Kỷ niệm chuyến ngược rừng và tấm ảnh giành giải Nhất
Hôm đó là tối Chủ nhật, tôi nhận được cuộc điện thoại, số lạ. Bắt máy nghe, đầu dây bên kia là một người đàn ông nói giọng miền Trung. Anh giới thiệu là cán bộ Kiểm lâm, công tác ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Anh hỏi thông tin về thời hạn gửi ảnh dự thi “Nét đẹp cán bộ, công chức ngành Kiểm sát”...
|
|
Tác phẩm “Nữ Kiểm sát viên tận tụy, bản lĩnh”. (Tác giả: Trần Công Lý) |
Sáng hôm sau đến cơ quan “check” e-mail, tôi thực sự ngỡ ngàng về những tấm hình của anh gửi. Trong giấy đăng ký dự thi thấy tên tác giả là Trần Công Lý - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My. Anh gửi dự thi 15 ảnh, những bức hình ghi lại chuyến công tác của đoàn cán bộ liên ngành Công an, Viện kiểm sát và Kiểm lâm huyện trên đường xuống hiện trường vụ cháy rừng. Xem xong những bức ảnh của anh, tôi cảm thấy như mình đã có mặt trong chuyến ngược ngàn nguy hiểm, gian nan ấy; trang phục của mọi người trong đoàn được “nhuộm” màu đen của tro bụi, khuôn mặt ai cũng nhem nhuốc, chỉ ánh mắt vẫn cương nghị, nụ cười trắng lóa làm dịu đi sự khắc nghiệt, tàn khốc của vụ cháy. Ấn tượng nhất là tấm hình chụp nữ Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm, Viện trưởng VKSND huyện Bắc Trà My đang cầm bút ghi chép, quần áo, khuôn mặt, bàn tay của chị đen nhẻm. Ánh mắt của chị nhìn ra xa, ở đó, người ta thấy được sự bản lĩnh, quyết tâm nhưng cũng u uẩn với nỗi xót xa trước những cánh rừng bị cháy đen nham nhở…
Vòng sơ khảo, rồi chung khảo, tác phẩm “Nữ Kiểm sát viên bản lĩnh, tận tụy” của Trần Công Lý đều đạt điểm rất cao của các thành viên Ban giám khảo và giành giải Nhất Cuộc thi ảnh “Nét đẹp cán bộ, công chức ngành Kiểm sát” ở thể loại ảnh đơn. Tôi gặp Trần Công Lý ở Hà Nội khi anh ra nhận giải. Anh kể về chuyến ngược rừng gian nan ấy... Ngày 13/8/2021, một vụ cháy rừng lớn xảy ra trên địa bàn Tiểu khu 813, xã Trà Giác. Để tìm hiểu nguyên nhân vụ cháy, anh Trần Công Lý và đoàn công tác liên ngành lập tức lên đường. Từ thị trấn Bắc Trà My đến hiện trường vụ cháy khoảng 25km, trong đó có 10km phải đi bằng xe máy trên con đường độc đạo vắt vẻo qua các đỉnh núi; một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút.
