Phiên tòa được mở do kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKSND TP Hồ Chí Minh.

Thời gian mở phiên tòa vào lúc 7h30’, từ ngày 6 đến ngày 17/1/2025. Địa điểm mở phiên tòa: Điểm cầu trung tâm tại Phòng xử số 4 – TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Chí Hoà (T30) Công an TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.

Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa là ông Hoàng Thanh Dũng, cùng Thẩm phán Phan Văn Yên, Phan Tô Ngọc và hai Thẩm phán dự khuyết là Nguyễn Văn Minh Hồ Thị Thanh Thuý.

Theo Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 24/QĐ-VKS-P3 kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 410/2024/HS-ST 23/8/2024 của TAND TP Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với 18 bị cáo.

Các bị cáo trong vụ án là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được Nhà nước phân công và giao nhiệm vụ điều hành quản lý một ngành lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của con người. Tuy nhiên, chỉ vì động cơ tư lợi cá nhân, cũng có bị cáo vì nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, đã thực hiện hành vi phạm tội. 

Hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện trong thời gian dài, xảy ra một cách có hệ thống từ cấp cao nhất là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến các Đăng kiểm viên tại các Phòng, Trung tâm trực thuộc, thậm chí cả nhân viên bảo vệ, nhân viên giám sát, học việc... cũng cùng nhau thực hiện.

“Hành vi phạm tội của các bị cáo chiếm đoạt tài sản lớn, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông đường thủy, đường bộ; ngoài ra còn gây ảnh hưởng xấu và làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước; gây bất bình, tạo dư luận xấu trong xã hội; chính vì vậy việc xử lý nghiêm đối với các bị cáo cũng là một biện pháp răn đe phòng ngừa chung không chỉ tại TP Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, mức hình phạt mà HĐXX đã tuyên đối với 18 bị cáo trong vụ án là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe phòng ngừa”, kháng nghị phúc thẩm nêu rõ.

Các bị cáo Nguyễn Minh Trị, Trần Văn Cảnh và Huỳnh Thái Bảo bị Tòa án tuyên mức án thấp hơn 6 năm tù so với đề nghị của Viện kiểm sát về tội “Giả mạo trong công tác” là không phù hợp, bởi lẽ các bị cáo đã chỉ đạo những người không phải Đăng kiểm viên đã ký giả, đóng giả Đăng kiểm viên để thực hiện việc kiểm định phương tiện cơ giới, là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, tất cả đều phạm vào khoản 4 Điều 359 BLHS với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.

Viện kiểm sát đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật khi đề nghị mức hình phạt cho bị cáo ở khoản 3 Điều 359, nhưng HĐXX tuyên xử ở khoản 2 với mức án thấp hơn rất nhiều là chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, đặc biệt đối với các bị cáo có vai trò chính ở các trung tâm.

Đối với nhóm bị cáo ở Phòng VAR thuộc Cục Đăng kiểm: Về tội danh “Nhận hối lộ”, bị cáo Đặng Trần Khanh là lãnh đạo phòng, chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỉ đồng, hưởng lợi lớn, không nộp thêm tài liệu gì tại phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị 14-15 năm tù, Tòa xử 11 năm tù. Bị cáo Mai Đức Truyền là Đăng kiểm viên, chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 2,5 tỉ đồng nhưng chỉ nộp lại 650 triệu đồng, không có tình tiết giảm nhẹ mới tại phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù, Tòa xử 9 năm tù; không tương xứng với vai trò, trách nhiệm và không công bằng đối với các bị cáo khác ở nhóm phòng VAR có cùng hành vi, đã nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi.

Về tội danh “Đưa hối lộ” của các bị cáo Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang, là Đăng kiểm viên Phòng VAR, đứng ra thành lập doanh nghiệp sân sau, thuê người đứng tên chủ doanh nghiệp, chỉ đạo đưa hối lộ cho Phòng VAR. Các bị cáo có vai trò chính, số tiền đưa hối lộ mỗi bị cáo chịu trách nhiệm đều trên 11 tỉ đồng, phạm vào khoản 4 Điều 364 BLHS với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, Viện kiểm sát đã xem xét, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị mức án cho các bị cáo ở khoản 3, nhưng HĐXX áp dụng tuyên mức án 4 năm tù (ở khoản 2) đối với mỗi bị cáo không phù hợp quy định tại Điều 54 BLHS, chưa có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, không công bằng đối với các bị cáo khác đưa hối lộ số tiền thấp hơn nhưng mức án cao hơn như Mai Văn Quân, Lã Thu Chiền, Lại Thái Phong, Nguyễn Xuân Hào.

