Theo kế hoạch, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM sẽ nêu quan điểm giải quyết kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo khác. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng còn một số vấn đề cần làm rõ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện nên đề nghị HĐXX được quay lại phần xét hỏi. Sau khi hội ý, HĐXX đã chấp thuận và quay lại phần xét hỏi.
|
|
Đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM thực hành quyền công tố vè kiểm sát xét xử tại phiên tòa. (Ảnh: AX) |
Khi được đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM hỏi về phương án khắc phục hậu quả, bị cáo Trương Mỹ Lan cam kết chịu trách nhiệm xử lý tài sản để SCB tái cấu trúc và trả tiền cho Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo Lan đã chuẩn bị phương án khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, bản án sơ thẩm đã buộc nhiều cá nhân bồi hoàn cho bị cáo này hơn 21.400 tỉ đồng; 172 tỉ đồng tiền trong tài khoản phong tỏa của bị cáo Lan và hơn 295.940 tỉ đồng các tài sản tại SCB theo định giá của Công ty Hoàng Quân. Cùng 520 tỉ đồng mà gia đình bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả trong thời gian xét xử phúc thẩm. Số tiền 5.000 tỉ đồng mà bị cáo đã nộp để tăng vốn điều lệ cho SCB.
Cộng các khoản tiền này lại đã hơn 323.052 tỉ đồng. Chưa tính đến 440 mã tài sản đảm bảo tại SCB không được Công ty Hoàng Quân định giá và 658 mã tài sản không đảm bảo cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại SCB.
Đồng thời, dự án Mũi Đèn Đỏ là dự án có giá trị lớn nhưng định giá của Công ty Hoàng Quân quá thấp và không phù hợp… Ngoài ra, còn có Dự án 6A huyện Bình Chánh đang không thế chấp cho khoản vay nào tại SCB.
Trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị hoán đổi dự án 6A với tòa nhà Times Square. Theo bị cáo Lan, tòa nhà Times Square là tâm huyết của chồng là bị cáo Chu Lập cơ, hiện đang bị kê biên. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Trương Mỹ Lan đồng ý giao Dự án 6A để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Lan rất ân hận khi làm ảnh hưởng đến nhiều bị cáo khác trong vụ án và sẽ tìm mọi cách khắc phục hậu quả.
|
|
Bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. (Ảnh: AX) |
Ngoài ra, bị cáo Lan đề nghị HĐXX cho mình được tiếp cận hồ sơ của 1.283 khoản vay tại SCB để biết chính xác số nợ đến nay là bao nhiêu. “Bị cáo thấy trong hồ sơ, chỉ riêng khoản vay của nhóm khách hàng ban đầu là hơn 2.000 tỉ đồng nhưng đến nay được tính lên tới 54.000 tỉ đồng”, bị cáo Lan nói.
Tại phiên tòa, đại diện SCB cho biết về số tiền 5.000 tỉ đồng đã hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng. Về nguồn gốc số tiền 5.000 tỉ đồng, SCB cần rà soát lại vì đây là tiền của nhiều cá nhân, pháp nhân. Về Dự án 6A, SCB mong HĐXX xem xét và giao lại cho SCB quản lý dự án.
Sau khi nghe bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận kiến nghị này của bị cáo Lan. HĐXX ghi nhận, cho biết “sẽ xem xét”. Viện kiểm sát cũng cho rằng quá trình thẩm vấn phát sinh nhiều tình tiết mới, cần thời gian để đánh giá lại một cách chính xác từ đó mới có cơ sở đề nghị chấp nhận hay không kháng cáo của các bị cáo và các bên liên quan.
Do đó, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đề nghị tạm dừng phiên tòa để nghiên cứu đánh giá chứng cứ. HĐXX đã hội ý và tạm dừng phiên tòa đến ngày 15/11/2024.
Vụ án được xét xử phúc thẩm do bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 47 đồng phạm kháng cáo. Ngoài ra, bị hại là Ngân hàng SCB; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty cổ phần T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh cũng kháng cáo.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng phán quyết của tòa sơ thẩm quá nặng và trình bày một số tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, bị cáo Lan xin các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thấu đáo, có đường lối giải quyết phù hợp để bà nhận được sự khoan hồng của pháp luật./.
|