tiệp là đứa con ngoan ngoãn, vâng lời. Tìm hiểu qua bạn bè thời phổ thông với Tiệp, các điều tra viên được biết Tiệp khá hiền lành, ít nói, bản tính thật thà, chất phác. Tốt nghiệp cấp ba, Tiệp thi vào Khoa Chế biến thực phẩm Trường Trung cấp Du lịch. Tại Hà Nội, anh ta còn đi làm thêm ở các nhà hàng, vừa có tiền nuôi mình vừa gửi về cho mẹ. Tìm đến nhà bà N. tìm hiểu thông tin về con trai bà, các điều tra viên được biết Tiệp mới gửi tiền cho mẹ mua xe máy, anh ta còn đưa cả cô người yêu làm ở một nhà hàng về ra mắt. Bà N. đã nghĩ đến cảnh được bế bồng cháu nội. Lại khéo léo hỏi chuyện thu nhập của một người làm thuê ở nhà hàng làm sao có thể trang trải được cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô, bà N. nói ngay: “Mấy tháng trước cháu Tiệp được chị Thuận ở Mỹ Đình cho ở nhờ không lấy tiền”. Các điều tra viên thở phào, vì đây chính là nút mở cho vụ án tưởng chừng bế tắc gần một năm nay.
 
Từ Yên Bái trở về, các anh bắt đầu mở vụ án từ mắt xích Hoàng Hải Tiệp. Xác minh nơi Tiệp đang làm việc tại một nhà hàng trên phố Bảo Khánh thu được thông tin quan trọng: số điện thoại Tiệp đang dùng chính là số máy đã gọi vào tổng đài báo cháy ở nhà anh Hưng, tuy nhiên người dùng số này đã ngắt ngay khi có kết nối. Mở rộng điều tra, công an nắm thêm thông tin Tiệp có một người đồng hương tên Bùi Tiến Hà. Ở Yên Bái, nhà Hà và nhà Tiệp gần nhau, Hà sinh năm 1959 nên Tiệp gọi bằng chú. Thời điểm Tiệp xuống Hà Nội học cũng là lúc Hà đến trông coi công trình cho gia đình Thuận. Đã có lần Tiệp gọi điện thoại về quê xin số điện thoại của Hà để hai chú cháu liên lạc với nhau.
 
Sáng hôm ấy, Tiệp được triệu tập tới cơ quan công an làm việc. Dù cố tỏ ra lì lợm, dọc đường không hề tỏ ra sợ hãi, nhưng nét trầm tư cho thấy anh ta đang suy nghĩ rất nhiều. Tiệp cho biết, anh ta là cháu của người thợ xây nhà cho Thuận là Bùi Tiến Hà. Một vài lần tới thăm Hà, Tiệp quen biết Thuận và được chị ta cho ở nhờ không lấy tiền.
 
Ân hận muộn màng
 
Đã từng nhiều lần trực tiếp trò chuyện với Tiệp, đích thân đại tá Nguyễn Đức Chung (hiện là Giám đốc Công an TP. Hà Nội) được nghe anh ta tâm sự về nguyên nhân tại sao lại giúp Thuận đốt nhà. Trước câu hỏi: “Từ khi về Hà Nội, cháu có làm điều gì sai không?”, Tiệp ngồi nghĩ ngợi hồi lâu rồi viết một mạch bản khai nhận tội. Anh ta thú nhận: “Gần một năm nay cháu sống trong sợ hãi, cháu biết có ngày này, cháu có tội”.
 
Chuyện bắt đầu từ khi Tiệp đến thăm Bùi Tiến Hà đang trông coi công trình nhà Thuận. Thời điểm đó, Thuận đang ly thân với chồng là Nguyễn Chí Tuấn. Anh Hưng đã khuyên Thuận nên xin lỗi Tuấn để vợ chồng quay về đoàn tụ nhưng Thuận không nghe, cho rằng anh Hưng bênh em trai nên quyết định trả thù. Ngày 20/1/2008, Thuận nói với Bùi Tiến Hà: “Cháu rất tức vợ chồng ông Hưng vì luôn bênh em trai. Chú mua ít xăng về giúp cháu đốt nhà ông Hưng cho bõ tức”. Thấy Hà lưỡng lự, Thuận bảo: “Chú cứ đốt đi, nếu xảy ra chuyện gì cháu chịu trách nhiệm”. Do ông Hà chưa làm ngay, Thuận nhờ Tiệp ra tay và hứa hẹn: “Chị xây nhà xong, mày xuống ở với chị, chị không lấy tiền nhà”. Tiệp đồng ý, nhận 50.000 đồng từ Thuận để đi mua xăng. Chiều 24/1/2008, Tiệp nói với Bùi Tiến Hà: “Tối nay hành động”. Theo kế hoạch, tối cùng ngày Tiệp và Hà mang xăng tới cửa nhà anh Hưng. 3 giờ sáng 25/1/2008, Hà cảnh giới bên ngoài, còn Tiệp đổ xăng qua khe cửa sắt nhưng không được vì có rèm che. Bùi Tiến Hà vào nhà Thuận, lấy chiếc thước nhôm hình hộp rỗng ở giữa lùa qua khe cửa, Tiệp rót xăng vào chiếc thước. Sau khi đổ hết can xăng, Tiệp châm diêm đốt rồi cả hai chạy vào nhà Thuận. Ngọn lửa bùng lên trong đêm tối khiến cả gia đình ba người tử vong do bỏng nặng.
 
Cùng thời điểm bắt Hoàng Hải Tiệp, Ban chuyên án cũng bắt giữ Bùi Tiến Hà và Nguyễn Thị Thuận. Hôm đó, người dân thôn Phú Mỹ đổ ra đường chật cứng. Họ vô cùng bất ngờ khi kẻ thủ ác lại là Nguyễn Thị Thuận, bị bắt ngay sau khi vừa xong tiết dạy ở trường. Trong đám đông xôn xao ấy có một người ở gần nhà Thuận thở phào nhẹ nhõm, anh này chính là người từng bị gọi hỏi vì tình nghi liên quan đến vụ cháy và suốt nhiều tháng trời phải sống trong nỗi thị phi của những người xung quanh. Tội ác của Thuận cuối cùng được lý giải bằng một nguyên nhân rất đơn giản, rất đàn bà: vì ghen!
 
(còn nữa)
Theo CA TP.HCM
.