Từ cuối tháng Năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở mức phổ biến từ 0,2-0,5%/năm, tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

 


Trong khi đó, mục tiêu cho năm 2015 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5%/năm để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Thực tế đó đang khiến dư luận băn khoăn rằng việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động như vậy có ảnh hưởng đến mục tiêu mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang phấn đấu?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng không phải là phổ biến. Bà Hồng lý giải, trước đây với quy định trần lãi suất kỳ hạn dưới sáu tháng, một số ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn đã huy động lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng khác, nay các ngân hàng này tăng lãi suất kỳ hạn ngắn để trở lại mức bình thường của các ngân hàng khác.

Bà Hồng cũng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên sáu tháng vẫn ổn định. Về tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn giảm so với cuối năm 2014. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,2-0,5%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn sáu tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay cũng đã giảm khoảng 0,2-0,3%/năm, hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong nửa đầu năm đã tăng trưởng gần 6%, đạt được 1/2 mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% đề ra cho năm nay. Dấu hiệu tốt này cho thấy dòng vốn bắt đầu được lưu thông mạnh mẽ trên thị trường. Chính vì vậy, việc lãi suất đầu vào tại một số ngân hàng được điều chỉnh tăng chứng tỏ các ngân hàng đang muốn có thêm nguồn vốn để cung ra thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng điều đó không có nghĩa là lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Bởi việc lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào lãi suất đầu vào mà còn liên quan đến chỉ đạo chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thực tế đã có thời điểm lãi suất đầu vào tăng nhẹ nhưng lãi suất cho vay không tăng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải cạnh tranh nhau để cho vay ra, chính vì vậy nên việc tăng lãi suất cho vay cũng cần phải cân nhắc.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, lạm phát sáu tháng đầu năm mới chỉ tăng 0,55% so với cuối năm 2014. Lạm phát chỉ làm tăng lãi suất khi bản thân nó tăng lên và ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng lạm phát đang được kiểm soát tốt và không có lý do gì để làm tăng lãi suất, thậm chí với diễn biến này chính sách tiền tệ có thể được mở hơn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Khẳng định việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động là cần thiết, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank, cũng cho rằng động thái này đáp ứng các nhu cầu về vốn cũng như kế hoạch tăng trưởng của từng tổ chức tín dụng.

“Nếu xét ở bình diện chung của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam thì có thể thấy mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức hợp lý, những điều chỉnh đó của một vài ngân hàng thương mại vẫn nằm trong cơ chế, khuôn khổ quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy những điều chỉnh này là cần thiết ở từng tổ chức tín dụng và không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng," Tổng Giám đốc VietinBank nói.

Ông Lê Đức Thọ cũng khẳng định, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất luôn được duy trì sự ổn định, trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dễ hơn với vốn tín dụng.

“Với VietinBank, chúng tôi chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu tín dụng đang tăng lên. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, dự kiến tăng trưởng tín dụng tại VietinBank khoảng từ 8% đến trên 8%, phù hợp tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành và mục tiêu đặt ra của VietinBank," ông Lê Đức Thọ dẫn chứng.

Ở góc độ khác, tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% trở lên, một trong những điều kiện cần là phải giảm được lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Nếu không giảm lãi suất, nguy cơ đà phục hồi kinh tế bị chậm lại trong tương lai gần là không nhỏ.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất ổn định như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến khả dụng của các ngân hàng thương mại, nếu có bất thường thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm hút tiền linh hoạt và thông qua tái cấp vốn hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo mục tiêu điều hành từ đầu năm.

Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã khẳng định, trong sáu tháng cuối năm, ngành Ngân hàng cố gắng ổn định lãi suất huy động, giảm các mức lãi suất cho vay, đặc biệt phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1-1,5%/năm. Thông điệp của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước là minh chứng thêm cho những cam kết và chỉ đạo mạnh mẽ của ngành ngân hàng, điều đã và đang tạo nên niềm tin cho thị trường.

Ông Lê Đức Thọ nhận định, để đặt ra mục tiêu điều hành lãi suất, tỷ giá, cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô khác, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự tính toán, cân đối các nguồn lực một cách phù hợp. Các mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm, cùng với dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và trên thế giới, có cơ sở để thấy rằng, các mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Dự báo từ nay đến cuối năm, với những công cụ và mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng cũng như sự kết hợp điều hành chính sách tiền tệ với chính sách tài chính, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định. Do đó, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1-1,5%./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.