leftcenterrightdel
 Tại Hội nghị đối thoại, Cục  Hải quan Tp Hồ Chí Minh đã giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp.

Có thể thấy, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động được Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh thực hiện từ nhiều năm nay. Tính từ năm 2002 đến nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với ITPC tổ chức hơn 65 hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 16.950 doanh nghiệp tham dự, trả lời và giải đáp hơn 2.651 câu hỏi từ phía doanh nghiệp.

Đáng nói, hoạt động này không chỉ diễn ra trong một ngày, một buổi mà còn thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp tình hình mới, mở rộng đối tượng đối thoại để hiểu được nhiều hơn những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó với mục tiêu Hải quan luôn là đối tác tin cậy, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) hi vọng, hội nghị tiếp tục giải quyết phần nào thỏa đáng và kịp thời những khó khăn và vướng mắc cũng như phổ biến những quy định, lưu ý của Cục Hải quan Thành phố đến với cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách, thủ tục hành chính về lĩnh vực Hải quan.

leftcenterrightdel
Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

Còn  ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố gặp nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, không có đầu ra khiến lượng nguyên liệu nhập khẩu cũng giảm sút đáng kể. Do đó, Cục Hải quan Tp Hồ Chí Minh với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt việc tuân thủ pháp luật về xuất nhập khẩu và phòng ngừa các rủi ro liên quan.

Cũng theo ông Nghiệp, trong giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, ngành Hải quan đã thực hiện quản lý rủi ro với 60% lượng hàng hóa không phải kiểm tra, 35% lượng hàng hóa kiểm tra hồ sơ và chỉ 5% hàng hóa phải thực hiện kiểm tra thực tế.

Với doanh nghiệp có quá trình hoạt động ổn định, tuân thủ tốt chính sách pháp luật về hải quan sẽ được đưa vào nhóm ưu tiên thông quan trước. Cục Hải quan Thành phố cũng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi thương mại, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại điện tử, xuất nhập khẩu tại chỗ thông qua kho ngoại quan phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

“Riêng các hội nghị đối thoại, năm nay Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thay đổi phương pháp đối thoại với doanh nghiệp, cụ thể là giao quyền cho các chi cục trực thuộc thực hiện đối thoại, gỡ vướng cho doanh nghiệp cho sát và cụ thể. Còn cấp cục chỉ tổ chức các hội nghị đối thoại về chuyên đề với lĩnh vực, như: doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng; doanh nghiệp hàng không; doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh… nhằm hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật hải quan.”- ông Nghiệp cho biết thêm.

Tại hội nghị, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu một số quy định mới tại Thông tư 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể, bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Trưởng Phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thông tin về nội dung Thông tư 33/2023/TT-BTC. Theo đó, Thông tư đã hợp nhất các nội dung kiểm tra, xác định xuất xứ tại các thông tư nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập như khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; sử dụng thông báo xác định trước xuất xứ, nộp bổ sung C/O sau thông quan, nộp C/O đối với hàng hoá thay đổi mục đích sử dụng, thời điểm nộp C/O... kiểm tra chất lượng trong thông quan.

Ngoài ra, Cục cũng đã thông tin về tình hình hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan. Theo đó, đại lý làm thủ tục hải quan định kỳ vào ngày 5 của tháng đầu quý sau gửi cục hải quan tỉnh, thành phố quản lý địa bàn đăng ký kinh doanh. Trường hợp đại lý làm thủ tục hải quan không báo cáo đúng thời hạn quy định sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Hiện nay, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chưa triển khai hình thức báo cáo đại lý theo hình thức qua email hoặc online. Khi nào có chủ trương báo cáo theo hình thức trên sẽ thông báo đến đại lý được biết, thực hiện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, đã thông tin đến doanh nghiệp về Chương trình doanh nghiệp tuân thủ. Theo đó, khi doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ trên nhiều phương diện như giảm kiểm tra hàng hóa. Doanh nghiệp tham gia cần có văn bản gửi cơ quan Hải quan để được xem xét, rồi sau đó tiến hành ký kết tham gia chương trình này.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã tiếp nhận và giải đáp hơn 55 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; mã số hàng hóa, loại hình xuất nhập khẩu; kho ngoại quan; kiểm tra sau thông quan; xuất nhập khẩu tại chỗ; tạm nhập, tái xuất hàng hóa; định hướng, chính sách hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu...

Theo đó, một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là về thương mại điện tử. Ông Nghiệp cho biết, theo quy định hiện hành, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hay xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch theo phương thức truyền thống thì thủ tục hải quan được thực hiện giống nhau. Giao dịch hàng hóa mua qua thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng, đơn giản, hàng hóa được giao tận địa chỉ của người mua nên việc thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường gặp một số vướng mắc, khó khăn.

Hội nghị đối thoại thuộc chương trình của Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây là buổi đối thoại lần thứ 2 trong năm 2023 được hai bên phối hợp tổ chức với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về chính sách thuế và chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

H. Trâm