Vừa rầm rộ tặng quà để hút tiền gửi từ bên ngoài, nhiều ngân hàng thương mại lại công bố những gói cho vay lãi suất 0% hoặc thấp hơn lãi suất huy động, điều này có kỳ lạ?

 


Gần đây, các NHTM Nhà nước cũng đã có động thái tăng lãi suất huy động khi Agribank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 03 tháng thêm 0,5% lên mức 7%/năm, trong khi lãi suất gửi trên 12 tháng tăng lên 8%/năm. Vietinbank tăng lãi suất huy động tiền đồng thời hạn dưới 3 tháng từ 6% lên 6,5%, với kì hạn từ 3-7 tháng là 7%/năm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Vietcombank khi lãi suất tiền gửi kì hạn từ 6-12 tháng được nâng lên mức từ 7-7,5%/năm. Mức lãi suất 6-6,5%/năm được áp dụng với kì hạn từ 2-3 tháng.

Trong khi đó lãi suất cho vay đang được các ngân hàng tung ra nhiều gói ưu đãi với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Chẳng hạn, ACB đang triển khai gói “Tiếp cận nhanh, lãi suất thấp” chỉ 8%/năm (bằng với mức lãi suất huy động 12 tháng của ACB), ABBank tung gói hỗ trợ lãi suất chỉ 8,99%/năm, Vài ngân hàng thương mại còn sẵn sàng chịu lỗ khi cung cấp gói cho vay tiêu dùng chỉ ở mức 5,99-6%/năm đối với doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu mua nhà và ô tô, trong đó VietCapitalBank cũng đang cho vay tiêu dùng với lãi suất cực sốc là 0%/năm, bên cạnh đó còn rất nhiều gói cho vay lãi suất chỉ 6,99%/năm, 8,5%/năm của VietCapitalBank…

Tự làm tự chịu?

Mới đây, NHNN đã “tuýt còi” cảnh cáo các ngân hàng khi tình trạng “bất hợp lý” này đang diễn ra ngày càng mạnh về cuối năm, khi các ngân hàng đang cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đạt kế hoạch chỉ tiêu hoạt động cả năm. Theo công văn số 9312/NHNN-TTGSNH, NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động. Theo văn bản này, trong những tháng gần đây, tình hình thanh khoản của các TCTD được cải thiện đáng kể. Do đó, đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh lãi suất đầu ra giữa các TCTD. Một số TCTD chấp nhận cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động, đó là biểu hiện kinh doanh không lành mạnh về mặt tài chính, có thể tạo ra rủi ro cho chính các TCTD.

Theo nguyên tắc, nếu ngân hàng nào cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động thì cầm chắc lỗ. Vì biên lợi nhuận của ngân hàng Việt hiện nay tới 3-4% ngân hàng mới có lãi. Nghĩa là ngân hàng huy động vốn với lãi suất 7%/năm thì ít nhất phải cho vay 10-11%/năm mới đảm bảo hiệu quả hoạt động. Nếu cho vay chỉ 6-6,9%/năm thì cầm chắc lỗ.

Về phía doanh nghiệp (DN), có ý kiến nghi ngại là nếu vay được vốn ngân hàng với giá hời đó thì đã có giả định là họ sẽ cầm khoản tiền vay được này đi gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lời. Tính đơn giản, nếu một DN vay được ngân hàng 01 tỷ đồng với lãi suất 6,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng, thì tổng số lãi phải trả cho khoản vay là 69 triệu đồng. Nếu DN đó đem số tiền này gửi lại ngân hàng chỉ với lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng thì tổng số tiền lãi DN này nhận được là 69,99 triệu đồng. Như vậy, DN đã được lời khoảng 990.000 đồng của món vay này sau 12 tháng.

Tuy nhiên, khi khoản vay được giải ngân thì ngân hàng hiện nay quản lý khá chặt. Và thường những khoản vay với lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng từ 01-06 tháng. Sau đó là lãi suất thả nổi theo thị trường. Chẳng hạn gói lãi suất 0%/năm cho vay tiêu dùng của VietCapitalBank chỉ ưu đãi trong tháng đầu tiên, 03 tháng tiếp theo là 10,6%/năm. Hay gói lãi suất 8,99%/năm của ABBank cũng chỉ ưu đãi 03 tháng đầu…

Trong buổi hội thảo “Chiến lược kinh doanh nào cho năm 2014” do Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 6/12/2013, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình Fulbright Việt Nam cho biết: “chúng tôi vẫn đang tranh luận với NHNN về mức lãi suất cho vay bình quân. Theo chúng tôi tính toán thì mức này ở khoảng 12-13%/năm. Còn theo tính toán của NHNN mức này chỉ khoảng 9%/năm. Có thể là do phương pháp tính toán khác nhau”.

Vấn đề giảm lãi suất hiện nay để giúp DN có thể giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm đang là một mong mỏi của cộng đồng DN. Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm nhưng việc tiếp cận được vốn vay của ngân hàng đang là điều khó khăn với nhiều DN. Có DN còn đặt vấn đề, có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn mặt bằng chung một chút cũng vẫn chấp nhận được, miễn sao tiếp cận được vốn để làm ăn.

Theo một chuyên gia kinh tế, nhiệm vụ chính của NHNN là ổn định giá trị tiền tệ. Còn việc cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại đã có pháp luật điều chỉnh, trong đó có Luật Các Tổ chức tín dụng.

Theo điều 145 của Luật này thì TCTD sẽ bị kiểm soát đặc biệt khi: có nguy cơ mất khả năng chi trả; khi số lỗ của TCTD lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; hai năm liên tiếp bị xếp loại yếu kém, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong 06 tháng liên tục. Để rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt là điều mà không TCTD nào muốn. Việc cân đối bài toán doanh thu - chi phí nên để các các ngân hàng tự cân đối. Còn việc đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và các TCTD thì NHNN đã có luật và các công cụ trong tay, có thể trong tình hình này vẫn phải dùng biện pháp hành chính nhưng không nên quá lạm dụng.
 

Theo infonet

.