Lợi thế của TP Đà Nẵng trong chiến lược tài chính quốc tế

Tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực - Nguyễn Hòa Bình do Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 1/7, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, đặc biệt là Bí thư Thành ủy, đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết về TTTC để trình Bộ Chính trị, Quốc hội.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 47-TB/VPTW ngày 15/11/2025, thành phố đã tích cực ban hành nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch hành động, khảo sát các TTTC hàng đầu thế giới, xúc tiến đầu tư, chuẩn bị hạ tầng và đào tạo nhân lực phục vụ vận hành TTTC.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Thường trực - Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam tổ chức vào sáng 20/5.

Phó Thủ tướng Thường trực - Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TP Đà Nẵng khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, tập trung vào quy hoạch, hạ tầng, nhân lực và xúc tiến đầu tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành nghị quyết của Quốc hội. Các kiến nghị vượt thẩm quyền sẽ được Chính phủ, Thủ tướng xem xét để tạo điều kiện tối đa cho TP Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 20/5/2025, Thủ tướng Chinh phủ - Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Minh Chính làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Thường trực - Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng ban thường trực, cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.

TP Đà Nẵng được lựa chọn cùng TP Hồ Chí Minh xây dựng TTTC quốc tế nhờ sở hữu vị trí chiến lược trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar; có hạ tầng hiện đại như cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế, khu công nghệ cao và khu thương mại tự do đang quy hoạch. Thành phố cũng có nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí cạnh tranh, quỹ đất phát triển lớn và chính quyền năng động, sẵn sàng cho các mô hình chính sách đặc thù.

Ông Richard McClellan – chuyên gia tư vấn chiến lược quốc tế nhận định: “Nếu Việt Nam muốn xây dựng TTTC có vị thế toàn cầu, cần coi TTTC không phải như một địa điểm đơn lẻ, mà là một hệ thống vận hành thống nhất tại cả TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, bổ trợ và hỗ trợ lẫn nhau”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất khó vì vừa phải tuân thủ thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với pháp luật Việt Nam. Thành phố đã chuẩn bị hệ sinh thái, hạ tầng cứng và mềm để sẵn sàng vận hành TTTC ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định thành lập.

leftcenterrightdel
 Phối cảnh Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng do đại diện IPPG cung cấp

Cùng với công tác tham mưu cơ chế, chính sách, thành phố đã bố trí trụ sở tạm thời, chuẩn bị quỹ đất gần biển, khu lõi tài chính 6,17 ha, khu phố tài chính An Đồn 62 ha và dự án lấn biển 1.500 ha để hình thành một đô thị tài chính – thương mại tự do đẳng cấp quốc tế.

Quy hoạch hạ tầng, nhân lực và kế hoạch dài hạn

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, TP Đà Nẵng sẽ hoàn thành tòa nhà 22 tầng hơn 27.000 m² tại Công viên phần mềm số 2 làm trụ sở TTTC và các cơ quan liên quan. Thành phố đã quy hoạch các khu đất sạch ở vị trí đắc địa, khu vực lõi tài chính, khu phố tài chính và khu lấn biển để xây dựng TTTC đạt chuẩn quốc tế.

TP Đà Nẵng cũng phát triển hạ tầng số: mở rộng trung tâm dữ liệu, phủ sóng 5G, đầu tư cáp quang biển, không gian đổi mới sáng tạo… Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng.

Về nhân lực, thành phố thành lập tổ công tác với 26 thành viên, lựa chọn cán bộ đào tạo tại các TTTC lớn (Singapore, London, Hong Kong), tập huấn cho hơn 300 cán bộ, phối hợp các trường đại học nghiên cứu chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đà Nẵng đã ký hợp tác với nhiều tổ chức, định chế tài chính, quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước để chuẩn bị mô hình vận hành TTTC theo chuẩn quốc tế.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương sử dụng một tòa nhà 22 tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 cho hoạt động của TTTC quốc tế Việt Nam tại TP Đà Nẵng.

Tại Hội nghị trực tuyến về xây dựng nghị quyết của Quốc hội về TTTC, nhiều chuyên gia ủng hộ mô hình “một TTTC quốc tế hoạt động tại hai địa điểm” – TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, vừa tận dụng lợi thế riêng, vừa bảo đảm thống nhất trong quản lý, vận hành.

Phó Thủ tướng Thường trực - Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng hành lang pháp lý đột phá, ưu đãi vượt trội, thu hút đầu tư, kết hợp kinh nghiệm quốc tế và điều kiện Việt Nam, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Với sự chuẩn bị bài bản về hạ tầng, nhân lực, chính sách và vị trí chiến lược, TP Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cùng TP Hồ Chí Minh đưa Việt Nam vươn lên trên bản đồ tài chính quốc tế.

Xuân Nha