|
|
Tác phẩm “Bản lĩnh Kiểm sát viên tại phiên tòa đại án”. (Tác giả: Phạm Kiên) |
Đoàn gửi xe máy tại nhà dân rồi bắt đầu hành trình vượt dốc khoảng 5km đến hiện trường. Chuyến đi rất nguy hiểm bởi vụ cháy rừng còn chưa tắt hẳn. Mọi người xót xa nhìn cánh rừng bị cháy đen, nham nhở như dính trận bom Napan. Đoàn cắt góc phương vị để leo, mọi người “thi nhau” ngã do bước nhầm hay bám vào tảng đá đã tơi bở vì bị lửa nung. Đến được đỉnh núi, ai cũng mệt và bỏng rát nhưng đều khẩn trương bắt tay vào công việc. Bắt gặp hình ảnh nữ Viện trưởng Võ Thị Trúc Lâm đầm đìa, nhễ nhại mồ hôi, mặt mũi đen nhẻm bởi tro than nhưng vẫn nghiêm túc làm việc, đưa ra yêu cầu cho đoàn công tác phương pháp khám nghiệm, đo đếm số liệu thiệt hại; tìm điểm xuất phát cháy để tìm nguyên nhân, Trần Công Lý đã giương máy bấm vội mấy kiểu…
Sau chuyến công tác, do bộn bề công việc nên anh cũng “quên” luôn bức ảnh, cho đến một hôm đọc thông tin về cuộc thi. Công Lý về lục lại những tấm hình ưng ý nhất và gửi e-mail về Ban tổ chức. “Tôi không nghĩ bức ảnh sẽ đạt giải. Thời điểm ấy, giữa hiện trường vụ cháy rừng, chỉ vì cảm phục nữ Kiểm sát viên Võ Thị Trúc Lâm - người đã cùng chúng tôi lội rừng không biết bao nhiêu chuyến công tác, tôi chụp để ghi lại kỷ niệm về một chuyến ngược ngàn gian nan, nguy hiểm”. Chính khoảnh khắc đó của bức ảnh đã chinh phục được Ban giám khảo bởi sự chân thực, bố cục tự nhiên, không sắp xếp, màu áo thiên thanh với ve hàm đỏ của nữ Kiểm sát viên nổi bật trước tán rừng xơ xác, càng tôn vinh vẻ đẹp, bản lĩnh của nhân vật…
Xúc động những tấm hình dự thi từ tâm dịch
Với Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh Đỗ Mạnh Bổng, năm vừa qua là 365 ngày đáng nhớ nhất sau hơn 2 năm từ VKSND tối cao, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng VKSND thành phố (tháng 7/2019). TP Hồ Chí Minh là “tâm bão” trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. Thành phố hơn 10 triệu dân đã phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt 3 tháng. Dịch bệnh đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong khó khăn càng ngời sáng ý chí quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân thành phố, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát. Vào thời điểm đối mặt với những nguy hiểm nhất, cán bộ, công chức ngành Kiểm sát thành phố mang tên Bác vẫn nỗ lực vượt khó, hoàn thành “mục tiêu kép”; vừa thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ; vừa tổ chức các hoạt động thiện nguyện, chung tay hỗ trợ chính quyền, cơ quan chức năng và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Hình ảnh cán bộ, công chức thuộc VKSND thành phố trong bộ quần áo bảo hộ, lăn lộn dưới địa bàn được chính những người trong cuộc ghi lại gửi về Ban tổ chức để tham gia dự thi. Tuy chất lượng hình ảnh chưa cao (do người chụp nghiệp dư, điện thoại bọc trong túi nylon) nhưng đó thực sự là những khoảnh khắc xúc động, mang thông điệp nhân văn sâu sắc, chạm đến trái tim Ban giám khảo và người xem ảnh.
|
|
Tác phẩm “Khám nghiệm hiện trường”. (Tác giả: Huỳnh Nam) |
Những ngày cuối năm, tôi có dịp trò chuyện với Kiểm tra viên Đồng Quang Hải, VKSND huyện Củ Chi. Anh là người đã lăn lộn hơn 2 tháng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành khốc liệt nhất, giữa lằn ranh sinh tử mong manh như làn khói. Đầu tháng 7/2021, Hải cùng 2 đồng nghiệp là Kiểm sát viên Hồ Thị Ngọc Ánh (người có 2 con nhỏ cùng ba mẹ đã lớn tuổi) và Kiểm tra viên Trần Văn Hiếu xung phong tình nguyện tham gia đoàn lấy mẫu xét nghiệm (PCR) của Trung tâm y tế. “Khi đăng ký tình nguyện, thú thực ai cũng có áp lực, lo lắng do mình tiếp xúc nhiều người và phải vào những vùng phong tỏa, nguy hiểm để tham gia lấy mẫu trực tiếp cho người dân. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, vì cộng đồng, vì màu áo ngành Kiểm sát, chúng tôi đã tham gia công tác này hơn 2 tháng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Sau chuyến tình nguyện đầy cảm xúc đó, Đồng Quang Hải đã gửi dự thi 8 bức ảnh với ước muốn để mọi người hiểu hơn về hình ảnh người cán bộ Kiểm sát, lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng…
|
|
Tác phẩm “Khi Kiểm sát viên về với nhân dân”. (Tác giả: Hoàng Hưng) |
Cuộc thi thành công tốt đẹp bởi công tác tổ chức bài bản, sáng tạo
“Đây là lần đầu tiên sau 19 năm thành lập, Báo Bảo vệ pháp luật được lãnh đạo VKSND tối cao giao chủ trì cuộc thi. Cuộc thi gặp rất nhiều khó khăn do trong 61 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân mới tổ chức một cuộc thi quy mô như thế này. Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc thi. Tuy nhiên, do sự chủ động với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo của Ban tổ chức, nhiều địa phương, đơn vị đã tham gia tích cực, hiệu quả, Cuộc thi đã thành công ngoài mong đợi” - Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ.
