Hỏi thăm địa chỉ tôi tìm đến một căn nhà nhỏ xây cấp 4 có lẽ cũng đã lâu rồi, tường vôi đã cũ màu, rêu phong bám trên tường đó là màu của thời gian, trước sân là gian hoa giấy phủ bóng mát. Hình như đã có ai đó thông tin trước cho Bác về cuộc viếng thăm này, lên khi thấy có bóng người mặc trang phục ngành Kiểm sát, từ trong nhà Bác đã nhanh nhẹn ra mở cổng và cười rất tươi ra đón, đi đằng sau là Bác gái với dáng vẻ hiền lành đang bế đứa cháu nội cũng ra đón chào tôi. Sau khi chào và hỏi thăm về gia đình Bác, tôi ngỏ ý muốn viết một bài ngắn về cuộc đời của một người chiến sỹ cách mạng, sau này là một người cán bộ trong ngành Kiểm sát, ý định của tôi là viết để làm một bài học, một tấm gương của một chiến sỹ cách mạng kiên trung cho thế hệ trẻ như chúng tôi học tập và noi theo.
Sau khi nghe tôi nói Bác cười và bảo “ Có gì đáng viết đâu cháu, bác cũng như bao người khác, sinh ra ở thời kỳ đất nước có chiến tranh thì ai cũng thế, đâu có riêng mình Bác” và rồi Bác cũng đồng ý cho tôi viết.
Uống ngụm nước chè thơm ngát Bác ngồi lặng im, trầm ngâm giây lát rồi chậm rãi kể chuyện. Năm Bác được 11 tuổi tức là năm 1961 Bác theo cha, mẹ nghe theo lời kêu gọi của Đảng và nhà nước lên khai hoang phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.
Nơi gia đình Bác dừng chân là xã Noong Luống – huyện Điện Biên – Tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên. Lúc còn nhỏ Bác được gia đình nuôi cho ăn học đến năm 17 tuổi theo lời kêu gọi của Tổ quốc bác viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1968. Bác nói lúc đầu bố mẹ không đồng ý cho đi vì còn nhỏ quá nhưng Bác vẫn kiên quyết đòi nhập ngũ, và rồi cha mẹ cũng phải đồng ý cho bác nhập ngũ.
Bác được phân vào Đại đội C13 tiểu đoàn D3 trung đoàn 335 thuộc phân khu Tây Bắc – là quân tình nguyện chiến đấu tại chiến trường phía Tây Lào của nước CHDCND Lào. Khi tôi hỏi Bác về những trận đánh ở chiến trường của nước bạn, khuôn mặt Bác phút chốc rạng rỡ hẳn lên, Bác nói “ Nhớ chứ tôi tham gia nhiều trận đánh lắm, thắng cũng có mà thua cũng có” rồi Bác lại trầm ngâm kể, những người đồng đội của Bác người còn người mất nhiều người còn mất tích chưa tìm thấy hài cốt, Bác là người may mắn khi còn sống và trở về với thương tích trên người.
Nhìn Bác tôi thấy mắt bên trái của Bác có vẻ không bình thường, khi nghe tôi hỏi Bác cười và nói mắt giả đấy, một cửa sổ tâm hồn của tôi để lại chiến trường của nước bạn rồi, rồi Bác nói thêm bị thương như tôi là còn may mắn chán, chứ nhiều người khi trở về có còn lành lặn đâu, người thì cụt tay, cụt chân khổ lắm chú ạ.
Tôi hỏi “ Vậy Bác kể cho cháu nghe bác bị thương trong hoàn cảnh nào” ? Bác nhất trí ngay, Bác bồi hồi nhớ lại rồi chậm rãi kể hồi đó là vào tháng 7 năm 1972 trong một trận đánh vô cùng ác liệt giữa ta và địch tại đồn Pha Thâng là cửa ngõ vào kinh đô Luông Phra Băng, Ban chỉ huy chiến dịch hạ lệnh phải tiêu diệt bằng được đồn này vì như vậy quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Lào mới tiến vào giải phóng Luông Phra Băng được.
Giữa trận đánh sau khi tôi bắn xong một quả đạn B40 vào trung tâm chỉ huy đồn Pha Thâng theo mệnh lệnh của đồng chí Đại đội trưởng Vũ Ngọc Thoa, sau đó quân địch phản công tập trung hỏa lực bắn dồn dập về ta, nhưng quân ta mạnh và dũng cảm nên đã ào ạt xông lên làm cho quân địch hoảng sợ kéo nhau tháo chạy về phía bờ sông Nậm Hu lên xuồng máy bỏ chạy. Khi quân địch tập trung hỏa lực chống trả lại thì lúc đó Bác bị một mảnh đạn pháo văng vào mặt ngất đi, tỉnh dậy Bác thấy mình đang được chăm sóc ở trại quân y dã chiến tại chiến trường. Sau đó được đưa về nước để điều trị tại Quân y viện 108, kết luận của Quân y viện là Bác tổn hại 55% sức khỏe, được xếp loại thương binh ¾.
Do không còn đủ sức khỏe để tiếp tục chiến đấu nên đến tháng 2 năm 1974 Bác được chuyển công tác tại Ban chính sách thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên).
Tôi như bị thôi miên vào câu chuyện của Bác kể, Bác gái ngồi cạnh liền giục tôi uống nước, chợt như bừng tỉnh tôi nói, câu chuyện của Bác hay quá, thật sự cháu nghe Bác kể chuyện thế thôi chứ cháu không thể hình dung ra nổi mức độ khốc liệt trong chiến đấu như thế nào. Ngập ngừng hỏi tiếp sau khi uống cạn chén nước “Thế Bác gặp Bác gái trong trường hợp nào ạ?” Bác cười và nói cũng là duyên phận cả, khi về công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thì Bác gặp Bác gái đây là chiến sỹ thông tin của đơn vị và đem lòng yêu thương lúc nào không biết.
