leftcenterrightdel
 

Đối tượng Sơn và một số tang vật vụ án (ảnh tư liệu)

Nguyễn Văn Sơn (còn có tên là Sơn đẹp trai, Sơn ngăm, SN 1972, quê gốc tại Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Khoảng đầu năm 1997, Sơn xin vào làm tại Cty TNHH Khải Thông (có trụ sở ở phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang) với cái tên Nguyễn Ngọc Sơn. Tuy nhiên, Sơn nhiều lần trộm cắp tài sản của Cty để đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài.

Từ tên trộm cắp vặt thành "vua phá két"

Ngày 1/6/1997, Sơn phá két sắt Cty và lấy đi 85 triệu đồng, mua căn nhà 4c (thuộc thôn Bình Tân, phường Phước Long, TP.Nha Trang) với giá 65 chỉ vàng và về hẳn đây sống đến cuối năm 1998.

Một hôm, nhân viên Sở Điện lực đến thu tiền điện, Sơn nghĩ ngành điện vốn giàu có nên nảy sinh kế hoạch mới. Sơn yêu cầu nhân viên thu tiền điện không đến tận nhà hắn thu nữa mà gửi hóa đơn về địa chỉ nhà để hắn tự đến nơi thu tiền điện nộp.

Sơn rủ Hoàng Văn Long (tức Trung) tham gia với vai trò cảnh giới. Cả hai lên phương án và bàn bạc kỹ lưỡng rồi ra chợ Đầm mua dụng cụ về chuẩn bị kế hoạch phá két. Đêm 18/11/1998, Sơn lẻn vào Sở Điện lực, phá két nhưng bị phát hiện, Trung bị bắt ngay sau đó còn Sơn chạy thoát, bán chiếc xe đạp lấy 300.000 đồng tiền lộ phí rồi trốn lên Đăk Lăk.

Ẩn náu trong một rẫy cafe của một người quen rồi sống ở đây một thời gian, cuối năm 2000, Sơn mò lại về TP.Nha Trang. Hắn bán căn nhà 4c chỉ bằng 1/10 giá đã mua để đi thuê một căn phòng trọ nhỏ, nằm im nghe ngóng động tĩnh.

Nghe nói trong vùng Bình Thuận có một tay giang hồ rất giỏi về cơ khí và chuyên gia phá két, Sơn đem toàn bộ tài sản vào "học nghề". Vốn nhanh trí lại nhớ lâu nên Sơn học rất nhanh, được truyền nghề rồi tinh thông.

Liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn, Sơn gây ra rất nhiều vụ trộm cắp tài sản mà số tiền trộm cắp được chưa có thống kê cụ thể tại khắp các tỉnh Nam Trung bộ. Sơn quay lại Nha Trang vào cuối năm 2001, mua một chiếc xe máy, gom ngân phiếu của một số người quen rồi trả bằng ngân phiếu.

Trong thời gian ở Nha Trang, mặc dù mang tiếng là nằm im nghe ngóng động tĩnh nhưng Sơn thi thoảng thăm hỏi một công ty hoặc doanh nghiệp nào đó.

Đặc biệt, Sơn có thói quen khác hẳn những tên trộm cắp thông thường là thường lân la uống cafe ở các cửa hàng bán két sắt để theo dõi. Khi thấy có một chiếc két được bán và chở đi, Sơn bám theo và khi biết địa điểm có két, Sơn ngắm nghía địa thế hoặc quan sát xung quanh rồi lên kế hoạch "phá két".

Vụ trộm táo tợn

Tháng 4/2002, Sơn cưỡi con xe Future lượn lờ khắp TP.Nha Trang, không quên đảo xe qua các cửa hàng bán két sắt để do thám tình hình rồi phát hiện Sở GD&ĐT Khánh Hòa mua một chiếc két mới.

Sau khi giả vờ là người nộp hồ sơ tại văn phòng Sở GD&ĐT Khánh Hòa, Sơn nắm bắt được nơi để két rồi đi thẳng ra chợ Đầm mua một chiếc khoan tay, kìm, búa, đục, gang tay và dây thừng cho vào một chiếc bao tải rồi đem giấu ở một góc hàng rào của Sở GD&ĐT.

Đêm 14/4/2002, Sơn nhảy qua hàng rào để "hành nghề", dễ dàng thâm nhập vào đúng Phòng Tài chính - Kế hoạch mà y đã quan sát trước đó. Sau khi phá được két, lấy được 750 triệu, Sơn dồn toàn bộ tiền có mệnh giá lớn vào túi đồ nghề rồi cho vào bao tải, kéo lên mái nhà rồi tuồn ra ngoài rồi quay lại lấy nốt mấy trăm triệu tiền mệnh giá thấp hơn.

Y bỏ tất cả vào một thùng giấy tìm được trong phòng rồi kéo ra ngoài nhưng do trời sắp sáng, sợ lộ nên Sơn đem giấu vào bãi rác gần đó. Tuy nhiên, một nhóm công nhân vệ sinh đã nhặt được hộp tiền và đem chia nhau và từ manh mối này, các trinh sát truy nã Công an tỉnh Khánh Hòa lần ra tung tích mà suốt 5 năm trời không phát hiện ra dấu vết của Sơn.

