Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thanh tra 1.556 doanh nghiệp và 22.433 cuộc kiểm tra.

leftcenterrightdel
 

Tổng cục Thuế yêu cầu, căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, các cục thuế giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra cụ thể đối với từng phòng thanh tra, kiểm tra thuế và phê duyệt kế hoạch kiểm tra thuế năm 2018 tới từng chi cục thuế. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra dựa trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các cục thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra tối thiểu 1,2% và kiểm tra tối thiểu đạt 17,3% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành.

Ngành Thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro lớn; các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu và số nộp ngân sách nhà nước lớn. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực có số thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như: xăng dầu, hàng không, các tổ chức tín dụng, dược phẩm, doanh nghiệp có hoàn thuế; các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp có giao dịch đáng ngờ…

Ngoài ra, sẽ thực hiện đôn đốc thu hồi kịp thời tiền thuế, tiền phạt qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách Nhà nước đạt ít nhất 80% trong thời gian Quyết định xử lý có hiệu lực thi hành vào ngân sách nhà nước. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đảm bảo 100% được thực hiện đúng quy trình, cập nhật kịp thời tiến độ thực hiện công tác thanh tra kiểm tra vào ứng dụng của ngành theo quy định.

Cũng theo Tổng cục thuế, ngay trong tháng đầu năm 2018, toàn ngành đã thực hiện 1.746 cuộc thanh tra, kiểm tra và đã đạt 1,96% kế hoạch năm 2018.

Kết quả, đến hết tháng 1, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 506 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 19,6 tỷ đồng và giảm lỗ là 538,8 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách nhờ công tác thanh tra, kiểm tra là 128,03 tỷ đồng, đạt 25,25% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 568 % so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh những giải pháp trên, để tăng thu ngân sách, cơ quan thuế cũng triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Phối hợp với người nộp thuế, các Ngân hàng thương mại, Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước,... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền nợ thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường thực hiện việc cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật...

H. Trang