|
|
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho rằng có sự lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm thép các - bon chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
|
Khi cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chuyển sang giai đoạn mới với quy mô số lượng mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế tăng lên thì cũng là lúc rất nhiều phân tích liên quan của giới chuyên môn thường xuyên có mặt trên bàn hội nghị của các chính quyền địa phương.
Cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 3 quý đầu năm 2018 của TPHCM cũng “nóng hổi” với các nhận định của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (HIDS) về những rủi ro có thể xảy đến cho đầu tàu kinh tế cả nước.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng HIDS, cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang tính phức tạp, khó dự báo, dù có thể dừng lại bất ngờ nhưng cũng có thể liên tục leo thang. Tuy nhiên vào thời điểm này, ở tầm vi mô, TPHCM cần theo dõi sát các chuyển động kinh tế có “dây mơ rễ má” với căng thẳng trên.
Cụ thể, ở lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu, trước hết TPHCM cần liệt kê được danh sách chi tiết những mặt hàng Trung Quốc mới bị Mỹ tuyên bố đánh thuế nhập khẩu đợt gần nhất (200 tỷ USD hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế suất 10%, hiệu lực từ 24/9, và có thể tăng lên 25% từ đầu năm 2019).
Cũng theo người đại diện HIDS, đây mới là nhóm sản phẩm có sự tương đồng lớn với những hàng hóa mà các doanh nghiệp tại TPHCM đang sản xuất. Nắm được những thông tin này, TPHCM mới có cơ sở để cùng xây dựng các giải pháp thích nghi phù hợp.
Thứ nữa, TPHCM cần tập hợp thông tin từ Cơ quan Hải quan để nắm được tình hình những mặt hàng có biến động xuất nhập khẩu lớn nhất trong thời gian qua. Bởi đây có thể là một trong những dấu hiệu về hiện tượng hàng Trung Quốc chảy sang Việt Nam, “núp bóng” hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ.
Vị Phó Viện trưởng HIDS cũng cho rằng Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ gần 39 tỷ USD, tính từ đầu năm tới nay. Nếu xu hướng này còn tăng lên thì rủi ro căng thẳng thương mại với Mỹ có thể xuất hiện.
Thực vậy, theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM, gần đây số đơn đặt hàng ngành gỗ và da giày đang tăng nhanh. Tuy nhiên, chưa có báo cáo chính thức nào về việc số hàng này do doanh nghiệp Việt tự sản xuất hay chỉ là hàng “rời” nhập từ Trung Quốc, sau đó lắp ráp lại ở Việt Nam rồi xuất sang Mỹ.
“Cơ quan Quản lý thị trường, Hải quan, và Sở Kế hoạch và Đầu tư nên cùng phối hợp xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trước khi cho xuất khẩu, cẩn thận kẻo lại rơi vào trường hợp thép cán nguội và thép chống gỉ Việt Nam đang phải chịu cáo buộc dùng vật liệu Trung Quốc nên bị đánh thuế chống bán phá giá tới 200%”, ông Trình nêu cảnh báo, đồng thời bày tỏ lo lắng “dù TPHCM có siết được hiện tượng ‘núp bóng’ hàng Việt để xuất khẩu mà các địa phương khác không chặn thì cũng khó hiệu quả”.
Về thương mại, Mỹ và Trung Quốc đang là hai “bạn hàng” xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại TPHCM. Trong giai đoạn 2013-2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố vào thị trường Trung Quốc tăng trung bình 19%/năm, vào thị trường Hoa Kỳ tăng khoảng 8,4%/ năm.
Riêng năm 2017, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các doanh nghiệp TPHCM vào Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ thậm chí còn đạt tới 5,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,3%.
Hiện tại, TPHCM đang đóng góp khoảng 23% GDP cả nước, góp khoảng 28%-30% ngân sách mỗi năm. TPHCM cũng là điểm đến lý tưởng của đầu tư nước ngoài với sự có mặt của lực lượng doanh nghiệp từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số dự án FDI của TPHCM hiện chiếm khoảng 40-45% tổng số dự án cả nước.
theo Phương Hiền/ Chinhphu.vn