Cụ thể, theo đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hoà, Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (Công ty Anh Tuấn Phát) có trụ sở tại 28 Lê Thánh Tôn, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Công ty đăng ký lần đầu ngày 25/9/2014, thay đổi đăng ký lần thứ 1 ngày 18/7/2016 với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, số xe làm thủ tục đăng ký lệ phí trước bạ mới của Công ty Anh Tuấn Phát tại Cục thuế tỉnh Khánh Hoà đã là 23 xe với tổng số tiền lên tới 37 tỷ 720 triệu đồng.
Điều đáng chú ý là hầu hết các xe này đều là tài sản thế chấp tại 7 ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà để vay vốn. Theo nguyên tắc phòng ngừa rủi ro của ngân hàng thì chỉ giải quyết cho khách hàng vay từ 60 đến 70% giá trị tài sản đảm bảo. Như vậy, nếu Công ty Anh Tuấn Phát muốn mua thêm một chiếc xe mới thì họ phải có ít nhất 30 đến 40% vốn đối ứng. Để có được 23 chiếc xe mới với tổng số tiền 37 tỷ 720 triệu đồng (theo hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ) thì Công ty này phải có ít nhất 15 tỷ đồng tiền vốn đối ứng.
|
|
Bãi xe của Công ty Anh Tuấn Phát. Ảnh: Minh Tú |
Song, theo nhiều tài liệu thu thập được thì Công ty Anh Tuấn Phát có dấu hiệu bất thường khi được các ngân hàng duyệt cho vay vượt mức giá trị tài sản đảm bảo. Đơn cử, theo Hợp đồng vay vốn mã số 56204001 của ngân hàng A. chi nhánh Khánh Hoà, vào ngày báo cáo tài sản gần nhất 28/4/2018, Công ty Anh Tuấn Phát thế chấp 3 xe ô tô khách 47 chỗ ngồi hiệu 3-2 AUTO UNIVERSE màu trắng có giá trị tài sản lên tới 8 tỷ 850 triệu đồng. Trên cơ sở đó, ngân hàng này đã giải ngân cho Công ty Anh Tuấn Phát số tiền 5 tỷ 310 triệu đồng, tương ứng với 60% giá trị tài sản đảm bảo. Nhưng qua tài liệu thu thập từ hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ và các nguồn khác cho thấy giá trị gốc của 3 chiếc xe này chỉ là 4 tỷ 710 triệu đồng.
Để xác định chính xác tình trạng hoạt động của các xe khách này, Phóng viên đã có buổi làm việc với Trạm Đăng kiểm 7901S Khánh Hoà. Tại đây, các cán bộ của Trạm đăng kiểm đã cung cấp thêm những tài liệu về tình trạng kỹ thuật của từng chiếc xe. Một chi tiết đáng lưu ý trong Thông tin quản lý của Đăng kiểm là hầu hết các xe khách 47 chỗ Hàn Quốc hiệu Huyndai Universe của Anh Tuấn Phát đều có số động cơ bắt đầu bằng nhóm ký tự WP10… Một Đăng kiểm viên cho biết, nhóm ký tự này thể hiện nguồn gốc xuất xứ của động cơ xe là hãng Weichai, Trung Quốc. Việc thay đổi động cơ xe từ Hàn Quốc sang Trung Quốc về nguyên tắc vẫn có thể đăng kiểm mới từ đầu nếu nhà sản xuất thông tin trung thực, nó chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị của xe. Theo đó, tuỳ từng thời điểm, mức chênh lệch giá thành giữa máy Hàn Quốc, Nhật Bản và máy Trung Quốc khoảng trên 600 triệu đồng…
|
|
Bản Hợp đồng và tờ khai lệ phí trước bạ của Công ty Anh Tuấn Phát thể hiện mua xe trị giá 350 triệu đồng, nhưng khi thế chấp tại NH đã được định giá 870 triệu đồng. Ảnh: Minh Tú |
Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên đã có buổi làm việc với Chi cục thuế huyện Diên Khánh. Theo đó, trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, Công ty Anh Tuấn Phát đã làm 23 hồ sơ đăng ký lệ phí trước bạ cho các xe mới với tổng số tiền phải thu là 869 triệu đồng, Công ty đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan Thuế huyện Diên Khánh cho thấy, giá trị thực của các xe khách 47 chỗ mang nhãn Hàn Quốc hiệu Huyndai Universe, máy Trung Quốc do Công ty Anh Tuấn Phát khai nhận, nộp thuế chỉ là 1 tỷ 570 triệu đồng/xe. Thế nhưng, khi đến ngân hàng, toàn bộ số hồ sơ này đã bị “làm xiếc”, trở thành những xe xịn, chất lượng cao!
Làm việc cùng lãnh đạo ngân hàng A. Khánh Hoà, chúng tôi đã được tiếp cận một phần hồ sơ tín dụng, thế chấp, giải ngân của Công ty Anh Tuấn Phát. Với một vài hoá đơn thể hiện sự mua đi bán lại giữa vài công ty và một hợp đồng kinh tế giữa bên mua là Công ty Anh Tuấn Phát và bên bán là một Công ty thương mại K.T có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giá trị của những chiếc xe “hồn Weichai, da Huyndai” này đã bị đẩy lên gấp hai lần, có giá trị lên tới 2 tỷ 950 triệu đồng/xe.
Bên cạnh hành vi nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay vượt mức tiền từ ngân hàng, qua xác minh, còn phát hiện thêm một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác của Công ty Anh Tuấn Phát. So sánh hồ sơ thu thập được tại Chi cục Thuế huyện Diên Khánh và hồ sơ tại ngân hàng A. tại Khánh Hoà, Phóng viên phát hiện 2 tờ hoá đơn cùng ngày phát hành, cùng số hoá đơn, cùng một nội dung mua bán một chiếc xe (cùng số khung, số động cơ) nhưng thể hiện hai số tiền khác nhau, chênh lệch hơn 600 triệu đồng(?).
Trong hai hồ sơ thế chấp của hai chiếc xe khác, cũng phát hiện 4 tờ hoá đơn cùng ngày phát hành, cùng một nội dung mua bán hai chiếc xe (trùng số khung, số động cơ) nhưng khác số hoá đơn, và cũng thể hiện hai số tiền khác nhau, chênh lệch hơn 600 triệu đồng. Đáng chú ý, hầu hết các tờ hoá đơn này có cùng một đơn vị phát hành, một công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, và nó hiện diện trên hầu hết các hồ sơ mua bán xe, thế chấp, vay vốn của Công ty Anh Tuấn Phát.
Với những bằng chứng trên, dư luận đặt nghi vấn: có hay không sự “tiếp tay” của các ngân hàng để Công ty Anh Tuấn Phát có hành vi lạm dụng, dễ dàng chiếm đoạt vốn tại các tổ chức tín dụng?
Nhóm PV