Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Tại Đề án, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó phải hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể theo đề án, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Tư pháp, và các bộ, ngành liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan)
NHNN hoàn thành việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng các văn bản hướng dẫn; Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 về thanh toán bằng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với giao dịch mua, bán tài sản có giá trị lớn phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt lần này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Đề án, hằng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2025; đồng thời phải hoàn thành xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.
|
|
(Ảnh minh hoạ) Ảnh: Reuters
|
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khái niệm chính thức về tiền kỹ thuật số quốc gia, còn gọi là tiền điện tử của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC). Trên thế giới, một số nước đã nghiên cứu, thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do các ngân hàng trung ương phát hành, trong đó có Trung Quốc, Thụy Điển, Nga, Pháp.../.
Theo báo cáo Người tiêu dùng toàn cầu gần đây do Statista thực hiện tại 74 quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 2 với số người đã hoặc đang sở hữu một dạng tiền điện tử nào đó. Thêm nữa, công nghệ blockchain cũng đang phát triển mạnh với nhiều mục đích khác nhau trong thời gian qua (như giải pháp định danh số, dịch vụ tín dụng thư L/C, trò chơi,…). |