HĐXX phiên phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Vinh Quang. Giữ quyền công tố tại tòa là 2 kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại Hà Nội.

22 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt

Ngày 5-3, TAND cấp cao tại Hà Nội khai mạc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ được hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bảo kê. Phiên xử diễn ra tại TAND tỉnh Phú Thọ.

An ninh xung quanh phiên tòa được thắt chặt, Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều chốt trên đường Nguyễn Tất Thành để phân luồng giao thông. Lực lượng an ninh cũng tổ chức các chốt kiểm tra giấy tờ những người vào tòa. Do số lượng bị cáo và người tham gia tố tụng ít hơn phiên sơ thẩm nên phiên tòa được tổ chức trong phòng xử thay vì phòng lưu động ngoài sân.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo được đưa đến phiên Tòa phúc thẩm

Phóng viên đăng ký đưa tin phiên tòa được bố trí ngồi trong phòng dành riêng cho báo chí theo dõi phiên xử qua màn hình.

Theo thư ký phiên tòa, tại phiên xét xử phúc thẩm chỉ 23 người có mặt, 22 bị cáo khác có đơn xin xử vắng mặt, trong đó có 2 " ông trùm'' cờ bạc Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.

Đại diện VKSND cho biết có tổng cộng 82 bị cáo nộp đơn kháng cáo hoặc liên quan kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ. Tại tòa, một trong số 36 bị cáo kháng án sơ thẩm đã rút đơn kháng cáo. Tuy nhiên, người này liên quan đến nội dung kháng nghị của VKS nên không đình chỉ xét xử.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên xét xử phúc thẩm

Theo danh sách, TAND Cấp cao triệu tập 76 bị cáo nhưng chỉ 23 người có mặt, 22 bị cáo khác có đơn xin xử vắng mặt. Quá trình thẩm vấn nếu thấy cần thiết, HĐXX sẽ triệu bất kỳ ai trong số 92 bị cáo liên quan vụ án.

Các bị cáo bổ sung tài liệu và cung cấp chứng từ “khắc phục hậu quả”

Mở đầu phiên tòa, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa tiến hành xét hỏi căn cước với các bị cáo. Sau đó, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vinh Quang hỏi các bị cáo có ai từ chối luật sư không?

Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (phạm tội "Đánh bạc") xin HĐXX cho mình được từ chối luật sư Trần Văn Long, mặc dù luật sư Long đang có mặt ngay tại tòa. HĐXX hỏi luật sư Long có ý kiến gì về đề nghị của bị cáo Ngọc. Luật sư Long cho biết không có ý kiến gì về đề xuất của bị cáo.

Trước khi đọc lại bản án sơ thẩm, một số bị cáo cũng được HĐXX gọi lên bục khai báo để cung cấp các chứng cứ, tài liệu liên quan vụ án.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND cấp cao tại phiên tòa phúc thẩm

HĐXX cho phép các bị cáo lên bục khai báo, cung cấp các tài liệu, chứng cứ bổ sung. Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán - Công ty CNC) cung cấp thêm hồ sơ bệnh án của mình và xin rút lại đơn kháng cáo.

Trong khi đó, các bị cáo Lê Anh Tú, Vũ Văn Dũng, Hoàng Thị Mai Phương cung cấp thêm bằng chứng về việc gia đình có công với Cách mạng; Bị cáo Dũng và Phương còn bổ sung thêm bệnh án hiểm nghèo của người thân 2 bị cáo.

Bị cáo Hà Văn Thắng cung cấp chứng từ nộp phạt, khắc phục hậu quả số tiền 50 triệu đồng; bị cáo Vũ Mạnh Hùng bổ sung thêm chứng từ nộp phạt 30 triệu đồng và giấy tờ chứng minh đã vận động, thuyết phục một “con bạc” khác ra đầu thú. Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn cung cấp thêm bệnh án của mình và xin rút lại đơn kháng cáo.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Bị cáo Nguyễn Thành Đạt nộp đơn trình bày hoàn cảnh gia đình, vợ bị cáo sắp sinh. Bị cáo Lê Anh Dũng bổ sung giấy tờ đã vận động 1 đối tượng đang bị truy nã ra đầu thú, có công văn xác nhận của cơ quan An ninh điều tra tỉnh Phú Thọ và chứng từ nộp phạt, khắc phục hậu quả.

Những “ông trùm” tự nguyện khắc phục hậu quả và không kháng cáo

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra hồi tháng 11/2018, sau 2 tuần xét xử, ngày 30/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tuyên án đối với 92 bị cáo về các tội danh “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan tố tụng xác định đường dây đánh bạc đã thu lời bất chính 4.700 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Phan Sào Nam được hưởng gần 1.500 tỉ, Nguyễn Văn Dương hưởng hơn 1.650 tỉ đồng.

Cũng theo bản án sơ thẩm, hai ông "trùm" Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương bị tuyên lần lượt 5 năm và 10 năm tù về hai tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên của bị cáo Dương hai sổ tiết kiệm 150 tỉ đồng, tạm giữ khi khám xét 95 triệu đồng cùng một số ngoại tệ... Vợ của bị cáo này cũng tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra hơn 4 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

leftcenterrightdel
Nhiều bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả 

Nguyễn Văn Dương tự nguyện bán trụ sở công ty CNC nộp 61 tỉ đồng. Nhà chức trách tạm giữ bốn ôtô, phong tỏa hơn 8 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Đối với Phan Sào Nam, cơ quan điều tra tạm giữ hơn 800 tỉ đồng, phong tỏa 77 tỉ đồng trong các tài khoản ngân hàng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ, trị giá 139 tỉ đồng và tạm giữ nhiều tài sản khác. Khi phiên tòa xét xử sơ thẩm, số tiền bị cáo này khắc phục hậu quả hơn 1.300 tỉ.

Tại phiên sơ thẩm, cựu tướng công an "bảo kê" đường dây đánh bạc là ông Phan Văn Vĩnh - cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - bị tuyên 9 năm tù, còn ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - nhận mức án 10 năm tù. Cả 2 ông đều không có kháng cáo. Hiện 2 cựu tướng công an này đã đi thi hành án tại trại giam ở Thái Nguyên và Ninh Bình.

Sau phiên tòa sơ thẩm, hai bị cáo trên không kháng cáo nhưng Viện kiểm sát đã có kháng nghị, trong đó có nội dung cho rằng cả Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương đều không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả".

Viện kiểm sát cũng đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ và không tịch thu tiền sử dụng vào việc đánh bạc của hơn 40 bị cáo khác.

Nhóm PV