(BVPL) - Trong vài tháng gần đây, giới tài chính ngân hàng xôn xao về một quy định mới sắp có hiệu lực có thể sẽ đẩy nhiều ngân hàng vào khó khăn tột cùng và có thể sẽ khiến cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng rơi vào bế tắc.

 


Với quy định mới, trong thời gian tới, việc đòi nợ sẽ phải thực hiện ở tòa. Trong khi theo các chuyên gia, đây là một việc làm vô cùng khó khăn và phức tạp kéo dài. Theo ông Phạm Huy Thắng, Phó TGĐ Vietcombank, trung bình xử lý một bản án có liên quan tới BĐS mất 3 năm, có những vụ kéo dài tới 5 năm, chưa kể thời gian thu nợ. Việc xác định nợ cũng rất khó khăn do giá khởi điểm thường được định giá rất cao so với thị trường.

Cũng theo ông Thắng, theo quy định mỗi lần giảm giá 2-3%, có trường hợp giảm 30 lần trong vòng 5 năm mới bán được tài sản, làm ảnh hưởng tới lợi ích của người thi hành án. Đó là chưa kể tới việc TSBĐ thường không thống nhất và rõ ràng, có nhiều trường hợp không giống như mô tả, như diện tích đất lớn hơn, nhỏ hơn so với trên giấy tờ… Việc kê biên tài sản của bên thứ 3 còn khó hơn nhiều.

Theo đại tá Nguyễn Trọng Long, đây là vấn đề đặc biệt và phải có giải pháp đặc biệt để xử lý vấn đề này, có thể cần một luật riêng hoặc nghị định riêng để xử lý nợ xấu.

Chia sẻ quan điểm của ông Long, TS Võ Trí Thành cho rằng, trước một hiện tượng kỳ dị đặc biệt, thì phải dùng biện pháp kỳ dị đặc biệt, còn nếu chỉ dùng các biện pháp thông thường thì “không ăn được”.

Theo ông Thành, điều đầu tiên là phải quyết liệt, không quyết liệt thì không giải quyết được vấn đề.

“Trước đó, tổ tư vấn cũng đã đề nghị một bộ luật riêng. Và Quốc hội, có lẽ cần có những buổi họp nghiêm túc nghe tất cả các khía cạnh. Đây là việc đại sự, gần như mức sống còn của phát triển kinh tế”, ông Thành chia sẻ.
Cũng theo TS. Thành,  nên có quan điểm nhìn về tương lai khi xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, nợ xấu là cuộc chơi tất cả cùng thua, nhưng quan trọng là làm sao thua thấp nhất và lợi ích dài hạn mang đến bù đắp được  nỗi đau. Cho nên làm thế nào để  giảm nỗi đau càng nhanh càng tốt, giảm thua càng ít càng tốt.

Theo ông Thành, cần nhìn lợi ích tổng thể, không chỉ xét lợi ích các bên. Cần tính toán tổng thể và có định lượng về chi phí cơ hội, chi phí gián tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế, ảnh hưởng tới tài khóa, ảnh hưởng tới lãi suất của vấn đề nợ xấu. Xem chi phí NHNN phải bơm tiền, bơm tín phiếu… rồi cả độ kém hấp dẫn của nền kinh tế do nợ xấu. Và vấn đề đầu tiên là Quốc hội phải quyết liệt. Làm được có thể mất năm 2 năm, để có luật quyền xử lý TSBĐ… quy trình và hiệu lực thực thi.
 

M. Hà

.