Khép lại kế hoạch 2016-2020 với nhiều khó khăn do dịch bệnh

Mục tiêu kinh tế giai đoạn 5 năm 2021-2025 của Việt Nam bắt đầu bằng rất nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 của năm 2020. Kế hoạch 5 năm 2016-2020 kết thúc bằng “cú chốt 2020” quá khó khăn. Ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, các kịch bản kinh tế liên tục được thay đổi và rất khó dự báo.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2020 với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới” được Bộ KH-ĐT phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức cuối năm 2020, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 6 mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn tới. Theo đó, 6 mục tiêu mà chúng ta hướng tới là tập trung hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Ảnh minh họa: TTXVN

Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển bền vững nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nhằm khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian tới, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững.

Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

leftcenterrightdel
 Việt Nam đang đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao.

Mục tiêu GDP 6,5% là khả thi

Kinh tế Việt Nam vừa thoát ra khỏi cú “đấm bồi” của COVID-19 vào tháng 7/2020 thì cuối năm 2020 một đợt COVID -19 mới đã xuất hiện ngay dịp cận tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Vậy nên, dự báo trong năm 2021, mục tiêu phát triển kinh tế của chúng ta là khó khăn và phụ thuộc nhiều vào việc dập đợt dịch này.

Trong dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ KH-ĐT đã nhấn mạnh việc “tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

leftcenterrightdel
 Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mở ra nhiều kỳ vọng mới. Ảnh TTXVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là khoảng 6,5%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu kinh tế mà Chính phủ đặt ra như vậy là khả thi.

Theo đó, mặc dù chúng ta bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng chúng ta có nền nông nghiệp khá ổn định là một bệ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh này. Dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã được thế giới chấp nhận và đang có tiềm năng lớn. Nếu ta đổi mới về quy trình công nghệ, kiểm soát tốt về chất lượng và an toàn thực phẩm, quy mô sản xuất chặt chẽ, tiếp cận thị trường thế giới thì nông nghiệp không chỉ giúp ổn định trong nước mà còn là thế mạnh xuất khẩu ra bên ngoài. 

leftcenterrightdel
 Việt Nam là một điểm sáng vừa chống dịch COVID 19 có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Ảnh TTXVN

Bên cạnh đó, đã ký hàng loạt các Hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)…Những hiệp định thương mại đã được ký như vậy sẽ tạo điều kiện cho phát triển thương mại quốc tế. Ngoài ra,chúng ta cũng rất kỳ vọng vào việc dịch chuyển đầu tư của các "ông lớn" từ các quốc gia khác sang Việt Nam trong năm 2021. 

leftcenterrightdel
 Xuất khẩu hàng hóa đi từ cảng Chu Lai (Quảng Nam)

Đặc biệt, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế trong thời gian qua. Quy mô nền kinh tế chúng ta đang đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Bội chi ngân sách nhà nước và lạm phát được kiểm soát vững chắc ở mức thấp.

Ðộng lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 của chúng ta cũng được tiếp nối từ những thành tựu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là nông nghiệp (Việt Nam đạt Giải nhất và Giải nhì gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và 2020); về du lịch (với nhiều năm liên tiếp đoạt giải "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020" của tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới; đứng đầu châu Á ở ba hạng mục: Điểm đến di sản, Điểm đến văn hóa và Điểm đến ẩm thực; đứng đầu 16 hạng mục khác ở các lĩnh vực lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, khu nghỉ dưỡng,...).

Hơn nữa, Ðại hội XIII của Đảng vừa thành công tốt đẹp cũng tạo nên một luồng khí thế mới để chúng ta tự tin về động lực và kỳ vọng mới cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.

Xuân Nha