|
|
Theo Bộ Tài chính, dự toán thu NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022. |
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ NSNN 9 tháng đầu năm, đánh giá ước thực hiện NSNN năm 2022 như sau:
Bội chi NSNN 421,3 nghìn tỉ đồng, bằng 4,5%GDP, trong đó, bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoảng 0,41%GDP. Dự kiến, đến ngày 31/12/2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP.
Về tổng thu NSNN đạt 1.614,1 nghìn tỉ đồng, tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP; Thuế, phí đạt 13,9%GDP. Ngoài ra, tổng chi NSNN là 2.035,4 nghìn tỉ đồng, tăng 14,1% so dự toán.
Dự kiến khung cân đối thu, chi NSNN 3 năm 2023-2025:
Tổng thu NSNN khoảng 5,1 triệu tỉ đồng, tăng 10,3% so với thu NSNN 3 năm 2020-2022; tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 15% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7%.
Tổng chi NSNN khoảng 6,4 triệu tỉ đồng, gấp 1,15 lần chi NSNN 03 năm 2020-2022.
Bội chi NSNN Dự kiến mức bội chi NSNN trong năm 2023 khoảng 4,42%GDP. Mức bội chi các năm 2024-2025 phấn đấu giảm dần để giữ tỷ lệ bình quân giai đoạn 5 năm theo Kế hoạch tài chính 2021-2025; Nợ công đến năm 2025 khoảng 43-44%GDP.
|
Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, với chủ trương ưu tiên kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn đã được thắt chặt nhanh, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, một số thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái; Giá xăng, dầu và nhiều mặt hàng như lương thực, nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh nền tảng phục hồi kinh tế từ năm trước, vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức từ nội tại nền kinh tế: năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao; thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới,…
Do đó, thời gian tới, sẽ tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập.
Theo đó, về thu NSNN: Dự toán thu NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP. Trong đó, thu nội địa là 1.334,2 nghìn tỉ đồng, tăng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022; Thu dầu thô: 42 nghìn tỉ đồng, giảm 38,2% so với ước thực hiện năm 2022; Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 239 nghìn tỉ đồng, giảm 2,8% so với ước thực hiện năm 2022…
Về nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN: Đảm bảo đủ kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ đầu tư công theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo Luật NSNN; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn
Xác định lại tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia, áp dụng cho cả thời kỳ ổn định ngân sách và số bổ sung cân đối cho từng địa phương năm 2023.
Bố trí kinh phí tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội; điều chỉnh chuẩn nghèo; các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Về dự toán chi NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỉ đồng, tăng 16,3% so dự toán năm 2022. Trong đó, chi thường xuyên là 1.172,3 nghìn tỉ đồng, tăng 5,4% so dự toán năm 2022; Chi trả nợ lãi là 102,9 nghìn tỉ đồng, giảm 0,8% so dự toán năm 2022; Chi đầu tư phát triển: 726,7 nghìn tỉ đồng, tăng 38,1% so dự toán năm 2022.
Thông tin về một số giải pháp thực hiện, Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục coi trọng công tác phân tích, dự báo, bám sát thực tiễn diễn biến của thị trường, chủ động kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền các kịch bản ứng phó linh hoạt phù hợp.
Tăng cường quản lý, điều hành tài chính, ngân sách gắn với các ưu tiên và mục tiêu của nền kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Tập trung rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, chế độ kế toán, kiểm toán; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền đi đôi với yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, công khai, minh bạch.
Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế; rà soát lại các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế không còn phù hợp, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh phát triển. Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.
Quán triệt nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ của nền kinh tế.