Sau 13 tháng phát động (1/10/2020 - 15/11/2021), Ban tổ chức đã nhận 4.065 tác phẩm dự thi của 517 tác giả trên khắp các mọi miền của đất nước. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Thắng, Tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam thuộc Thông tấn xã Việt Nam; NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; NSNA Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng nhiều NSNA khác đã đánh giá cao công tác tổ chức. Chính việc tổ chức có bài bản, sáng tạo mà cuộc thi đã thu hút được nhiều tác giả và tác phẩm. Các tác phẩm dự thi đã bám sát chủ đề, nội dung tư tưởng, phản ánh chân thực, sâu sắc hoạt động của cán bộ, công chức ngành Kiểm sát trong hoạt động nghiệp vụ cũng như các hoạt động xã hội khác.
|
|
Tác phẩm “Kiểm sát viên tại phiên tòa đặc biệt nghiêm trọng trên vùng Tây Bắc”.
(Tác giả: Dương Thành Trung) |
Đại tá Trần Hồng, nguyên Phóng viên Báo Quân đội nhân dân là một NSNA nổi tiếng, ông được mệnh danh là người “vẽ” chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chúng tôi gặp ông trong chuyến thâm nhập thực tế, sáng tác ảnh tại VKSND tỉnh Hoà Bình. Chứng kiến người nghệ sĩ 74 tuổi cần mẫn, chi tiết trong từng khuôn hình, góc máy để ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất về những người mang màu áo thiên thanh ở Hoà Bình, chúng tôi thực sự cảm phục, xúc động trước sự tâm huyết, trách nhiệm, lòng yêu nghề và tình cảm dành cho ngành Kiểm sát nhân dân của ông.
|
|
Tác phẩm “Lấy lời khai trực tuyến”. (Tác giả: Hoàng Thị Kim Oanh) |
|
|
Tác phẩm “Tuyên truyền pháp luật”. (Tác giả: Lù Phương Thảo) |
Đại tá Trần Hồng không khai thác sâu về hoạt động nghiệp vụ, ông “theo” các Kiểm sát viên về nhà, xuống bản. Ông chụp về người cán bộ Kiểm sát giữa đời thường rất đỗi bình dị, trách nhiệm, đó là những bức ảnh về nữ Kiểm sát viên dạy con học bài, cán bộ Kiểm sát thăm hỏi, tặng quà, trò chuyện với người dân… Ngoài Đại tá Trần Hồng, cuộc thi đã thu hút được nhiều nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh của các cơ quan báo chí ở cả trung ương và địa phương, trong đó, có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, là Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế, như NSNA Kim Mạnh, NSNA Vũ Dũng, NSNA Trường Thi… Điều đó góp phần tạo nên uy tín và chất lượng của Cuộc thi ảnh.
