Ngày 25/3/2025, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Bình - cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bị cáo Lê Quang Bình – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trung Hậu 68 và 42 bị cáo khác về các tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Nhận hối lộ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.
    |
 |
Bị cáo Lê Quang Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu 68 tại phiên tòa. (Ảnh: AX) |
Theo cáo trạng của VKSND tối cao, từ năm 2020 đến 2023, để được UBND tỉnh An Giang cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát cũng như điều chỉnh, bổ sung trữ lượng khai thác cát tại khu mỏ cát vật liệu xây dựng thuộc xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới phục vụ cho các công trình trọng điểm của tỉnh An Giang, Lê Quang Bình với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu 68 (Công ty Trung Hậu 68) cùng đồng phạm đã có hành vi đưa hối lộ, lợi dụng các mối quan hệ cá nhân cũng như lợi ích vật chất tác động đến các bị can là lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thuộc UBND tỉnh An Giang và các cơ quan liên quan để được cấp phép thăm dò, khai thác cát không đúng các quy định của pháp luật.
Lợi dụng việc khai thác cát phục vụ cho các công trình trọng điểm của UBND tỉnh An Giang, Lê Quang Bình cùng đồng phạm đã tổ chức khai thác trái phép để bán tổng khối lượng hơn 3,7 triệu m3 cát, trị giá hơn 293,8 tỉ đồng, hưởng lợi cá nhân và gây thiệt hại cho ngân sách nước tổng số tiền hơn 293,8 tỉ đồng. Ngoài ra, để hợp thức hóa nguồn cát khai thác trái phép cũng như che giấu nguồn tiền, Lê Quang Bình cùng đồng phạm đã thông qua một số người liên quan thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và rửa tiền.
Để Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép thăm dò, khai thác cát và nâng công suất khai thác trái quy định của pháp luật và bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác mỏ cát xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, Lê Quang Bình đã trực tiếp và chỉ đạo người thân, nhân viên dưới quyền đưa hối lộ cho Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang số tiền hơn 961,6 triệu đồng; Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang số tiền hơn 3,05 tỉ đồng.
Từ ngày 7/12/2021 đến ngày 28/7/2023, Lê Quang Bình đã chỉ đạo Hoàng Hải Thụy, Nguyễn Tấn Lịnh, Lê Trọng Hải, Võ Truyền Thống tổ chức cho nhân viên Công ty Trung Hậu 68, trực tiếp hoặc giao cho Hoàng Hải Thụy thỏa thuận, bán vị trí khai thác, hợp tác với các đơn vị, cá nhân liên quan, khai thác bán ra ngoài thị trường trái quy định pháp luật tổng khối lượng hơn 3,7 triệu m3 cát, trị giá hơn 293,8 tỉ đồng.
Lê Quang Bình đã chỉ đạo Hoàng Hải Thụy nhận thanh toán tiền cát bằng tiền mặt hoặc mượn tài khoản của các cá nhân liên quan để nhận chuyển khoản qua nhiều tài khoản ngân hàng của các cá nhân khác nhau để che giấu nguồn gốc số tiền hơn 170,4 tỉ đồng. Sau đó, Lê Quang Bình sử dụng hơn 18,8 tỉ đồng để trả nợ, sử dụng hơn 39,9 tỉ đồng phục vụ chi phí hoạt động khai thác tại mỏ cát, sử dụng hơn 41,6 tỉ đồng phục vụ nhu cầu cá nhân, sử dụng hơn 47,1 tỉ đồng để đặt cọc mua 6 bất động sản và 8 xe ôtô.
Tại phiên tòa, bị cáo Bình khai nhận Công ty Trung Hậu 68 được thành lập vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng, nhưng số vốn điều lệ này chỉ khai trên giấy. “Thực tế không có việc góp vốn và số tiền hoạt động của công ty được bị cáo vay mượn để chi trả, duy trì", bị cáo Bình khai trước tòa.
Để xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát cũng như điều chỉnh, bổ sung trữ lượng khai thác cát tại khu mỏ, bị cáo Lê Quang Bình đã giao cho cấp dưới làm hồ sơ và thủ tục. Bị cáo Bình thừa nhận biết rõ việc xin giấy phép phải thông qua đấu giá và không được bán cát ra bên ngoài.
Bị cáo Lê Quang Bình thừa nhận đã bán hơn 3,7 triệu m3 cát, trị giá hơn 293 tỉ đồng ra bên ngoài với giá 79.000 đồng/m3. Để hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác trái phép, bị cáo giao Lê Trọng Hải mua hóa đơn trái phép và ký hợp đồng bán cát, xuất hóa đơn cho khách hàng có nhu cầu.
Về số tiền hưởng lợi từ việc bán cát, bị cáo Lê Quang Bình khai đã trả nợ; chi phí gia công, hoạt động của mỏ cát, nhu cầu cá nhân và dùng hơn 41 tỉ đồng để nhờ nhân viên, người thân đặt cọc mua 6 bất động sản và 8 ôtô.
    |
 |
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị áp giải đến tòa. (Ảnh: AX) |
Theo cáo trạng, bị can Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang do có động cơ vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phụ trách lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản và Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giúp cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khảo sát, thăm dò mỏ cát theo hình thức chỉ định không thông qua đấu giá; cấp giấy phép khai thác khoáng sản không đúng với chủ trương; điều chỉnh công suất khai thác, cung cấp cát cho công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên không đáp ứng tiêu chí về hợp đồng ký kết với các nhà thầu thi công, không đúng với tiêu chí UBND tỉnh An Giang. Đồng thời tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được nâng công suất khai thác, mặc dù biết độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Bình cho biết với tư cách người đứng đầu, bị cáo rất trăn trở và nhận trách nhiệm. Bị cáo Nguyễn Thanh Bình khai rằng tuyến Quốc lộ 91 có mật độ xe dày đặc, mỗi ngày khoảng 30.000 xe ôtô đi qua, trong khi trên tuyến đường này có nhiều trường học nên thường xuyên xảy ra nạn giao thông, rất đau lòng.
Do vậy, UBND tỉnh An Giang đã trình xin Trung ương làm dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Bị cáo Nguyễn Thanh Bình cho rằng dự án được thực hiện nhanh để phát triển kinh tế, giảm mật độ xe và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bị cáo Nguyễn Thanh Bình đã chỉ định cấp dưới tạo điều kiện cho nhà thầu trong việc cung cấp vật liệu nhưng phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thanh Bình cũng thừa nhận đã đồng ý cho Công ty Trung Hậu 68 khai thác mỏ cát không thông qua đấu thầu là trái quy định.
"Lê Quang Bình nói là cảm ơn, chứ không phải là hối lộ. Bị cáo suy nghĩ xung quanh vấn đề này rất nhiều. Bị cáo trả Bình 250.000 USD trước khi Bình bị bắt. Sau đó bị cáo thấy một túi tài liệu có 50.000 USD, nhưng lúc này hết sức nhạy cảm nên bị cáo nói số tiền này thế nào cơ quan điều tra cũng hỏi, nên bị cáo chủ động nộp lại cơ quan điều tra", bị cáo Nguyễn Thanh Bình khai nhận./.