Anh Trịnh Minh Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) chờ hàng giờ để mua vài lượng vàng hôm 16/4, khi giá trong nước chênh thế giới hơn 6 triệu đồng. 39 triệu đồng mỗi lượng là mức giá quá tốt so với kỳ vọng của anh.

 
“Tôi không bao giờ quan tâm giá trong nước chênh với thế giới bao nhiêu. Tôi cũng chẳng hy vọng sát giá thế nào. Tôi chỉ thấy rẻ là mua”, anh Hiếu chia sẻ với VnExpress khi đằng sau anh còn hàng chục người chờ tới lượt.
 
Phần đông khách mua một vài lượng, thậm chí vài chỉ. Các cụ về hưu có chút tiền dư cố đi mua để tích trữ. Vài người vay từ thời vàng 46-47 triệu đồng, giờ chớp cơ hội giá thấp mua lại trả nợ. Cũng như anh Hiếu, họ không quan tâm nhiều tới chuyện mua lúc này đắt hơn thế giới tới 6 triệu đồng mỗi lượng.
 
Thế nhưng chỉ trích gay gắt vẫn nổi lên suốt hai tháng qua. Người ta cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa làm tròn vai khi đã bán ra 13-14 tấn vàng từ dự trữ ngoại hối quốc gia mà chưa thu hẹp chênh lệch theo yêu cầu Quốc hội, Chính phủ, khiến người mua thiệt thòi. Và rằng, nếu cứ để chênh lệch quá lớn, tình trạng nhập lậu tái phát, bất ổn kinh tế sẽ lại nổi lên.
 
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước dường như đang “cắn răng, bấm bụng” trước áp lực dư luận, để quyết đi theo con đường đã chọn: thanh toán cho xong món nợ vàng đại gia, từ đó thị trường dần ổn định, giá trong nước ắt về sát với thế giới.
 
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: Hoàng Hà
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: Hoàng Hà
 
Phó thống đốc Lê Minh Hưng từ cuối năm ngoái đã tuyên bố sau 30/6, các ông lớn không còn lý do tham gia thị trường và cuộc chơi vàng sẽ chấm dứt. Một lộ trình đã được vạch ra và kiên định triển khai để hiện thực hóa kịch bản này, từ việc tạo cơ chế và công cụ ngăn nạn nhập lậu, thu hẹp mạng lưới kinh doanh, cho tới quyết tâm chặn đường đầu cơ của các “tay to”.
 
30/6 là hạn chót các ngân hàng phải trả hết số vàng huy động của dân trước đây, đoạn tuyệt vay mượn và chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua bán lành mạnh trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước trong các phát ngôn chính thức của mình không bao giờ chỉ mặt gọi tên thủ phạm làm loạn giá, nhưng nhiều lần thừa nhận chủ trương cho các ngân hàng cùng lúc huy động, cho vay, vừa kinh doanh vàng vật chất và tài khoản là kẽ hở cho hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường.
 
Để tất toán trạng thái theo yêu cầu, năm ngoái các ngân hàng đã tự mua từ thị trường 60 tấn. Từ cuối tháng 3 năm nay, với vai trò độc quyền nhập khẩu, sản xuất và cung ứng, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đấu thầu nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu thị trường đồng thời hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh quá trình tất toán 20 tấn vàng còn lại.
 
Sau 13 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới từ quanh vùng 3 triệu đồng mỗi lượng lại dãn rộng hơn, cao điểm có lúc gần 7 triệu đồng. Thực tế này, theo Phó thống đốc, có nguyên nhân khách quan từ đợt sụt giá thế giới giữa tháng tư và lực mua trong nước còn quá lớn, bất chấp chênh lệch.
 
“Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò người can thiệp cuối cùng, một khi cầu vẫn lớn và bên mua vẫn chấp nhận giá 42 triệu thì không có lý do gì phải bao cấp bán giá 38 triệu để rồi vừa làm thiệt cho ngân sách, vừa dễ bị khép vào tội lợi ích nhóm”, Phó thống đốc giãi bày.
 
Theo phân tích của ông, trước đây mỗi năm giới kinh doanh nhập khẩu trên dưới 100 tấn theo hạn ngạch chính thức và qua cả con đường nhập lậu nhưng thị trường vẫn thường xuyên biến động, chênh lệch giá lớn. Phần chênh lệch được hưởng khi đưa vàng về Việt Nam và bán ra thị trường, hầu hết đều rơi vào túi các nhà kinh doanh và giới đầu cơ.
 
“Chênh lệch hiện nay nằm ngoài mong muốn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng thực sự có cơ hội thu nó trả cho ngân sách nhà nước thì tại sao phải từ chối? Sau 13 phiên đấu thầu, dù thế giới biến động, thị trường trong nước không hỗn loạn, ai có nhu cầu đều mua được, tỷ giá ổn định, kinh tế vĩ mô không bị ảnh hưởng theo, như vậy mục tiêu bình ổn thị trường Ngân hàng Nhà nước đề ra bước đầu đã thành hiện thực”, ông nói thêm.
 