Đối với nhóm bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm: Về tội danh “Nhận hối lộ”, bị cáo Trần Anh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm 50-05V, phải chịu trách nhiệm ở 2 trung tâm 05V và 06V, Viện kiểm sát đề nghị mức án 12-13 năm tù, Tòa xử 9 năm tù là không tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội, không công bằng so với các bị cáo khác, là trưởng chuyền tại trung tâm này số tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm thấp hơn Tú, nhưng mức án cao hơn.

Bị cáo Nguyễn Đức Nam là Đăng kiểm viên Trung tâm 50-05V, phạm 2 tội, trong đó tội “Nhận hối lộ”, bị cáo chịu trách nhiệm hơn 3,3 tỉ đồng, hưởng lợi 277 triệu, đã nộp lại toàn bộ, Viện kiểm sát đề nghị 10-11 năm, Tòa tuyên 6 năm tù, không không công bằng đối với các bị cáo khác có cùng hành vi, trách nhiệm.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Về tội danh “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”: Bị cáo Võ Tấn Đạt làm giả 520 bộ hồ sơ khống để hợp thức hóa hồ sơ cải tạo, Viện kiểm sát đề nghị 5-6 năm tù; các bị cáo Phạm Ngọc Hoan làm giả 264 hồ sơ, Đậu Đức Vũ làm giả 288 hồ sơ, đều bị Viện kiểm sát đề nghị 4-5 năm tù, nhưng Tòa xử phạt 2 năm tù đối với mỗi bị cáo.

Các bị cáo Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa và Nguyễn Văn Thái đã làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức để hợp thức hóa hồ sơ cải tạo phương tiện, Viện kiểm sát đề nghị các bị cáo Huỳnh Văn Thoa, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Văn Thái mỗi bị cáo 5-6 năm tù, Dương Nghĩa từ 4-5 năm tù, nhưng Tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù. Việc Tòa tuyên xử mức án trên là không phù hợp với tính chất mức độ của hành vi phạm tội về việc cố ý tạo lập hồ sơ giả để hợp thức hóa hồ sơ cải tạo, không công bằng đối với các bị cáo khác.

“Việc HĐXX tuyên xử mức án đối với các bị cáo quá nhẹ là không phù hợp với tính chất, mức độ và diễn biến của hành vi phạm tội, đặc biệt, hành vi phạm tội của các bị cáo được tổ chức thực hiện tinh vi, do nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội, thu lợi số tiền bất chính lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan Nhà nước.

Việc quyết định và tuyên mức hình phạt như nêu trên không tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, không đủ nghiêm để răn đe và phòng ngừa tội phạm, tạo tiền lệ xấu trong việc áp dụng hình phạt khi xét xử và không công bằng đối với các bị cáo có hành vi tương tự”, kháng nghị phúc thẩm VKSND TP HCM nêu rõ.

Vì các lẽ trên, VKSND TP Hồ Chí Minh quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 410/2024/HS-ST 23/8/2024 của TAND TP Hồ Chí Minh về phần quyết định hình phạt đối với 18 bị cáo, gồm: Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam, Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương, Đặng Phong Em, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang và Nguyễn Minh Trị, Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa và Nguyễn Văn Thái. 

Đồng thời đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng mức hình phạt tù đối với các bị cáo Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương và Đặng Phong Em về tội “Giả mạo trong công tác”; Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam về tội “Nhận hối lộ”; Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa và Nguyễn Văn Thái về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”;  Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang về tội “Đưa hối lộ” và bị cáo Nguyễn Minh Trị về các tội danh “Giả mạo trong công tác” và “Nhận hối lộ”./.

Đại Lánh