Các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, mặc dù vẫn còn lỗ nhưng do giá thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nên doanh nghiệp tạm thời chưa xin tăng giá mà lùi dự định này sang tháng 10. Ngược lại, giá than, gas vẫn kiên quyết bám đuổi đề xuất tăng.
So với giá bình quân 30 ngày tính đến thời điểm 10/9, chỉ có mặt hàng xăng hạ nhiệt chút xíu với mức giảm 1,77 USD/thùng. Ba mặt hàng còn lại đều đi ngang giá hoặc tăng nhẹ như dầu diezen tăng thêm 0,04 USD/thùng, dầu hỏa tăng 0,23 USD/thùng và dầu madut tăng 1,08 USD/thùng.
Trong đợt xin tăng giá cuối tháng 8, Bộ Tài chính chỉ cho phép tăng bằng 50% so với mức đề nghị và đợt "xin" tăng gần đây nhất 11/9, Bộ yêu cầu phải giữ giá, thay vào đó là giảm thuế và bù từ Quỹ Bình ổn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không được cộng lợi nhuận định mức vào giá thành xăng dầu. Khoản chi phí kinh doanh ban hành từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Các mức 600 đồng/lít đối với xăng, dầu diezen và dầu hỏa, 400 đồng/kg đối với dầu madut không đủ bù đắp chi phí vận tải, chiết khấu hoa hồng... cho các đại lý.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu khẳng định không xin tăng giá đợt này vì thị trường thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt so với tháng 8.
Phiên giao dịch gần đây nhất trên thị trường Singapore, ngày 25/9, giá xăng A92 thành phẩm chỉ còn 121,54 USD/thùng, dầu diezen còn 130,21 USD/thùng, dầu hoả còn 129,65 USD/thùng và dầu madut 666,92 USD/tấn.
So với một tháng trước, các mức giá trên đều đã thấp hơn như xăng hạ tới 3,8 USD/thùng, dầu diezen đã hạ 5,07 USd/thùng và dầu hỏa hạ 4,33 USD/thùng.
Cũng trong khoảng 30 ngày qua, thị trường thế giới đã chứng kiến có đợt giá xăng dầu tụt mạnh. Trong đó, riêng mặt hàng xăng ngày 5/9 hạ chỉ còn 118,7 USD/thùng. Tới ngày 20/9, cả 4 mặt hàng đều rớt giá mạnh như xăng còn 118,22 USD/thùng, dầu hỏa 127,5 USD/thùng và dầu diezen còn 130,26 USD/thùng.
Thêm vào đó, với chính sách điều hành thị trường xăng dầu kể từ cuối tháng 8 đến nay của Bộ Tài chính, kinh doanh xăng dầu giai đoạn này gần như trở về chế độ kiềm giá, bình ổn giá như thời kỳ tháng 6/2012 trở về trước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối cho biết nếu giá thế giới vẫn nhích lên, không có nguồn bù đắp lỗ thì đầu tháng 10 tới, các doanh nghiệp sẽ lại xin tăng giá. Hiện, ảnh hưởng từ thời kỳ bình ổn giá năm 2010-2011, các đơn vị này vẫn đang lỗ 5.000 tỷ đồng.
Trong khi ngành xăng dầu đau đầu với bài toán kiềm giá hay "thả" giá thì ngành điện, than vẫn đang kiên quyết theo đuổi giá thị trường.
Bộ Công Thương cho biết, tăng giá than là một trong các giải pháp cấp thiết để tháo gỡ tài chính cho Tập đoàn Than- Khoáng sản hiện nay. Trong một văn bản gửi tới Chính phủ cuối tháng 8, Bộ đề nghị tăng giá than bán cho điện theo 2 bước.
Bước 1, tăng giá than bán cho điện bằng 70% phần chênh lệch giữa giá thành than năm 2011 và giá bán cho điện hiện nay, áp dụng kể từ ngày 1/9/2012. Bước 2 tăng giá than cho điện bằng giá thành năm 2011 áp dụng trong quý IV. Đến năm 2013, Bộ đề nghị điều chỉnh giá than bằng giá thị trường bán cho các hộ khác. Như vậy, giá than bán cho điện còn dư địa tăng tới 30-40% từ nay đến năm sau.
Đồng thời, cũng dự kiến trong tháng 10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán lại các thông số đầu vào của giá điện như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu huy động nguồn điện cùng các mức lỗ hơn 26.000 tỷ đồng đang "treo" từ năm 2010 để lên phương án giá điện mới.
Giá gas cũng được các doanh nghiệp cho biết, có thể sẽ tăng tiếp 15.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 10.
Theo VietNamnet