Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa có động thái “phá giá lãi suất” khi công bố mức lãi suất 5,91% cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng...
 


Cách đây vài năm, cơn sốt mua hàng phá giá đã lên đến đỉnh điểm với hàng loạt website bán hàng phá giá dạng “groupon” ra mắt ở Việt Nam. Các loại hàng hóa được phá giá rất phong phú: phiếu đi ăn nhà hàng, phiếu massage/spa, bộ đồ gia dụng, sản phẩm thời trang làm đẹp, quần áo, đồ điện tử tiêu dùng...

Cơn sốt mua hàng phá giá, giảm giá dạng “groupon” len lỏi tới mọi văn phòng, ngóc ngách nơi công sở.

Những tưởng câu chuyện phá giá chỉ dành cho các loại hàng hóa hữu hình, nhưng tình hình kinh tế khó khăn, ngân hàng ế vốn đã khiến những dịch vụ một thời “cao cấp” cũng bắt đầu phải phá giá.

Mới đây, OceanBank thiết lập một định nghĩa mới về “phá giá vốn vay” khi tung ra chương trình “phá giá lãi suất toàn diện, toàn quốc”.

Theo đó, khách hàng trên toàn quốc vay mua nhà, mua xe ô tô hay vay tiêu dùng đều có thể tham gia để hưởng mức lãi suất phá giá còn 5,91%.

Như vậy, với mức lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn từ 1 - 6 tháng của nhiều ngân hàng ở 6% đến dưới 7%, có thể thấy mức lãi suất cho vay 5,91% của OceanBank đã giảm xuống dưới giá thành huy động.

Điều đặc biệt, mức lãi suất của OceanBank kéo dài cả năm, hoặc ít ra là 6 tháng chứ không phải áp dụng chỉ trong “1 tháng đầu tiên” như nhiều chương trình lãi suất 0% thường gặp trên thị trường.

Đặc biệt, các khách hàng cũng được phát Voucher “phá giá” dạng “groupon” để đến các chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank nhận vốn giải ngân với mức lãi suất phá giá.

Với lãi suất phá giá chỉ còn 5,91%/năm (hoặc 9.97%/năm đối với một vài sản phẩm khác) bán dưới giá thị trường, vậy thì OceanBank sẽ lấy đâu ra lãi? Theo ông Trần Thanh Quang, Phó Tổng giám đốc OceanBank, lãi suất cho vay chỉ còn 5,91%/năm thì OceanBank vẫn “cân đối được”.

Vị đại diện này cũng cho biết, kỳ vọng của ngân hàng là tạo dựng được sự tin tưởng của khách hàng trong thời điểm khó khăn này, đặc biệt là đối với tình trạng tồn kho bất động sản và doanh số bán xe không cao”.

Trong thời buổi “ngân hàng lụy khách hàng” như hiện nay, việc các ngân hàng phải phá giá lãi suất hay cung cấp các dịch vụ nhanh chóng, khác biệt để phục vụ các “thượng đế” vay tiền là điều dễ hiểu.
 

Theo VTC News