(BVPL) - Giảm tối đa khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để gia tăng giá trị xuất khẩu đối với hàng hóa Việt theo hướng thông qua các chuỗi siêu thị phân phối của các tập đoàn lớn trên thế giới là những hướng đi đang được Bộ Công thương xúc tiến đẩy mạnh.

 


Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương, thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại các hội chợ, đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon (Nhật Bản) tăng từ 18,2 tỷ Yên năm 2013 lên khoảng 23,4 tỷ Yên năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu vào Lotte (Hàn Quốc) đạt 19,6 triệu USD năm 2014, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Casino (Pháp) tăng mạnh, lên 30 triệu USD trong năm 2015.

Tại hội thảo về triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức, ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu nhiều sản phẩm qua kênh siêu thị Aeon, như cá tra, trái cây, hàng may mặc, thực phẩm, gia dụng... Năm 2016, hệ thống Aeon nhập khẩu khoảng 200 triệu USD hàng Việt, trong đó chủ yếu là sản phẩm may mặc, thực phẩm. Dự kiến, lượng hàng hóa mà Aeon nhập khẩu từ Việt Nam còn gia tăng trong những năm tiếp theo.

Chiến lược “dài hơi” cho hàng Việt

Trong thời gian tới, các hoạt động xúc tiến đưa hàng Việt xuất khẩu qua hệ thống phân phối nước ngoài sẽ tiếp tục được Bộ Công thương đẩy mạnh, đổi mới cách làm để gia tăng hiệu quả xúc tiến xuất khẩu. Cụ thể, trong năm 2017, Bộ Công thương sẽ tổ chức kết nối đoàn doanh nghiệp Việt với 7 tập đoàn phân phối lớn của châu Âu và châu Á như Auchan, Casino, Central Group, Aeon...

Với mục tiêu hướng đến là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác thông qua các sản phẩm thế mạnh như: dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ nội thất...

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được những bước đi vững chắc cho hàng hóa Việt “xâm nhập” và có chỗ đứng tại các gian hàng siêu thị quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C chia sẻ: Để đưa hàng Việt tới người tiêu dùng Pháp, các nhà cung cấp Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Mặt hàng như lương thực, thực phẩm thì yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm phải được coi trọng.

Là nhà phân phối trực tiếp nhiều sản phẩm hàng Việt tới người tiêu dùng Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị Lotte Mart, ông Hong Won Sik cho rằng, các khách hàng hiện rất quan tâm về giá và chất lượng sản phẩm. Để hàng Việt thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị Lotte, các nhà cung cấp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm Việt. Một vấn đề quan trọng nữa khi đưa hàng vào hệ thống ngoại chính là chất lượng phải ổn định, sau đó mới là giá cả.

Bên cạnh những tiêu chí cần nâng cao về chất lượng, giảm giá thành thì một thực tế khác mà các doanh nghiệp Việt khi tham gia xuất khẩu hàng vào các chuỗi siêu thị nước ngoài phải đối mặt đó là vấn đề về vốn. Bởi thực tế, hầu hết doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam là vừa và nhỏ với số lượng vốn thấp. Trong khi đó, nếu xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống siêu thị nước ngoài thì việc thanh toán tiền lại chậm, bởi các siêu thị thường bán hàng trước trả tiền sau, thời gian trả tiền từ 3- 4 tuần hoặc hơn 3 tháng. Chính điều này gây khó cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn quay vòng. Đó là chưa tính đến các chi phí chiết khấu lợi nhuận cho kênh bán lẻ, quảng cáo xúc tiến giới thiệu sản phẩm…

Do vậy, hiện thực hóa mục tiêu từ nay đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam theo đúng tinh thần của Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì rất cần sự đồng bộ từ cơ chế chính sách của nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như chính nội lực tiềm năng dám làm, muốn bứt phá từ các đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng Việt.
 

Hoàng Long

.