Theo Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian gần đây, đơn vị liên tiếp tục nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi tham gia cộng tác bán hàng trên mạng. Thủ đoạn là các đối tượng và nhắn tin hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng tin tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…

leftcenterrightdel
 Khi số tiền đặt hàng của cộng tác viên ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chiếm đoạt.

Sau khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng yêu cầu họ phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng.

Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên cộng tác viên sẽ được thanh toán kèm "hoa hồng" như đã hứa nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham vì việc kiếm tiền quá dễ dàng. Khi số tiền đặt hàng của cộng tác viên ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chiếm đoạt.

leftcenterrightdel
Cán bộ phòng Cảnh sát hình sự trao đổi về thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên sàn thương mại điện tử 

Thực tế, các thủ đoạn lừa đảo như trên không mới, nhưng phương thức thực hiện của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng thường không có địa chỉ thực tế nên việc truy tìm rất khó khăn và khó kiểm soát.

Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân cần nêu cao cảnh giác, không nên tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi làm cộng tác viên cho bất kỳ đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ hay sàn thương mại điện tử nào thì cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để kiểm chứng tính chính xác; tránh để đối tượng lừa đảo lợi dụng, dính vào bẫy lừa./.

Thanh Bình