|
|
Tác phẩm “Quà tặng cháu”. (Tác giả: Cái Vĩnh Tuấn Anh) |
|
|
Tác phẩm “Niềm vui của người dân cũng là niềm vui của cán bộ Kiểm sát”. (Tác giả: Nguyễn Văn Liêm) |
Tại lễ Tổng kết, trao giải Cuộc thi ảnh; Tri ân 19 năm Báo Bảo vệ pháp luật phát hành số đầu tiên, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân đánh giá rất cao về cuộc thi, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của các đơn vị trong Ngành. Được biết, ngay sau khi VKSND tối cao có Quyết định 348-QĐ/VKSTC và Kế hoạch 105-KH/VKSTC về tổ chức Cuộc thi ảnh “Nét đẹp cán bộ, công chức ngành Kiểm sát”, nhiều đơn vị trong Ngành đã tiến hành bài bản, xây dựng kế hoạch, phát động công chức tích cực tham gia Cuộc thi. 100% các phòng, VKSND các quận, huyện của VKSND TP Hà Nội, VKSND tỉnh Gia Lai, VKSND tỉnh Tuyên Quang… đã xây dựng kế hoạch và có tác phẩm dự thi. VKSND các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Tĩnh có sáng kiến mời các đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh, các phóng viên về địa phương thâm nhập cơ sở, sáng tác; VKSND tỉnh Nam Định tổ chức Cuộc thi “Màu áo thiên thanh” để lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất gửi về Ban tổ chức… VKSND tỉnh Nghệ An có số lượng ảnh dự thi nhiều nhất (255 ảnh); VKSND tỉnh Quảng Ninh là đơn vị có nhiều ảnh dự thi chất lượng nhất, đạt nhiều giải nhất; lực lượng Công an nhân dân có nhiều tác giả ngoài ngành Kiểm sát tham gia dự thi nhất… Đó là những con số ấn tượng để một lần nữa khẳng định Cuộc thi ảnh “Nét đẹp cán bộ, công chức ngành Kiểm sát” đã thành công tốt đẹp.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng - Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND: CUỘC THI GIÚP NGƯỜI DÂN HIỂU SÂU SẮC HƠN VỀ NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng Báo Bảo vệ pháp luật đã nỗ lực rất cao, bám sát tôn chỉ, mục đích làm tốt công tác tuyên truyền. Báo cũng đã tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về hoạt động của toàn Ngành, đặc biệt là tuyên truyền trên cả ba loại hình Báo in, Báo điện tử, Truyền hình KSND, về các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, trong đó có Chỉ thị công tác năm 2021, Chỉ thị về xử lý tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh, góp phần tuyên truyền, cổ vũ toàn Ngành thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong tình hình mới.
Riêng về cuộc thi ảnh “Nét đẹp cán bộ, công chức ngành Kiểm sát”, tôi đánh giá rất cao mục đích, ý nghĩa và chất lượng Cuộc thi ảnh. Cuộc thi đã thực sự lan tỏa rộng rãi, giúp người dân hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong công cuộc phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Qua cuộc thi, hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa chân thực, đậm nét.
|
Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: CẦN PHÁT HUY THÀNH CÔNG CỦA CUỘC THI
Thời gian qua, Báo BVPL đã nêu gương là một trong những tờ báo uy tín và chuẩn mực, trách nhiệm thì Báo cần tiếp tục phát huy điều này, để làm sao Báo BVPL là tờ báo vừa giàu tính chiến đấu lại giàu tính nhân văn.
Cuộc thi thực sự có ý nghĩa và lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia của hơn 500 tác giả, trong đó có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên tuổi, uy tín. Những tác phẩm đạt giải của Cuộc thi thực sự chân thực, đẹp, không chỉ phản ánh cán bộ Kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ mà còn tạo hiệu ứng, ảnh hưởng tốt đẹp đến xã hội. Báo Bảo vệ pháp luật cần phát huy thành công của cuộc thi này.
|
Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng - Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh: BÁO BẢO VỆ PHÁP LUẬT ĐÃ PHỐI HỢP HIỆU QUẢ, CHẶT CHẼ VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức VKSND TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là Cuộc thi rất có ý nghĩa, mang hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát đến với người dân và xã hội. Qua Cuộc thi, hình ảnh của cán bộ Kiểm sát được lan tỏa hơn. Cuộc thi rất ý nghĩa và thành công, đạt được các yêu cầu của VKSND tối cao đề ra, điều đó khẳng định sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của Báo Bảo vệ pháp luật đối với các cơ quan trong Ngành trong suốt thời gian vừa qua.
|
Trung tá Dương Thành Trung - Phòng PX03 Công an tỉnh Điện Biên: HAI MÀU ÁO CHUNG “CHIẾN HÀO” PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
Tôi ấn tượng với chùm ảnh đạt giải Ba của Cuộc thi ảnh, có tên “Hai màu áo chung “chiến hào” phòng, chống tội phạm, phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra và VKSND trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đặc thù nghề nghiệp, tôi tham gia tác nghiệp hàng trăm vụ án hình sự, ma túy ở Tây Bắc và thực sự cảm phục trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh của các Kiểm sát viên. Bức ảnh chụp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa xét xử vụ án “Cô gái giao gà” (mà tôi gửi dự thi) khắc họa một phần chân dung của Kiểm sát viên trong cuộc chiến chống cái ác ở vùng cao Tây Bắc. Hy vọng từ thành công của cuộc thi này, Báo Bảo vệ pháp luật VKSND tối cao sẽ có thêm những cuộc thi khác…
|