Nhưng Bác phần vì mặc cảm mình đã hỏng một con mắt, và cũng không đẹp trai nên không biết thổ lộ tình yêu với cô chiến sỹ thông tin như thế nào vì trong lúc đó cũng có nhiều người theo đuổi cô. Nói xong Bác cất tiếng cười và nheo mắt nói với Bác gái “ Có phải không Bà nó” một câu nói chứa đầy hàm ý làm Bác gái đỏ mặt thẹn thùng như hồi còn son trẻ vậy.
Tiếp lời Bác trai, Bác gái nói “Cứ như trời đất xui khiến chú ạ, nhiều người đẹp trai, ăn nói có duyên, cấp hàm cao đến tán tỉnh nhưng không hiểu sao tôi lại có tình cảm đặc biệt với một người dáng dấp nhỏ nhắn, hiền lành ít nói lại còn bị hỏng mất một con mắt nữa”. Thế rồi Ông tơ bà nguyệt xe duyên năm 1976 hai người chính thức nên duyên chồng vợ, năm 1977 Bác sinh hạ một bé gái kháu khỉnh Bác đặt tên cho con là Nguyễn Thị Hải Hà và sau khi trưởng thành chị Hà nối nghiệp cha như một cái duyên, hiện nay đang là Kiểm sát viên Trung cấp của phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án Hình sự - VKSND tỉnh Điện Biên.
Cũng là do duyên phận hay là sự trùng hợp chị Hà yêu và lấy anh Lê Anh Đại cũng là quân nhân hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên. Chị Hà nói “Đó là cái số của mình thì phải hồi con nhỏ thì mẹ, chị Hà và đứa em trai sống theo kiểu nhà binh, tức là mọi việc trong nhà lúc nào cũng phải ngăn nắp, gọn gàng theo kiểu quân đội, lớn lên lấy chồng Bộ đội lại cũng thế” Chị Hà cười sảng khoái, lúc nào nhà chị cùng hai đứa con một trai, một gái cũng như sống trong Doanh trại vậy, giờ ăn, ngủ, sinh hoạt đúng phong cách chuyên nghiệp của nhà binh, lâu rồi cũng quen không thấy gò bó nữa.
Cũng trong năm 1977 bác lại một lần nữa chuyển công tác đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) làm việc tại phòng Kiểm sát chung sau đó được đi học tại trường Cao đẳng kiểm sát. Hơn 30 năm công tác trong ngành kiểm sát Bác đã từng giữ nhiều cương vị trong công tác như Viện trưởng VKSND huyện Tuần Giáo, Trưởng phòng Kiểm sát thi hành án hình sự….đến tháng 10 năm 2008 Bác được nghỉ hưu theo chế độ.
Trong chiến đấu Bác đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quý như Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba của nước CHXHCN Việt Nam, Huân chương anh dũng chống Mỹ hạng nhất của nước CHDCND Lào…. Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, ngành Kiểm sát được Viện trưởng VKSND tối cao tặng bằng khen và nhiều giấy khen, bằng khen khác. Bác cười và bảo nếu treo lên tường thì tôi phải xây nhà ba tầng cháu ạ.
Hơn 40 năm công tác,, gần 10 năm sống và chiến đấu tại nước bạn lào, đã rèn luyện cho Bác có một phẩm chất cao quý của người chiến sỹ gan dạ, kiên trung. Hơn 30 năm cống hiến cho ngành Kiểm sát theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại người cán bộ Kiểm sát là phải “ Công minh – Chính trực -Thận trọng – Khách quan – Khiêm tốn”. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và nhà nước đã tạo ra một người chiến sỹ anh dũng, một cán bộ Kiểm sát vững vàng trong trận tuyến phòng chống tội phạm. Luôn đi đầu trong các phong trào Đảng, đoàn thể, không ngừng học hỏi để trang bị cho mình có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, không ngại khó, sự khổ đó là tiêu chí trong công việc của Bác Nguyễn XuânThư.
Hiện tại cuộc sống của gia đình Bác rất hạnh phúc, tuổi già về nghỉ hưu hai ông bà ở nhà chăm cháu nội, cháu ngoại nhất là đứa cháu đích tôn là niềm vui của ông. Hai đứa con đều đã xây dựng gia đình yên bề gia thất, con trai ông hiện đang là cán bộ ngành Ngân hàng của tỉnh. Con gái theo nghiệp cha, Ông bảo giờ ông không còn ước muốn gì cho riêng mình mà chỉ mong sao có được sức khỏe để được quây quần bên con cháu thôi. Cả đời cống hiến cho Đảng, nhà nước, quanh năm bận rộn với công việc, đến khi về hưu nhàn rỗi đâm ra buồn, cũng may có mấy đứa cháu để mà chăm, mà chơi với chúng nó chứ không thì tôi ốm mất. Nghe Bác gái nói dạo này sức khỏa của ông không được tốt lắm vừa ra viện được mấy hôm vì bệnh tật, phần vì vết thương thỉnh thoảng cũng đau lại nên Bác không còn khỏe lắm.
Nghe xong câu chuyện tôi bảo thế hệ trẻ bọn cháu bây giờ khác các Bác ngày xưa, bọn cháu đang hưởng thành quả của những con người quả cảm như thế hệ các Bác đã đánh đổi bằng xương máu thậm chí cả tính mạng để có được. Và tôi cũng xin hứa với bác, thế hệ trẻ ngành Kiểm sát Điện Biên sẽ cố gắng hết mình trong công việc để một phần nào đó xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã nhiều năm gây dựng.
Thanh Tuấn
VKSND thành phố Điện Biên Phủ