Nhiều cái tên nổi tiếng trên thị trường ngân hàng chìm xuống và suy giảm vị thế, trong khi một số nhà băng đã cho thấy hiệu quả của quá trình tái cấu trúc.

 


Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, rất nhiều ngân hàng vẫn đang gồng mình xử lý nợ xấu và xoay xở để thoát khỏi cảnh ôm tiền không cho vay được, lợi nhuận tụt giảm, thua lỗ.

Trong quý III/2014, DongABank bất ngờ báo lỗ hơn 76 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn của NH này chiếm hơn 13% tổng dư nợ. Lãnh đạo NH này cũng đã cho biết, sẽ không chia cổ tức đợt 1/2014 do nhận định kinh tế những tháng cuối của năm 2014 còn nhiều khó khăn.

ABBank trong khi đó chứng kiến tăng trưởng tín dụng âm 1,4%; dự phòng rủi ro tăng gấp 12 lần; nợ quá hạn chiếm 16% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Tại Ngân hàng Quốc Dân, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể so với đầu năm nhưng vẫn còn ở mức cao là 4,93%. Lợi nhuận của ngân hàng còn khá thấp.

Thực tế cho thấy, khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng còn nhiều. Con số từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến gần cuối tháng 10 mới đạt 7,85% so với cuối năm 2013. Mức tăng trưởng khiêm tốn nói trên cũng đã là một nỗ lực với nhiều giải tín dụng linh hoạt tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng, cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế. Nợ xấu có chiều hướng tích cực, giảm qua các tháng nhưng tính tới cuối tháng 9 vẫn ở mức cao 3,88%.

Hiện tượng hàng loạt các ngân hàng, trong đó có nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Eximbank... báo lợi nhuận giảm trong quý III cho thấy quá trình tái cấu trúc vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.

Nguyên nhân lợi nhuận giảm được cho là do các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, lãi suất giảm và đồng tiền ứ đọng cũng góp phần khiến các ngân hàng không thể cải thiện được lợi nhuận.

Tại nghị trường hồi đầu tháng 11, tái cơ cấu ngân hàng vẫn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của rất nhiều đại biểu quốc hội. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, việc tái cơ cấu đã được làm mạnh và tiến triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó nợ xấu là vấn đề dai dẳng, khó xử lý triệt để.

Đây là yếu tố có thể khiến quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ còn phải kéo dài. Việc các ngân hàng chấp nhận lợi nhuận thấp, chấp nhận lùi bước để xử lý nợ xấu là tất yếu phải làm. Không những thế, việc tái cấu trúc, cải thiện hoạt động của các ngân hàng là điều cần thiết và phải được thực hiện liên tục.
 

Theo VEF

.