Sau khi vụ án tại Sở GD&ĐT xảy ra, công an tỉnh Khánh Hòa áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để tìm ra hung thủ, trấn an dư luận. Trong hồ sơ nghi vấn được dựng lên, các trinh sát đặc biệt lưu ý đến cái tên Nguyễn Văn Sơn (quê Quảng Trị) năm nào.

Đây là một tên tội phạm nguy hiểm, có tài quan sát hơn hẳn người khác, đầu óc cũng thuộc dạng "quái kiệt" trong giới giang hồ các tỉnh Nam Trung bộ lúc bấy giờ; đặc biệt, đối tượng này thuộc diện truy nã nhiều năm qua của Công an tỉnh Khánh Hòa.

 

leftcenterrightdel
 

Két sắt bị Sơn làm cho "nở hoa"

Trung tá Lê Nhường (Đội phó Đội truy bắt nã, PC52 Công an tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: "Nhiều năm anh em trong Đội đặt quyết tâm bắt bằng được Sơn nhưng hắn ngụy trang rất khéo và liên tục thay đổi chỗ ở. Anh em chia làm nhiều tốp lần tìm các tỉnh xung quanh nhưng không phát hiện ra hắn. Không ai có thể ngờ Sơn lại về chính Khánh Hòa ẩn náu và liên tiếp gây ra các vụ trộm két mới".

Trung tá Nhường cho biết, Sơn có khả năng phá những khối sắt thép tưởng chừng như bất khả xâm phạm mà chỉ bằng những ngón nghề rất đơn giản.

Nếu nhìn vào những đồ nghề của Sơn, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng có thể phá két và càng không nghĩ được rằng Sơn lại làm được đến nỗi thành hình "bông sen nở" như vậy. Không cần biết đó là loại két gì, loại két khóa cơ hay khóa điện tử, nhỏ hay lớn, tính năng bảo mật và mật mã tới đâu cũng vẫn bị Sơn phá được dễ dàng.

Hầu hết các vụ phá két bên hông có hình "bông sen nở hoa" là do Sơn gây ra và hầu như không để lại dấu vết. Hắn lúc nào cũng dùng bao tay để không bị phát hiện và thường đột nhập từ mái nhà xuống, lấy không còn một "cắc" nào rồi biến mất.

Tuy nhiên, "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", Sơn vẫn có một điểm yếu là rất thích ăn chơi, đặc biệt là đi du lịch. Trong khi khám nhà của Sơn, cơ quan điều tra thu giữ hàng trăm bức ảnh Sơn chụp khi đi du lịch bằng tiền phạm pháp.

Y đặt chân đến hầu hết các danh lam thắng cảnh của đất nước và mỗi chuyến đi, Sơn đều có một "bóng hồng" đi theo. Các cô gái choáng ngợp trước vẻ lãng tử và độ "chịu chơi" của Sơn, đến nỗi, Sơn gần như không thiếu người đẹp ở bên cạnh bởi lúc nào y cũng rủng rỉnh tiền bạc. Sau khi có tung tích của Sơn và thu thập đầy đủ các bằng chứng liên quan, các trinh sát truy bắt nã Công an tỉnh Khánh Hòa quyết định "cất lưới".

Sa lưới

Khoảng 13h20' ngày 17/4/2002, một tốp trinh sát truy bắt nã của Công an tỉnh Khánh Hòa trong vai một số lái xe ôm, bán nước quanh tiệm vàng Thanh Lịch (đường Ngô Gia Tự, TP.Nha Trang) cảnh giác cao độ mỗi khi có người xuất hiện đi vào tiệm vàng.

Lúc này, một thanh niên đúng như miêu tả và theo dõi bấy lâu của cơ quan điều tra ngó trước ngó sau rồi từ từ tiến vào tiệm vàng. Thanh niên đeo kính đen, xách một chiếc túi nhỏ bảo với ông chủ tiệm: "Bán cho 5700 đô la Mỹ".

Khi thanh niên này vừa ra khỏi tiệm, các trinh sát nhanh chóng ập vào bắt giữ. Ngoài số tiền ngoại tệ vừa mua, khám trong người thanh niên, các trinh sát còn thu được 87 triệu Việt Nam đồng. Sau một hồi quanh co, chối tội với điệp khúc được nhắc lại nhiều lần "Chắc các anh bắt nhầm người rồi", đến khi Trung tá Nhường dõng dạc: "Anh Nguyễn Văn Sơn, anh đã bị bắt". Nghe tên mình được đọc rõ, Sơn cúi xuống không nói thêm lời nào và bị giải đi.

Sau này, Sơn bị kết án Chung thân tại phiên tòa cuối năm 2003. Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến cái tên Sơn "phá két" hay "vua phá két sắt", nhiều người dân thành phố biển vẫn còn nhớ như in gã đàn ông mảnh khảnh chịu chơi nhưng cũng là "sư phụ" trộm cắp.

Thậm chí đối với không ít doanh nghiệp, gia đình giàu có bị Sơn "đột vòm" vẫn còn giật mình vì không ngờ rằng Sơn có thể "cuỗm" đi ngần ấy số tiền lớn đến như vậy của gia đình mà cứ nghĩ rằng, để trong két là đã an toàn…/.

 

Theo Pháp luật VN