leftcenterrightdel
 Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết tại Hội nghị Đối thoại chính sách về thủ tục hành chính Thuế, Hải quan năm 2023 do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày hôm nay (13/12).

Hội nghị đối thoại được tổ chức để hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, hệ thống văn bản pháp quy để đảm bảo công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nhanh gọn, đơn giản, tiết kiệm khi thực hiện các yêu cầu và nghĩa vụ với Nhà nước.

Theo ông Phạm Tấn Công, góp ý kiến tới hội nghị năm 2023, trong lĩnh vực Thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, về hóa đơn điện tử, về qui định nộp thuế tại địa phương đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, vấn đề đảm bảo uy tín cho doanh nghiệp khi xử lý chậm nộp thuế, một số qui định mới về nợ đọng thuế tính gộp cho doanh nghiệp, không theo từng công trình...

Trong lĩnh vực Hải quan, nhiều doanh nghiệp phản ánh về thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, việc hoàn thuế xuất nhập khẩu, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, về cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chế xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có một số đề xuất khác liên quan đến việc rà soát, bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp; kiến nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2024; xem xét phương thức hỗ trợ giải quyết thủ tục hoàn thuế mới; tăng cường các biện pháp phi thuế quan; về cơ chế liên thông giữa ngành Thuế - Hải quan với các cơ quan hành chính.

Ông Công nhấn mạnh, các vấn đề được thảo luận, đối thoại tại hội nghị hôm nay không chỉ để giải quyết cho 1 trường hợp hay 1 doanh nghiệp cụ thể mà còn có giá trị trong thực tiễn kinh doanh sau này của các doanh nghiệp và việc xử lý của các cơ quan Thuế, Hải quan, với mục tiêu chung là tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị.

Đây cũng là một cách thiết thực triển khai chủ trương, định hướng được nêu trong Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 là “tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 3 năm 2020-2022 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỉ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỉ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỉ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp tài khoá để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỉ đồng.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, kết quả thu ngân sách nhà nước đã đạt những kết quả tích cực.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp tham dự Hội nghị Đối thoại đã được giải đáp nhiều nội dung vướng mắc trong thực tế.

Cũng theo ông Cao Anh Tuấn, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử. Hiện hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc với 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử.

Trong lĩnh vực hải quan, ngay từ đầu năm 2023, đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM), góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi.

Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại nên đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ toàn trình đạt khoảng 62,14 % tổng số dịch vụ công; phối hợp với 13 bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, tính chung, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ chung trực tuyến. Dịch vụ chung trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính và nhận được sự đánh giá cao.

Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Nguyễn Anh