Từ việc bắt giữ “ siêu lừa” Đinh Ngọc Viên (39 tuổi, trú tại thôn Thắng Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khi điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt xe máy cùng túi xách tay của chị Nguyễn Thị Thanh Thương (30 tuổi, quê quán Thái Nguyên), mở rộng điều tra, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã làm rõ, dưới tên giả Nguyễn Quốc Thái, Viên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 20 phụ nữ mà gã đã làm quen, kết bạn trên Zalo.
10 năm trước đây, Viên cũng gây gần chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nữ sinh mới ra trường cần tìm việc làm.
Mánh dụ gái trẻ dính bẫy lừa thời công nghệ mạng
Đinh Ngọc Viên đã từng có 1 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị TAND quận Ba Đình tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù vào ngày 25-12-2008. Sau khi mãn hạn tù, với bản tính thích ăn chơi, lười lao động, để có tiền tiêu xài, Viên quay lại với con đường cũ. Tuy nhiên, không giống như thủ đoạn gây án trước đây, Viên nghĩ ra chiêu trò tinh vi hơn để dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận các “con mồi”.
Tuy có nhà, gia đình vợ con ở huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội, nhưng Viên bỏ nhà, đi thuê nhà ở khu vực nội thành, ăn mặc chải chuốt lịch sự đóng vai trai độc thân, khoe có nhà mặt phố, cuộc sống khá giả để lên mạng Zalo “câu” các cô gái nhẹ dạ, cả tin.
Lấy tên giả là Nguyễn Quốc Thái, Viên lập nick đăng nhập với tên giả này để kết bạn trên Zalo với các cô gái. Viên thường nhắm vào các cô gái nào có vẻ ngoài bắt mắt, hay trưng ảnh có cuộc sống khá giả để chủ động làm quen, kết bạn. Với tài ăn nói lưu loát, hoạt ngôn, Viên đã khiến cho không ít cô gái trẻ bị mê hoặc, dễ dàng sa vào bẫy mà anh ta giăng sẵn.
Không những thế, nhiều cô gái trẻ cũng đã lầm tưởng tình cảm mà Viên dành cho bằng những lời nói ngọt ngào mà tình nguyện dâng hiến cho anh ta. Bởi vậy chỉ trong thời gian ngắn (tính từ đầu năm 2018 đến thời điểm bị bắt giữ 16-7), Viên đã lừa tình, chiếm đoạt tài sản của gần 20 cô gái quen qua mạng Zalo.
Lần gần đây nhất Viên lấy tên giả là Nguyễn Quốc Thái lên Zalo kết bạn cùng chị Nguyễn Thị Thanh Thương, tự giới thiệu SN 1985, nhà ở phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đang là nhân viên văn phòng và chưa có người yêu. Qua trò chuyện nhắn tin qua mạng Zalo, Viên tạo được thiện cảm với chị Thương và được chị mời lên thị xã Sơn Tây chơi.
Sau khi gặp nhau trò chuyện, Viên rủ chị Thương đi Thành cổ Sơn Tây và bảo chị Thương đưa chìa khóa xe máy Honda Lead màu đỏ mới mua của chị để Viên cầm lái. Dọc đường đi, Viên nói đang cần mua một bộ quần áo mới nên cả 2 đã vào một cửa hàng thời trang tại phố Quang Trung.
Tại đây, sau khi chọn bộ quần áo cho mình, Viên đòi mua tặng chị Thương 1 chiếc áo và nài nỉ chị vào phòng thay đồ mặc thử. Sau khi từ chối không được, chị Thương đồng ý, đưa chìa khóa xe, túi xách của mình cho Thái cầm giúp để vào phòng thử đồ.
Nhân lúc chị Thương thử đồ, Viên liền chuồn ra ngoài mở khóa xe máy phóng thẳng về Sóc Sơn cùng chiếc túi xách bên trong có điện thoại, hơn 1 triệu đồng tiền mặt, giấy đăng ký xe máy và toàn bộ giấy tờ tùy thân của chị Thương.
|
|
Đinh Ngọc Viên (áo kẻ) thích khoe ảnh cuộc sống khá giả cùng bạn bè ăn nhậu tại những chốn sang chảnh. Ảnh: FB. |
Chiêu lừa đảo thời công nghệ mạng chưa phổ biến
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, 10 năm trước đây, khi mà công nghệ mạng xã hội chưa phổ biến, chưa có Zalo hay các trang mạng xã hội kết bạn như bây giờ thì Đinh Ngọc Viên đã nghĩ ra chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục cô gái, đa số là sinh viên có nhu cầu tìm việc đăng trên báo.
