Khởi nguồn một hành trình

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tỉnh Quảng Trị nằm dọc vĩ tuyến 17, trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, nơi đây từng chứng kiến những cuộc chiến sống còn giữa quân và dân ta với kẻ thù xâm lược. Tuy nhiên, ngay khi được hoàn toàn giải phóng vào ngày 1/5/1972, cùng với sự hồi sinh của chính quyền cách mạng, hệ thống cơ quan pháp luật từng bước được thiết lập để phục vụ yêu cầu mới.

Tháng 7/1974, Viện công tố tỉnh được thành lập, là tiền thân của VKSND tỉnh Quảng Trị ngày nay, đặt nền móng cho sự hiện diện chính thức của ngành Kiểm sát nhân dân trên vùng đất kiên trung. Dẫu trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách theo biến động hành chính, đến ngày 4/7/1989, VKSND tỉnh Quảng Trị chính thức được thành lập lại và nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trải qua hơn ba thập kỷ từ khi tái lập tỉnh, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị không ngừng phát triển, đảm đương hiệu quả vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong từng giai đoạn, Ngành đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, kiên định mục tiêu vì sự nghiêm minh của pháp luật, vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

leftcenterrightdel
Các tập thể được biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị lần thứ VII (2020 - 2025).

Ở lĩnh vực hình sự, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Trị luôn bám sát thực tiễn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng công tác chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc nhằm phát hiện kịp thời sai phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, từ đó ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục. Những nỗ lực này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới.

Trước yêu cầu cải cách tư pháp toàn diện, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị xác định rõ vai trò trung tâm, chủ động đổi mới mạnh mẽ về tư duy, tổ chức và phương thức hoạt động. Ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc Hiến pháp năm 2013, các đạo luật liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp, gắn chặt với các chỉ đạo của Trung ương, của ngành Kiểm sát nhân dân và yêu cầu thực tiễn địa phương.

VKSND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Ban Nội chính tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị quan trọng như: Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc thi hành các đạo luật tư pháp, và Chỉ thị số 10-CT/TU về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai. Qua đó, nâng cao nhận thức chính trị, pháp lý của cán bộ các cấp, góp phần tháo gỡ những “nút thắt” gây bức xúc trong nhân dân, nhất là ở những vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh đó, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Trị cũng thường xuyên tăng cường kiểm sát chặt chẽ các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự, qua đó bảo đảm không để lọt tội phạm, không xử lý oan người vô tội.

Xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ vững mạnh

Trao đổi với Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, đồng chí Dương Xuân Sanh - Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Trị cho biết, VKSND tỉnh Quảng Trị hiện có 134 cán bộ, công chức trong đó đa số cán bộ, đảng viên được phân công thực hiện nhiệm vụ thuộc một số lĩnh vực nhạy cảm, như: Công tác tổ chức cán bộ; công tác tài chính, kế toán; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự; công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, thi hành án… nếu không có sự quản lý chặt chẽ và kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm.

leftcenterrightdel
Thanh tra VKSND tỉnh Quảng Trị tiến hành thanh tra theo kế hoạch tại VKSND huyện Hướng Hóa.

Thấm nhuần quan điểm của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, đó là: Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức là chức năng lãnh đạo của Đảng; là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”, “lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Vì vậy, lãnh đạo VKSND tỉnh đã thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức trong cấp ủy, các chi bộ trực thuộc và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác xây dựng Đảng; góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ VKSND tỉnh.

“Thời gian tới, sáu nhóm giải pháp trọng tâm đã được đơn vị xác định. Từ nâng cao hiệu lực công tác chỉ đạo, đến kiện toàn tổ chức, siết chặt kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh phối hợp liên ngành và tăng cường công tác thi đua, khen thưởng. Những nhóm giải pháp này đều hướng đến mục tiêu xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị hiện đại, chuyên nghiệp, phụng sự công lý, phụng sự nhân dân”- Đồng chí Dương Xuân Sanh cho biết.

Với truyền thống vẻ vang và những thành tích đạt được, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị xứng đáng là chỗ dựa pháp lý vững chắc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Trên hành trình mới, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên tiếp tục khẳng định bản lĩnh, giữ vững phẩm chất chính trị, phát huy truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân, như lời Bác Hồ từng căn dặn cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Xứng đáng là lực lượng “gác cửa công lý” trên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bùi Tiến