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng rút ngắn chênh lệch ngay lập tức không phải nhiệm vụ bất khả thi, nhưng cái giá phải trả rất lớn. “Để rút ngay lập tức cần 70-80 tấn vàng, tương đương 4 tỷ USD, một chi phí không thể chấp nhận trong bối cảnh chúng ta đang bằng mọi giá khôi phục và bảo toàn dự trữ ngoại hối quốc gia”, ông nói. Theo ông, cùng là ngoại hối, nhưng ngoại tệ quan trọng hơn vàng, vì ảnh hưởng trực tiếp tới chuyện vay nợ, thu hút đầu tư, thanh toán quốc tế của quốc gia cũng như an ninh quốc phòng.
 
Ông Nghĩa hy vọng khi Ngân hàng Nhà nước giải quyết xong trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại, nhu cầu sẽ giảm rất mạnh. Cộng với việc tăng cung qua đấu thầu, chênh lệch giá, theo ông, sẽ giảm nhanh sau tháng 6 và về mức hợp lý trong tương lai gần.
 
Ngân hàng Nhà nước hiện độc quyền nhập khẩu, kinh doanh tài khoản nước ngoài, sản xuất và cung ứng vàng miếng ra thị trường. Ảnh: Hoàng Hà
Ngân hàng Nhà nước hiện độc quyền nhập khẩu, kinh doanh tài khoản nước ngoài, sản xuất và cung ứng vàng miếng ra thị trường. Ảnh: Hoàng Hà
 
Từ góc độ nhà kinh doanh, trong cuộc trao đổi với VnExpress mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cũng nhìn thấy lực cầu sẽ giảm mạnh sau 30/6, tạo cơ hội tốt thu hẹp chênh lệch. Tuy nhiên ông nhấn mạnh nếu Ngân hàng Nhà nước không chủ động dùng lực để “kéo”, giá trong nước sẽ không thể về sát với thế giới.
 
Mức được cho là sát theo kỳ vọng gần đây của thị trường vào khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng. Khoảng vênh này đủ an toàn cho cơ quan quản lý khi bán vàng từ dự trữ quốc gia kể cả khi thị trường thế giới biến động 100 USD mỗi ounce trong một phiên. Giới kinh doanh cũng như người dân có thể chấp nhận mức vênh này khi trong nhận thức họ hiểu rằng Việt Nam không phải nước sản xuất vàng, và phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
 
“Sau 30/6, lực cầu từ ngân hàng giảm, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn tham chiếu giá thị trường để bán vàng ra thì không thể kéo sát chênh lệch được. Ngân hàng Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, dùng mức giá đấu thầu của mình buộc thị trường tham chiếu để tuân theo”, ông Phú nói.
 
Theo ông, thị trường chỉ có thể bình ổn và sát giá thế giới sau 30/6 nếu đảm bảo đủ 3 điều kiện: Giá thế giới trong xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước tăng cung đều dặn với mức giá chênh hợp lý so với thế giới và kinh tế vĩ mô không quá bi đát khiến dân tăng nhu cầu đầu tư vào vàng.
 
“Đến khi nào chênh lệch giá trên thị trường về mức mong muốn, Ngân hàng Nhà nước nên rút dần các biện pháp can thiệp, để thị trường tự thở, tự vận hành theo quy luật cung cầu”, ông nhấn mạnh.
 
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng tin tình trạng chênh lệch giá quá xa như hiện nay sẽ suy giảm sau 30/6, khi số vàng Ngân hàng Nhà nước bán ra bắt đầu ngấm vào thị trường.
 
“Tôi nhất trí với Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần bình ổn thị trường thông qua việc thiết lập trật tự trên thị trường, chứ không bằng bình ổn giá. Rồi khi trật tự được thiết lập thì bình ổn giá cũng sẽ tới. Nếu đến lúc đó, giá vàng trong nước chưa được kéo lại gần thế giới, vẫn giữ như mức 5-6 triệu đồng hiện nay, thì chúng ta cần có thêm biện pháp nào đó hoặc suy xét lại các biện pháp đang triển khai”, ông nói.
 
Ẩn số lớn nhất mà ông lo ngại đó là tâm lý chuộng vàng và thích tích trữ vàng của người Việt Nam. Hơn 10 năm làm việc tại Mỹ, ông chưa chứng kiến hiện tượng người dân nơi đây đổ đi mua vàng miếng, có chăng chỉ là vàng tài khoản thông qua các quỹ đầu tư.
 
Trong khi đó, người Việt Nam suốt thời gian dài dùng vàng như một đơn vị tiền tệ, mua nhà cưới vợ hay gả chồng cho con đều tính bằng vàng. Bất chấp các cơn sóng trồi sụt, mỗi khi có cơ hội và thấy giá về mức hợp lý, tâm lý đầu tư, tích trữ vàng lại nổi lên, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, dân chưa hoàn toàn yên tâm với sự ổn định của đồng tiền Việt Nam. Câu chuyện của anh Trịnh Minh Hiếu và những người đi xếp hàng mua trong ngày 16/4, khi giá thế giới rơi mạnh nhất trong vòng 3 thập kỷ đưa giá trong nước về quanh vùng 38-39 triệu đồng, là một ví dụ điển hình.
 
“Tôi đồng ý với Chính phủ, chống vàng hóa là cuộc chiến cần thiết. Nếu dân vẫn chuộng vàng như thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không thể bình ổn bằng cách bán ra mãi, vì tới một lúc nào đó cũng không còn ngoại tệ nhập vàng phục vụ nhu cầu trong nước”, ông nói.
 
Theo Song Linh
VnExpress