Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Bên cạnh đó còn do nền ước thu năm 2017 để tính dự toán thu năm 2018 cao. Thực tế thực hiện, thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018. Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành có số nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế TNDN 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);... 

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán… Chẳng hạn, dự toán thu nội địa năm 2018, trong khi dự toán thu nội địa từ sản xuất kinh doanh của cả nước tăng 13%, thì dự toán của nhóm 16 địa phương có điều tiết về trung ương tính tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2017.

Ngoài ra, ông Hưng cho biết, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Cụ thể, thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng; Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ tới 83 nghìn tỷ đồng…

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giam dự toán.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế. 

Để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm nay, trong thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý; trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế…

Nguyễn Anh