Hằng ngày, bỏ ra vài ngàn đồng tiền mua báo, qua mục “người tìm việc, việc tìm người” của một tờ báo tại Hà Nội, Viên nắm được tên tuổi, điện thoại của các nữ sinh mới ra trường đang có nhu cầu tìm việc làm nên Viên chủ động gọi điện, giới thiệu tên giả và chức danh là giám đốc hay chủ nhà hàng, khách sạn lớn ở Hà Nội đang cần tuyển nhân viên rồi hẹn đến nhà hàng, khách sạn mà Viên bố trí trước để phỏng vấn.
Sau khi phỏng vấn, Viên đồng ý nhận vào làm việc, sau đó Viên bảo những nhân viên mới này đi tiếp khách hoặc đi mua thiết bị văn phòng. Trước khi đi, Viên vờ nói xe ôtô hỏng hoặc không mang xe và bảo “nhân viên” mới đưa chìa khóa xe cho Viên chở đến một quán sang trọng nào đó do Viên chọn sẵn. Viên vờ đặt bàn ăn ở trên tầng và bảo tân “nhân viên” của mình lên đó chờ khách.
Quá trình ngồi chờ, Viên lấy lý do điện thoại hết pin, quay sang mượn điện thoại của nhân viên mới tuyển, sau đó lẩn xuống tầng 1 lấy xe máy của bị hại bỏ trốn. Đối với những trường hợp Viên thấy bị hại dùng điện thoại rẻ tiền thì Viên chỉ lừa lấy xe máy.
Đơn cử như trường hợp Viên lừa tuyển chị Lê Thúy Hương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm nhân viên kế toán để chiếm đoạt xe máy và điện thoại. Qua đọc mục “người tìm việc, việc tìm người” đăng trên báo, Đinh Ngọc Viên biết chị Hương đang có nhu cầu tìm việc làm. Khoảng 9h ngày 16-6-2008, Viên gọi điện thoại cho chị Hương nói đang cần tuyển kế toán và hẹn chị tới quán cà phê trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình) nói chuyện.
Khoảng 11h cùng ngày, chị Hương đến theo lịch hẹn và được Viên “tuyển” làm nhân viên kế toán với mức lương 2,5 triệu đồng. Ngay buổi gặp đầu tiên, muốn thể hiện là người có quan hệ rộng, Viên bịa ra chuyện đang có lịch hẹn với một cán bộ ngành Thuế nên mời chị Hương đi cùng.
Lấy lý do không đi xe đến nên Viên chủ động bảo chị Hương đưa chìa khóa xe máy của chị Hương cho mình để chở chị đến điểm hẹn. Đến nơi, Viên bảo chị Hương lên tầng 2 của quán cà phê trước, anh ta sẽ lên sau.
Tại đây, lấy lý do điện thoại hết pin, Viên mượn điện thoại của chị Hương vờ ra cửa quán gọi điện rồi lẻn xuống tầng 1, mở khóa lấy luôn chiếc xe máy của chị Hương phóng chạy một mạch về nhà tại huyện Sóc Sơn.
Chưa đầy 2 tháng sau phi vụ lừa trên, Viên còn lừa lấy xe máy, cùng túi xách bên trong có tiền và điện thoại của chị Võ Thị Thanh (quê Hà Tĩnh) cũng với thủ đoạn lừa đảo phỏng vấn sinh viên tìm việc.
Ngoài những vụ việc điển hình trên, thời điểm đó với thủ đoạn tương tự, Đinh Ngọc Viên khai đã gây ra hơn 10 vụ lừa đảo các cô gái trẻ nhẹ dạ đang đi tìm việc làm thông qua mục “người tìm việc, việc tìm người” đăng trên báo.
Theo cand.com.vn