Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay, năm 2017 là thời điểm thích hợp cho sự ra đời của ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên
 


Theo Thứ trưởng Nam, hiện kinh tế trong nước còn khó khăn nhưng đã chạm đáy và đang có chiều hướng đi lên. Năm nay, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 đôla mỗi năm, trong vòng 4 năm nữa, con số này có thể tăng gấp đôi.

“Giai đoạn khủng hoảng nhất đã qua, Việt Nam đang đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bởi vậy năm 2017, thu nhập bình quân đầu người sẽ cao hơn. Đây chính là thời điểm thích hợp ngân hàng tiết kiệm đầu tiên có thể ra đời”, ông Nam kỳ vọng.

Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ngân hàng tiết kiệm nhà ở có hình thức là một công ty cổ phần, hoạt động quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng để huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở. Mục đích là cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm vay để mua nhà ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có.

Nguồn vốn để hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ từ vốn tự có của các chủ sở hữu tham gia thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn hỗ trợ từ nhà nước…

Năm 2012, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở thí điểm tại TP Hà Nội và TPHCM. Cùng với quỹ Tiết kiệm nhà ở, theo Bộ Xây dựng, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ là một trong những công cụ hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận với nhà ở hơn.

Theo thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, trong 10 năm, Ngân sách Nhà nước đã bỏ ra khoảng 3 tỷ đôla hỗ trợ nhà cho người nghèo nông thôn, nhà cho sinh viên, người có công với cách mạng… “Với mức lương hiện nay, rất khó để người dân mua được nhà. Bởi vậy, Nhà nước cần khuyến khích động viên người dân chủ động tham gia tiết kiệm tiền để tạo dòng vốn lâu dài trong việc mua nhà ở”, ông Nam cho hay.
 

Theo VnExpress

.